ROMANIA: CUỘC TRƯỜNG CHINH ĐÒI TỰ TRỊ CỦA NGƯỜI GỐC HUNG TẠI SZÉKELY LAND

Thứ tư - 30/10/2013 20:42

Ngày Chủ nhật 27-10 vừa qua, một cuộc biểu tình và tuần hành lớn mang tên “Cuộc Trường chinh của người Székely” đã được khởi động tại Romania với sự tham gia thoạt đầu của chừng 50 ngàn người gốc Hung, nhưng sau đã tăng lên 100-150 ngàn người, đòi quyền tự trị cho cộng đồng Hung kiều sinh sống tại vùng Székely Land thuộc Romania.


Biểu tình phản đối chính sách tái cấu trúc hành chính của chính quyền Romania, đồng thời đòi quy chế tự trị cho vùng Székely


Với hy vọng sẽ thu hút được chừng 150 ngàn người tham gia đến từ các vùng có đông Hung kiều sinh sống tại Romania, và từ nước ngoài, “Cuộc Trường chinh của người Székely” kỳ vọng sẽ làm nên một dòng người kéo dài 56 cây số, nối giữa hai vùng quê là nơi sinh và nơi mất của Gábor Áron, người anh hùng của cách mạng 1848.

Động thái này của Hung kiều tại Romania được đánh giá như sự khởi đầu hết sức mạnh mẽ của nỗ lực đòi quyền tự trị của cộng đồng này, một điều mà chính quyền Romania xưa nay vẫn lo ngại và tìm cách ngăn chặn bằng các quyết định hành chính, nhiều khi mang tính áp đặt và thiếu thuyết phục.

Viễn ảnh một Kosovo thứ hai ở vùng Đông - Trung Âu luôn là điều ám ảnh chính giới Romania, nhất là khi nguyện vọng tự trị của cộng đồng Hung kiều ở Székely Land được sự ủng hộ rộng rãi không chỉ của các thành viên trong cộng đồng, mà còn của đại đa số các đảng phái chính trị tại “Nước mẹ” Hungary.

Vậy mảnh đất Székely Land là như thế nào, nó có vị trị gì trong lịch sử Hungary và Romania, và tại sao ở đó lại có một cộng đồng Hung kiều đông đảo như thế?

Trong lịch sử hơn 1.100 năm của Hungary, Székely Land luôn là mảnh đất có ý nghĩa đặc biệt và thiêng liêng. Thoạt tiên, nó là quê hương của những người Székely, một sắc dân được coi là đã cùng người Hungary định cư và lập quốc tại vùng lòng chảo Carpathian cách đây hơn một ngàn năm, và sau này đã được “đồng hóa” vào dân tộc Hung.

Trong lịch sử, người Székely và quê hương của họ đóng vai trò rất quan trọng - và do đó, luôn được ở vị trí đặc biệt - đối với Hungary. Là một dân tộc rất thiện chiến và từng là nòng cốt trong quân đội của Vương quốc Hungary, một thời gian rất dài họ đã được hưởng những ưu tiên, bổng lộc như giới quý tộc.

Cũng cho đến thế kỷ 19, người Székely trong nhiều giai đoạn khác nhau được hưởng quyền tự quyết lãnh thổ và quy chế tự trị trong Vương quốc Hungary. Đầu thế kỷ 20, đã có những nỗ lực để thành lập một nước Cộng hòa Székely, nhưng rốt cục ý tưởng này đã không trở thành hiện thực.

Vùng đất Székely bị cắt khỏi Hungary và sáp nhập vĩnh viễn vào Romania trên cơ sở Hiệp định hòa bình Paris, ký đầu năm 1947, phân định biên giới một số quốc gia trong vùng Đông - Trung Âu. Cho đến nay, tại một diện tích chừng 12.800km2 của mảnh đất này, tỉ lệ Hung kiều vẫn chiếm khoảng 75% trong số hơn 800 ngàn cư dân Székely Land.

Như thế, hiện tại, ở Châu Âu, Hung kiều tại Székely là cộng đồng thiểu số lớn nhất sống tập trung, mà không có quyền tự trị. Cho nên dễ hiểu là hơn nửa thế kỷ qua, với những mức độ khác nhau nên Hung kiều ở Székely Land vẫn luôn tìm cách đòi quy chế tự trị, thông qua những tổ chức đại diện quyền lợi cho họ.

Người Hung tại Székely Land đã có những nỗ lực ra sao để đòi hỏi quyền tự trị?

Trong vòng hai thập niên trở lại đây, nhiều cuộc thăm dò dư luận đã được tiến hành trong cộng đồng Hung kiều tại Romania, và nhìn chung hơn 85% số người được hỏi ủng hộ việc trao quy chế tự trị cho Székely Land.


Cuộc trường chinh đã thu hút được 100-150 ngàn người đến từ Romania và Hungary

Phù hợp với nguyện vọng đó, đúng 10 năm trước, một tổ chức mang tên Hội đồng Dân tộc Székely đã được thành lập với mục tiêu tận dụng các khả năng của Luật Quốc tế - thông qua công cụ luật pháp và dân chủ - để kêu gọi trao quyền tự trị cho Székely Land.

Từ đó, tổ chức này đã đề xuất những dự luật cho quy chế tự trị của Székely Land, nhưng đều bị Quốc hội Lưỡng viện Romania bác bỏ. Tuy nhiên, nhiều cuộc trưng cầu dân ý không chính thức do Hội đồng tổ chức, với tỉ lệ đồng ý rất áp đảo, đã cho thấy ý nguyện được tự trị của Hung kiều ở Székely Land là trước sau như một.

Gần đây nhất, mùa xuân 2013, toàn thế giới đã diễn ra những cuộc biểu tình, tuần hành ủng hộ mong muốn tự trị của Székely Land. Cờ của miền đất này đã được giăng lên ở nhiều nơi - đặc biệt, tại Nhà Quốc hội Hungary, bên cạnh quốc kỳ Hung, quốc kỳ Székely cũng được đảm bảo một vị trí trang trọng.

Cuộc tuần hành được khởi động cách đây ít ngày, bên cạnh mục tiêu thu hút sự chú ý của công luận Romania và quốc tế về nỗ lực tự trị của Hung kiều tại Székely Land, còn nhằm phản đối kế hoạch tái cơ cấu hành chính của chính quyền nước này để chia cắt Székely Land và sáp nhập vào nhiều khu vực hành chính khác nhau, khiến tỉ lệ Hung kiều không còn áp đảo.

Cụ thể, Székely Land muốn được tự trị như thế nào, và tại sao điều đó lại khiến chính quyền Romania quan ngại?

Hung kiều ở vùng đất này muốn được quyền tự trị lãnh thổ, đồng nghĩa với việc thiết lập thiết lập một chính quyền tự quản với cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp riêng biệt, trên cơ sở dân tộc. Nguyện vọng này đã được sự ủng hộ về tinh thần và cả trong thực tế của tất cả các đảng phái chính trị Hung kièu tại Romania.

Theo Hội đồng Dân tộc Székely, điều này không vi phạm hay ảnh hưởng đến độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của Romania, vì Hội đồng Châu Âu có một khuyến nghị rằng nếu tại một khu vực, một sắc tộc thiểu số lại chiếm đa số cư dân, thì hãy để họ được quy chế tự trị phù hợp với những điều kiện lịch sử và lãnh thổ của vùng.

Tuy nhiên, cho tới nay, đề xuất tự trị của Hung kiều ở Székely Land đã gặp phải sự nghi ngại và phản đối dữ dội từ chính giới Romania. Trước đây, nói về kếc  hoạch tái cơ cấu hành chính, Tổng thống Traian Basescu cho rằng trên nguyên tắc có thể duy trì một khu vực hành chính mà người Hung chiếm đa số, tuy nhiên Székely Land thì không vì đây là khu vực nghèo, “không đủ để tự nuôi mình”.

Trước động thái mới nhất vừa rồi của Székely Land , cũng như sự ủng hộ của chính giới Hungary, Bộ Ngoại giao Romania đã ra thông cáo, coi đây là “những quan điểm chính trị hướng về quá khứ”, “có thể làm suy giảm niềm tin của người dân Romania vào quan hệ đối tác chiến lực bền vững Hung-Ru, và làm tổn hại quan hệ song phương giữa hai nước”.

Trong thực tế, sự lo ngại của chính quyền Romania không phải là không có cơ sở thực tế. Thập niên 90 thế kỷ trước, sự tan rã và những vấn đề sắc tộc của hai nước láng giềng là Liên Xô và Nam Tư cũng đã khiến giới lãnh đạo thượng đỉnh Romania phải hoảng sợ về nguy cơ tự trị của Székely Land.

Khi đó, Bucharest cho rằng tự trị lãnh thổ đối với Székely Land là bước đầu tiên để tiến tới độc lập. Ngoài ra, lãnh đạo nước này còn chưa quên một câu chuyện trong lịch sử, khi chính Liên Xô đã cưỡng bức Romania phải cho tồn tại vùng tự trị Székely (thời gian 1953-1968), và đó vẫn là một sự nhục nhã mà họ không muốn để lặp lại.

Hơn nữa, trong vấn đề này, còn đó mâu thuẫn “ngàn đời” giữa Romania và Hungary: đầu thế kỷ 20, Vương quốc Hungary hoàn toàn bỏ qua những mong muốn tự trị của Romania nên để đổi lại, Bucharest khó lòng chấp nhận cho vùng đất của Hung kiều được một sự “xa xỉ” như thế!


Nguyện vọng tự trị cho Székely Land vẫn còn xa xôi

Quy chế tự trị cho Székely Land cũng gặp phải sự phản đối quyết liệt của cư dân Romania, mà những thống kê cho thấy chỉ chừng 10-15% số người Ru được hỏi đồng tình với nguyện vọng của cộng đồng Hung kiều.

Đối với họ, tự trị lãnh thổ đối với Székely Land sẽ phá vỡ sự thống nhất của hệ thống hành chính Romania, và khiến các cộng đồng thiểu số khác cũng có thể có đòi hỏi tương tự. Tấm gương Kosovo còn đó: ngày càng nhiều quốc gia thừa nhận một vùng đất tự trị như một nước độc lập.

Về tổng thể, không một chính khách Romania nào muốn ủng hộ Székely Land vì như thế không khác nào đào mồ chôn uy tín của họ trước cử tri. Chưa nói tới chuyện nếu được tự trị, Székely Land có thể duy trì mối quan hệ với “Nước mẹ” Hungary khăng khít hơn nhiều so với những gì mà Bucharest muốn, và như thế Hung có thể dễ dàng can thiệp vào những vấn đề nội trị của Romania.

Khả năng tự trị của Székely Land trong thực tế là như thế nào?

Tự trị về lãnh thổ là một mô hình đã tồn tại từ nhiều năm nay ở Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Phần Lan, v.v... với những đặc thù khác nhau, và những ưu đãi nhất định cho các sắc dân thiểu số, nhưng lại chiếm đa số tại các vùng đất đó. Những khu vực có được quyền tự quyết thường phát triển hơn về kinh tế, và đời sống cư dân được cải thiện.

Tuy nhiên, tại Romania, bên cạnh sự nghi ngại và thái độ “bất hợp tác” của chính giới, khuôn khổ pháp luật của nước này cũng chưa tạo điều kiện để Székely Land được tự trị. Để đạt được điều đó, cần tu chính Hiến pháp, điều hiện tại chưa có khả năng thực tế.

Trở lại “Cuộc Trường chinh của người Székely”, trong vài ngày đầu, chính quyền và truyền thông của Romania tỏ ra tương đối “nhẫn nhịn”, và chưa thấy dấu hiệu là Bucharest sẽ tìm cách thực hiện những “biện pháp mạnh” để can thiếp.

Ngược lại, Hội đồng Dân tộc Székely thì đặt ra cái đích là trong vòng 7 năm nữa, cho tới năm 2020, tức là dịp kỷ niệm 100 năm Székely Land bị cắt khỏi Hungary lần đầu tiên, miền đất này phải được quy chế tự trị. Và tổ chức này cho hay, có thể họ sẽ dùng cả đến phương pháp “bất bình dân sự” để đạt được nguyện vọng kể trên.

Về phía “Nước mẹ” Hungary, trước mắt, đa số các chính đảng và chính phủ của Thủ tướng Orbán Viktor đều ủng hộ nỗ lực tự trị của cộng đồng Hung kiều tại Székely Land, mà trong số đó, không ít người đã dễ dàng có lại được quốc tịch gốc (Hungary), do một đạo luật về quốc tịch được nội các Orbán sửa đổi cách đây vài năm.

Đương nhiên, một câu hỏi luôn được đặt ra trong những dịp này: quan hệ Hung-Ru vốn đã có nhiều căng thẳng và thăng trầm, sẽ ra sao sau những mâu thuẫn này. Có lẽ chỉ tương lai mới trả lời được câu hỏi đó...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest - Ảnh: Huszti István (index.hu)


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn