Sân bay Quốc tế Borispol (Ukraine), nơi Hijazi đã chờ đợi từ nửa năm nay để được nhập cảnh
Theo quyết định của Tòa án, ngày 16-7-2009, Mohammed Hijazi có thể rời phòng đợi của sân bay quốc tế lớn nhất của Ukraine (cách Kiev 29km), nơi anh đã ăn chực ở đậu từ tháng Giêng năm nay vì không có thị thực nhập cảnh Ukraine.
Từng là theo học tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Krivoj Rog, nhưng cựu sinh viên này bị đuổi học do nghỉ quá nhiều - điều này, đồng nghĩa với việc đương sự phải tức khắc rời lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, mặc dầu đến hạn phải ra đi, Hijazi vẫn ở lại rồi cùng người anh cũng đến từ Palestine, họ chuyển sang kinh doanh tại Ukraine.
Do vi phạm luật nhập cảnh và cư trú, thoạt tiên Hijazi bị chính quyền trục xuất khỏi Ukraine trong vòng 5 năm, nhưng rồi tòa án xứ này giảm xuống còn nửa năm vì lý do: giữa chừng, anh lấy vợ và có con với vợ cũng là một công dân Palestine.
Rốt cục, lệnh trục xuất được thực hiện vào đầu năm nay, tuy nhiên tại sân bay Cairo (Ai Cập), lính biên phòng nước này đã không cho phép Mohammed Hijazi được ra khỏi máy bay. Thế là chàng trai 28 tuổi này buộc phải quay trở lại Ukraine trên chính chiếc máy bay mà trước đó anh ta bị trục xuất.
Trong vòng nửa năm, Hijazi “án binh bất động” tại phòng chờ phi trường Kiev, cả ngày chỉ đi bách bộ, ngó nghiêng và… chờ đợi, tối ngủ trên ghế, trong khi vợ và con nhỏ (mà anh chưa biết mặt) thì chỉ biết chờ đợi đằng đẵng bên ngoài vì không được phép vào phòng đợi.
Được mô tả như một người trầm tính, ít nói, mặc bộ đồ thể thao và đi dép, dường như Hijazi không làm quấy ai tại phi trường. Khoản tiền giữ trong người đủ để Hijazi ăn uống hàng ngày (anh cũng thường được hành khách và các phi hành đoàn hỗ trợ đồ ăn thức uống), còn việc tắm giặt và vệ sinh cá nhân thì được thực hiện trong nhà vệ sinh.
Hijazi cho biết thêm: người anh (đồng thời là bạn kinh doanh) của anh còn nợ anh 400 ngàn Hryvnia (đơn vị tiền tệ Ukraine, tương đương 65.000 USD) và để quịt nợ, chính anh này đã hối lộ để chính quyền Ukraine ra chỉ thị trục xuất Hijazi.
Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, anh vẫn hy vọng tòa án Ukraine sẽ đưa ra một phán quyết công bằng và cảm thông với hoàn cảnh của anh, bởi lẽ Hijazi không bao giờ muốn trở lại quê hương hiện vẫn ngập chìm trong lửa chiến tranh…
(*) Bản tin đã đăng trên "Tiền Phong".
Nam Long tổng hợp theo MTI và index.hu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn