KÝ ỨC NGƯỜI LÍNH GIỮ TRƯỜNG SA

Thứ hai - 20/06/2011 00:11

(NCTG) Một bộ đồ xanh cũ kỹ, có pha thêm màu nắng, màu đất đỏ và màu sương gió. Một dáng hình mảnh khảnh và một chiếc xe đã tàn, anh kể chuyện thời trai trẻ, nụ cười mấp mé mà đôi mắt như dại đi. Chuyện của chàng thanh niên Trương Văn Hiền 23 năm về trước…


23 năm trước - Ảnh do nhân vật cung cấp


Nhập ngũ năm 1986 khi tuổi đời vừa tròn 18, Trương Văn Hiền rời Hà Tĩnh và gia nhập vào Tiểu đoàn 6, Hải Đồ thuộc Bộ Tham mưu Hải Quân. Hai năm sau, khi Việt Nam mở chiến dịch đánh dấu chủ quyền (gọi tắt là chiến dịch CQ88 kéo dài hơn năm tháng), anh nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Trận tử chiến ở tuổi 18

Chừng 7 giờ 30 phút sáng 14-3-1988, tàu HQ604 của anh bị nã pháo và tấn công. “Trước tình hình cấp bách, tôi hiểu rằng tương quan lực lượng như vậy, và thế bị động của chúng tôi, số phận của tôi rồi cũng không khác hơn những đồng đội của mình đã ngã xuống. Một thoáng tôi nghĩ rằng mình không thoát khỏi cái chết.

Khi người ta rơi vào bước đường cùng thì có lẽ ai cũng sẽ nghĩ như tôi, tôi nghĩ rằng mình đằng nào cũng chết thì phải chết trong danh dự, cho xứng đáng với lời thề khi ra đi, cho xứng đáng với những hi sinh của đồng đội mình. Nhìn thấy đồng đội lần lượt ngã xuống, tôi không còn nhớ là những ai đang chiến đấu cùng mình nữa, tôi không biết là lúc đó ai còn sống sót. Tôi đã chiến đấu trong điên cuồng và bị thương nặng trong khi đồng đội hi sinh gần hết”, người lính thổ lộ.

Trương Văn Hiền không còn nhớ được chính xác thế trận tại Gạc Ma thời điểm đó, trên tàu có vài vũ khí thô sơ, anh cầm khẩu AK47 đứng mé boong tàu và chỉ biết “bắn – bắn và bắn”. Pháo, đạn liên tiếp khiến tàu HQ604 bị chìm vào hồi 8 giờ. Thoát ra khỏi tàu, Hiền bơi trong tuyệt vọng,  sóng biển và vết thương đau nhói khiến máu anh sôi sục vì căm thù. Vớ được mảnh gỗ vỡ ra từ con tàu, anh cột mình vào bằng chiếc quần dài, và cứ thế, lênh đênh trên biển ba ngày hai đêm, cho tới khi Trung Quốc trục vớt và đưa anh về làm tù binh.

Sống mòn

Cắn môi, Trương Văn Hiền ngậm ngùi: “Ba năm tù đày là quãng thời gian không bao giờ tôi quên được”. Cuộc sống trên đất lạ bắt đầu bằng chén cháo loãng và khúc bánh mì rỗng ruột, những “dây cao su” và một loạt các câu hỏi. Hiến cảm thấy, trong cơ cực, nếu không thể vượt lên nó, cũng không thể kết thúc nó thật nhanh thì người ta sẽ cắn răng chịu đựng trong mỏi mòn.


Sau khi được trục vớt và bị bắt giữ - Ảnh chụp từ clip


Sau khi về nước, Hiền và đồng đội (tám chiến sĩ khác*) được an dưỡng tại Hải Phòng, được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và giấy chứng nhận bị thương. Cuộc sống phiêu bạt nay đây mai đó, bão lũ cuốn trôi giấy tờ, và tất cả những gì ghi dấu cuộc đời trai trẻ của anh.

Hai mươi năm sau ngày tự do, Trương Văn Hiền vẫn mang trên mình thương tật (vết thương ở tay trái và bên sườn) nhưng không phải là thương binh, không bằng cấp, không giấy tờ. Quá khổ cực để sống. Giữa thủ phủ cà phê, anh không có được mảnh đất xây nhà, nghĩ gì đến héc-ta trồng cà.

Cuộc sống làm thuê qua ngày, trang trải cho một gia đình bốn miệng ăn và hai bé nhỏ đang tuổi đến trường. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương đau nhức hành hạ, nhưng cái nghèo cứ trơ trẽn đó, người ta phải tính toán từng đồng để chi cho cái ăn hơn là bỏ tiền vào thuốc. Đến khi thập tử nhất sinh mới dám liều tới bệnh viện, “nhà nghèo thì ai cũng thế” – anh tặc lưỡi.


23 năm sau…


Vật vã kiếm sống, ký ức trong người lính một thuở ngày một mờ dần đi. Những thông tin liên lạc với đồng đội cũng là cái gì đó quá xa vời với Trương Văn Hiền. “Tôi chỉ có hai mong ước rằng: một là có thể đảm bảo cho cuộc sống của hai con được no đủ, học hành đến nơi đến chốn; hai là được găp lại đồng đội của mình, những người đã cùng tôi chiến đấu, đã sống cùng tôi những tháng ngày không thể nào quên. Hoàn thành được hai tâm nguyện này là tôi đã mãn nguyện lắm rồi”.

Không biết đến khi nào, tâm nguyện của anh mới được hoàn thành?

(*) Ngoài Trương Văn Hiền, chúng tôi còn được biết tám đồng đội đã cùng anh “vào sinh ra tử”:

1. Nguyễn Tiến Hùng, Quảng Xương, Thanh Hóa (số 9 trong danh sách công bố của báo “Nhân Dân” xuất bản 28-3-1988).
2. Lê Minh Thoa, Bình An, Tây Sơn, Nghĩa Bình (số 10).
3. Nguyễn Văn Thông, Nhân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình (số 46).
4. Lê Văn Đông, Tây Trạch, Bổ Trạch, Bình Trị Thiên (số 47).
5. Trần Thiện Phụng, Phường 2, Đông Hà, Bình Trị Thiên (số 49).
6. Mai Văn Hải, Liêm Trạch, Bổ Trạch, Bình Trị Thiên (số 55).
7. Nguyễn Văn Tiến, Nam Định (số 65).
8. Dương Văn Dũng, tổ 53, Hòa Cường, Quảng Nam - Đà Nẵng (số 67).


Chín chiến sĩ được phía Trung Quốc trao trả cùng vợ anh Phụng và hai cán bộ dân sự khác. Các chiến sĩ mặc áo xanh hải quân theo thứ tự: (hàng trên) Lê Văn Đông, Nguyễn Văn Thông, Trần Thiện Phụng, Phạm Văn Nhân, Nguyễn Tiến Hùng; (hàng dưới) Trương Văn Hiền, Lê Minh Thoa, Mai Văn Hải, Dương Văn Dũng - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ðài Trang, từ TP HCM


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn