Buổi Thánh lễ được Đức Thánh Cha cử hành vào lúc 7 giờ 30 tối thứ Bảy, 24/12, tại đền thờ Thánh Phêrô, cùng rất đông các tín hữu bên trong đền thờ lẫn bên ngoài Quảng trường thánh Phêrô qua các màn hình lớn, theo tường thuật của truyền thông quốc tế. Theo các số liệu sơ bộ, chừng 7.000 người đã có mặt trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để chứng kiến sự kiện lớn thường niên này của Giáo hội Hoàn vũ.
Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi: đêm Chúa giáng sinh tượng trưng cho điều gì trong cuộc sống chúng ta? Hai thiên kỷ sau khi Chúa Giêsu giáng sinh, theo Đức Giáo hoàng, quá nhiều lễ Giáng sinh được tổ chức với đồ trang trí và quà tặng kèm chủ nghĩa tiêu dùng đã “che khuất mầu nhiệm mà chúng ta cử hành”, có một nguy cơ là “chúng ta biết nhiều điều về Lễ Giáng sinh, nhưng lại quên mất ý nghĩa của nó”.
Vậy ý nghĩa thực sự của lễ Giáng sinh là gì? Và trên hết, có thể tìm kiếm nó ở đâu? Theo Đức Thánh Cha, “Tin Mừng về sự giáng sinh của Chúa Giêsu dường như đã được viết để nói về điều này: để dẫn chúng ta trở lại nơi Thiên Chúa muốn”. Chúng ta có thể tìm thấy điều này nơi máng cỏ Bêlem, là biểu tượng của sự gần gũi, sự khó nghèo và những hành động thiết thực, “nhắc nhở rằng Thiên Chúa đã thực sự trở nên xác phàm”.
“Có bao nhiêu cuộc chiến! Và ở bao nhiêu nơi, ngay cả ngày nay, nhân phẩm và tự do bị chà đạp!”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng, nạn nhân chính là “những người mong manh, yếu đuối”, “biết bao trẻ thơ chưa chào đời”, “những người nghèo khổ và bị lãng quên”, “những trẻ em bị nuốt chửng bởi chiến tranh, nghèo đói và bất công”. “Nhưng Chúa Giêsu đến ngay tại đó”, “nơi Người, trẻ thơ của Bêlem, có mọi trẻ em”.
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người hãy dũng cảm đối mặt với sợ hãi, cam chịu và nản lòng. “Chúa sinh ra trong máng cỏ để tại đó chúng ta được tái sinh, tại chính nơi chúng ta nghĩ mình đã bi đát đến tận cùng. Không có sự dữ nào, không có tội lỗi nào mà Chúa Giêsu không muốn và không thể cứu mỗi người”. “Giáng sinh có nghĩa là Thiên Chúa đang ở gần, làm tái sinh sự tin tưởng!”, theo vị chủ chiên Giáo hội Hoàn vũ.
Máng cỏ Bêlem nghèo khó cho thấy sự giàu có thực sự của cuộc sống không phải là sở hữu quyền lực và tiền bạc, mà là mối quan hệ của chúng ta với đồng loại. “Thật không dễ dàng để rời bỏ sự ấm áp nồng nhiệt của thế gian để ôm lấy vẻ đẹp trơ trụi của hang đá Bêlem”, nhưng “hãy nhớ rằng không có một Giáng sinh thực sự nếu không có người nghèo”. Không có họ, lễ Giáng sinh không phải là Giáng sinh của Chúa Giêsu!
Và như thế, Giáng sinh là dịp “làm tái sinh lòng bác ái” trước một “Thiên Chúa nghèo trong lễ Giáng sinh”. Nhắc đến tính cụ thể, điểm cuối cùng của máng cỏ Bêlem, Đức Thánh Cha khẳng định: để nói về Thiên Chúa, “các lý thuyết, những tư tưởng đẹp đẽ và những tình cảm sùng kính thì không đủ”, bởi lẽ “Chúa Giêsu sinh ra trong sự khó nghèo, sẽ sống nghèo và chết nghèo” vì chúng ta. “Người không yêu chúng ta bằng lời nói”.
“Từ máng cỏ cho đến thập giá, tình yêu của Người dành cho chúng ta là hữu hình, cụ thể: từ khi sinh ra cho đến khi chết, người con của bác thợ mộc đã ôm lấy sự thô ráp của gỗ, cái xù xì của kiếp nhân sinh của chúng ta”, Đức Giáo hoàng nói về một Chúa Giêu “không hài lòng với vẻ bề ngoài”, “không chỉ muốn những ý muốn tốt” mà đã “trở nên xác thịt” với mong muốn “đòi chúng ta sự thật, để đi đến thực tại trần trụi của mọi sự”.
Kết thúc bài giảng rất cô đọng, thâm trầm và uyên bác như thường lệ, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu “
đừng để Giáng sinh này trôi qua mà không làm điều gì tốt đẹp”, vì “
đây là lễ của Người, là sinh nhật của Người, chúng ta hãy cho Người những món quà mà Người yêu thích!”. “
Thiên Chúa cụ thể trong Lễ Giáng Sinh: nhân danh Người, chúng ta hãy làm sống lại một chút hy vọng nơi những người đã đánh mất nó!”.
Lần đầu tiên sau hai năm mới thấy lại được cảnh tượng Đền thờ Thánh Phêrô chật kín người, ghế thậm chí còn được đặt ở quảng trường lớn phía đối diện để có thể chứa càng nhiều người càng tốt. Vào trưa Chủ nhật 25/12, người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã sẽ đọc Sứ điệp Giáng sinh với chủ đề chính là hòa bình, sau đó sẽ ban “Urbi et Orbi” - Phép Lành Toàn Xá “Cho thành Roma và toàn thế giới” trước vài vạn tín hữu.
(*) Các trích đoạn trong bài này được lấy từ bản dịch Việt ngữ “Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh: gần gũi, nghèo khó và cụ thể” của “Vatican News”.