Mới đây nhất, Quốc hội nước này đã bỏ phiếu chấp thuận tuyên án tử hình đối với những kẻ tham gia làm tranh ảnh khiêu dâm (dù là ở bất cứ "công đoạn" nào). Các quan chức Iran cho rằng sở dĩ cần ngặt nghèo như thế, vì "sản xuất đồ khiêu dâm" ở đây bị coi là một sự đồi bại nặng nề. Ở đây, "tranh ảnh" khiêu dâm được hiểu là những sản phẩm thị giác và điện tử (còn báo chí, sách vở, ảnh vẽ... khiêu dâm thì đã bị cấm ngặt bởi các đạo luật trước đó), còn thủ phạm thì có thể là các chủ nhiệm, đạo diễn, quay phim và các diễn viên.
Để dự luật này được nâng lên hiệu lực pháp lý, cần sự phê chuẩn của Hội đồng Giám sát (Guardian Council). Nhiều người cho rằng "cú hích" để một dự luật vô cùng khắt khe như thế được đưa ra, là vì Zahra Amir Ebrahimi, một nữ minh tinh Iran, đã có một cuộn video khiêu dâm, được đưa lên mạng Internet và ai muốn đều có thể mua đĩa DVD lậu được ghi hình. Nữ diễn viên này đang bị truy cứu hình sự: cô khẳng định rằng không phải cô trên băng.
*
Tuy nhiên, cho dù phải chịu vô số cấm đoán nặng nề, thời gian gần đây tại Iran, những mối quan hệ tính dục "phi pháp" vẫn lan tràn, khiến ông bộ trưởng xứ này phải đưa ra một sáng kiến táo bạo để hợp thức hóa chúng.
Như báo chí quốc tế bình luận, ông Mostafa Pur-Mohammadi đã có sự quan tâm đến giới trẻ và nhu cầu tính dục của họ một cách bất ngờ, không đặc trưng cho "đạo đức Hồi giáo" ở xứ này. Đề xuất của ông, là một định chế gọi là "sighe" (hôn nhân theo thời hạn): một cặp nam nữ muốn "gần nhau", có thể ký hợp đồng hôn nhân với thời hạn từ... 1 giờ cho đến... 99 năm! Như vậy, quan hệ tính dục "bất hợp pháp" sẽ được hợp thức hóa với "sáng kiến" này.
Tại Iran, 60% cư dân ở độ tuổi dưới 30, và theo thống kê không chính thức, đàn ông trung bình đến năm 30 tuổi mới kết hôn, và phụ nữ thì 26 tuổi. Tuy tuổi kết hôn cao như vậy, nhưng quan hệ tính dục ngoài hôn nhân bị trừng phạt rất nặng: các "tội nhân" sẽ bị đánh đập hoặc ném đá. Các bình luận viên chính trị cho rằng định chế "sighe" không khác gì một hình thức đặc biệt của sự hợp thức hóa mại dâm, nhưng có thể thỏa mãn nhu cầu của giới trẻ bị kìm hãm quá mức.
Đối với họ, gọi thế nào cũng được, và họ không mấy quan tâm đến chuyện chính quyền quyết định ra sao về đời sống tính dục của họ. Bị cấm đoán lâu ngày, họ đã phản ứng bằng cách... sử dụng ồ ạt các dịch vụ tính dục của giới gái điếm, khiến tệ mại dâm nở rộ ở Iran (cho dù không ai dám gọi hiện tượng đó bằng tên thật của nó). Đến nỗi, bà Sirin Ebadi, giải Nobel Hòa bình 2003, phải phàn nàn: "Thay vì cạnh tranh hạt nhân, chính quyền Iran nên dùng khoản tiền này để chấm dứt nạn mại dâm trong nước!"
Hoàng Tuấn tổng hợp, theo [origo]
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn