SỐ PHẬN TƯỢNG ĐÀI, BẢO TÀNG LENIN Ở PHẦN LAN SAU KHI NGA TẤN CÔNG UKRAINE

Thứ sáu - 13/05/2022 08:15

(NCTG) Vấn đề tượng đài, bảo tàng... và những di sản trong quá khứ gắn liền với thủ lĩnh cộng sản Lenin tại Phần Lan đang được đặt ra tại đất nước này, sau khi Liên bang Nga tiến hành cuộc chiến xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022. Ghi nhận của tác giả Việt Xuân từ Helsinki (Phần Lan).

Trong đời, lãnh tụ cộng sản Lenin đã nhiều lần lẩn trốn ở Phần Lan - Ảnh tư liệu (1917)

Trong đời, lãnh tụ cộng sản Lenin đã nhiều lần lẩn trốn ở Phần Lan - Ảnh tư liệu (1917)

Suốt một thời gian dài, sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, mặc dù “bằng mặt mà không bằng lòng” song quan hệ giữa Phần Lan và Liên bang Xô-viết cũng như Liên bang Nga sau này nhìn chung êm thấm. Phần Lan vẫn duy trì chính sách trung lập và hữu hảo với Liên Xô và Liên bang Nga. Sự hiện diện rất nhiều dấu tích của thời Nga hoàng cũng như của Liên Xô sau đó trên đất Phần Lan đã minh chứng cho mối quan hệ đó giữa hai nước.

Tuy nhiên, việc Nga tấn công Ukraine ngày 14/2/2022 như một cơn địa chấn đang gây nên nhiều thay đổi ở nước này. 

Turku quyết định bỏ tượng Lenin 

Ngày 28/4 vừa qua, chính quyền thành phố Turku cho biết sẽ dỡ bỏ tượng của V. I. Lenin được dựng cạnh Bảo tàng Nghệ thuật thành phố vì việc Nga tấn công Ukraine. Bức tượng bán thân Lenin đứng phía đầu đường phố Aura, từng dấy lên những ý kiến tranh luận của người dân địa phương. Giới chức thành phố cho biết tượng đã có lần bị một số người quá khích vẩy bẩn và cũng đã từng có lời kêu gọi dỡ bỏ nó.

Trong thông báo, Thị trưởng Turku, Minna Arve nói: “Bản thân bức tượng không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai, mà là một biểu hiện của lịch sử thành phố chúng ta và không thể bị xóa bỏ. Tuy nhiên, ngày nay, tượng đài tưởng nhớ Lenin mô tả một trong những giai đoạn phi dân chủ và bi thảm nhất trong lịch sử nhân loại, điều này không còn phù hợp về mặt tư tưởng với tinh thần hướng tới tương lai của thành phố Turku và sự coi trọng quyền bình đẳng của người dân. Bức tượng không còn phù hợp với khung cảnh đường phố ở Turku và nó sẽ được dời đi trong thời gian sớm nhất”.

Bức tượng Lenin là tác phẩm của nhà điêu khắc Nga, Mihail Anicushin, được thành phố kết nghĩa Leningrad (nay là St. Petersburg) tặng cho thành phố Turku vào năm 1977 và được khánh thành vào dịp kỷ niệm ngày thành lập thành phố Leningrad 13/11 cùng năm đó. Bức tượng thuộc bộ sưu tập nghệ thuật của thành phố Turku và sau khi dỡ bỏ nó sẽ được đưa vào kho lưu trữ của bảo tàng của thành phố. Không xa bức tượng bán thân là một tấm phù điêu có hình Lenin và dòng chữ: “V. I. Lenin đã đến ngôi nhà này để trốn Nga hoàng vào năm 1907” bằng chữ Phần Lan và chữ Thụy Điển, được gắn sớm hơn, vào năm 1964.
 
Tượng Lenin và tấm phù điêu trước và sau khi được che - Ảnh: VXQ (trái) và Turun Sanomat (phải)
Tượng Lenin và tấm phù điêu trước và sau khi được che - Ảnh: VXQ (trái) và Turun Sanomat (phải)

Sau khi thành phố đưa ra thông báo của, tờ báo địa phương “Thời báo Turku” (Turun Sanomat) đã làm một cuộc thăm dò ý kiến trên trang mạng của mình. Chỉ mấy tiếng sau 1.105 bạn đọc đã trả lời, với kết quả: 51,4% đồng ý dỡ bỏ, 43,1% phản đối. Timo Soikkanen, Giáo sư danh dự Lịch sử Chính trị tại Đại học Turku, thuộc nhóm muốn giữ nguyên bức tượng. Ông nói: “Lenin đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử của Phần Lan và vùng Turku. Ông đã đến Turku trong lần chạy trốn Nga hoàng vào năm 1907. Bức tượng này kể về lần chạy trốn đó, cho dù nhà Lenin trọ dường như không nằm ở nơi này. Nó cũng cho biết về quan hệ của hai thành phố Turku và Leningrad”.

Tuy nhiên, ở Turku còn có một bức tượng khác liên quan nhiều đến cuộc xung đột hiện tại giữa Nga và Phương Tây. Đó là bức tượng mang tên “Cuộc gặp ở Turku năm 1812” đặt bên bờ sông Aura, phía trước thư viện chính của thành phố. Đây là một tác phẩm điêu khắc bằng đồng của nhà điêu khắc người Nga, Andrei Kovalchuk, mô tả cuộc gặp giữa Nga hoàng Alexander Đệ nhất (1777-1825) và Thái tử Thụy Điển Karl Johan (1763-1844).

Cuộc gặp này không chỉ quan trọng với châu Âu mà với cả lịch sử Phần Lan và Turku, vì tại đây Thụy Điển và Nga đã quyết định liên minh chống lại Napoléon. Cuộc gặp là điểm nhấn đánh dấu quá trình chuyển đổi của Phần Lan từ chỗ là một tỉnh của Thụy Điển thành một Công quốc tự trị thuộc Nga.

Turku là thành phố cổ và quan trọng nhất ở tỉnh phía đông (tức Phần Lan ngày nay) của Vương quốc Thụy Điển. Tuy nhiên, vào năm 1812, 3 năm sau khi Phần Lan trở thành Công quốc tự trị thuộc Nga, Nga hoàng Alexander Đệ nhất đã quyết định dời thủ đô từ Turku đến Helsinki vì ông cho rằng Turku quá xa Nga và quá gắn kết với Thụy Điển.

Mika Akkanen, người phụ trách đối ngoại của Turku, nói rằng ban đầu phía Nga chỉ muốn dựng một tượng của Nga hoàng Alexander Đệ nhất ở Turku. Nhưng lãnh đạo thành phố không nhất trí mà yêu cầu phải có cả tượng Thái tử Thụy Điển Karl Johan. Phía Nga sau đó đã chấp nhận và chi phí được thỏa thuận chia đều. Chính quyền thành phố Turku đã dành 125.000 Euro cho dự án tượng.

Hai trăm năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử trên, bức tượng và cũng là món quà của Liên bang Nga, đã được khánh thành vào tháng 8/2012. Biên bản vào thời điểm đó ghi: “Khi gặp đại diện của Thành phố Turku, Thống đốc St. Petersburg, Georgi Poltavchenko đã tích cực ủng hộ dự án”.
 
Tượng Sa hoàng Alexander I (đứng) và Thái tử Thụy Điển Karl Johan ở Turku
Tượng Sa hoàng Alexander I (đứng) và Thái tử Thụy Điển Karl Johan ở Turku

Gần đây, sự hiện diện của bức tượng đã gây ra nhiều chỉ trích trên mạng xã hội bởi vì Georgi Poltavtsenko được biết đến như là người thân cận của Tổng thống Nga Putin và là một cựu sĩ quan KGB. Năm 2018, ông ta thôi chức Thống đốc St. Petersburg và chuyển sang điều hành tập đoàn công nghiệp hàng hải OSK của Nga. Vào đầu tháng 4/2022, Poltavchenko đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách trừng phạt của họ với lý do OSK chịu trách nhiệm đóng các tàu chiến của Nga.

Về điều này, Akkanen cho rằng mối liên hệ của cựu thống đốc với bộ máy quân sự Nga không đủ lý do để xem xét lại sự ra đời của bức tượng “Cuộc gặp ở Turku năm 1812”. Ông cho biết việc dỡ bỏ bức tượng Nga hoàng Alexander Đệ nhất và Thái tử Thụy Điển Karl Johan vẫn chưa được đưa ra xem xét. Theo ông, “Bối cảnh của bức tượng này hơi khác so với tượng Lenin. Nó mô tả một cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Nga và Thụy Điển. Mặc dù nó đã được dựng lên ở Turku với sự hợp tác của phía Nga”.

Số phận tượng Lenin ở Kotka vẫn chưa ngã ngũ
 
Ngoài bức tượng ở Turku, ở thành phố biển Kotka, phía Nam của Phần Lan cũng có một bức tượng Lenin ngoài trời tại công viên trung tâm. Bức tượng đồng bán thân thiếu cánh tay trái này là tác phẩm của nhà điêu khắc Estonia, Matti Varik và thành phố kết nghĩa Tallinn (lúc bấy giờ vẫn thuộc Liên bang Xô-viết) tặng cho Kotka vào năm 1979. Trước đây, sự hiện diện của bức tượng này cũng từng gây nên những ý kiến trái chiều. Sau khi Nga tấn công Ukraine đã có ý kiến đề xuất thành phố dỡ bỏ bức tượng này và đổi tên công viên có bức tượng thành Công viên Ukraine.
 
Tượng Lenin và Cánh tay bị mất ở Kotka - Ảnh: Wikipedia)
Tượng Lenin và Cánh tay bị mất ở Kotka - Ảnh: Wikipedia

Về việc này Hội đồng thành phố Kotka đã có quan điểm khác nhau. Một số thấy rằng bức tượng có thể giữ nguyên vị trí nếu có một tấm biển bên cạnh nó nói rõ hoàn cảnh ra đời của tượng. Những người khác cho rằng bàn tay trái bị thiếu không phải là lý do đủ để bức tượng hiện diện trong công viên thành phố. Trên thực tế, có thể tìm thấy bàn tay này trong công viên, cách tượng vài mét. Đây là là tác phẩm “Cánh tay bị mất của Lenin” của nhà điêu khắc Ba Lan Krzysztof Bednarski được đặt 15 năm sau, năm 1995.

Ban Quy hoạch thành phố Kotka quyết định không cần dỡ bỏ bức tượng. Markku Hannonen, Giám đốc Quy hoạch Đô thị, biện minh rằng Phần Lan không nằm dưới sự cai trị của Liên Xô. Hannonen nói: “Câu trả lời là lịch sử nên được tôn trọng, ngay cả bức tượng khiến bạn thấy đau lòng khi nhìn vào nó, và không nên dời bức tượng đi trong bối cảnh này”.

Có ý kiến đề xuất thành phố Kotka nên tặng bức tượng bán thân của Lenin cho Bảo tàng Lenin ở Tampere. Nhưng giám đốc Bảo tàng Lenin, Kalle Kallio không hào hứng với quà tặng này, vì theo ông Bảo tàng đã có đủ tượng. 

Ở Kotka còn có một tấm biển ghi nhớ nơi Lenin từng đến. Tấm biển với hai ngôn ngữ Phần Lan và Nga với nội dung: “Tại ngôi nhà này V. I. Lenin đã dự Hội nghị của những người Dân chủ Xã hội Nga tháng 8/1907” được gắn trên tường ngôi nhà hiện nay là Nhà Âm nhạc của thành phố.

Bảo tàng Lenin ở Tampere

Tampere, thành phố ở miền Trung của Phần Lan, cách Helsinki 200km, không có tượng Lenin, song có Bảo tàng Lenin, mà người Phần Lan gọi là “Nơi khai sinh Liên bang Xô-viết” được khánh thành năm 1946. Bảo tàng chính là nơi mà Lenin và Stalin gặp nhau lần đầu tiên trong một cuộc họp bí mật của những người Bolshevik vào tháng 12/1905. Tại cuộc gặp này, họ đã vạch ra kế hoạch cho một cuộc cách mạng, cuộc cách mạng sau đó thay đổi lịch sử thế giới và giúp Phần Lan trở thành một quốc gia độc lập.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã (1991), hầu hết các Bảo tàng Lenin trên thế giới đóng cửa, kể cả Bảo tàng Lenin ở Moscow (1993), Bảo tàng Lenin ở Tampere trở thành Bảo tàng Lenin duy nhất còn hoạt động trên thế giới.
 
Phía trước Bảo tàng Lenin ở Tampere - Ảnh: Lenin Museo
Phía trước Bảo tàng Lenin ở Tampere - Ảnh: Lenin Museo

Trong nhiều thập kỷ qua, thỉnh thoảng có những ý kiến phản đối sự tồn tại của Bảo tàng này, mặc dù nó không chỉ gắn liền với Lenin. Ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, Bảo tàng đã cho ra thông cáo về quan hệ giữa Phần Lan với Liên Xô và lịch sử Liên bang Xô viết, trong đó kiên quyết phản đối cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Sau khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu trên các diễn đàn xã hội và trang ý kiến bạn đọc của tờ báo địa phương, Aamulehti ở Tampere cuộc đã xuất hiện thảo luận về vai trò của “Bảo tàng Lenin”.

Bình luận về việc Turku quyết định dỡ bỏ tượng Lenin khỏi đường phố ở đấy, Kalle Kallio, giám đốc Bảo tàng Lenin, nói: “Người dân Turku được quyết định xem họ muốn giữ tượng Lenin ở ngoài trời hay trong nhà. Tượng chỉ là tượng”. Kallio phân biệt giữa quá khứ và lịch sử. Lịch sử là cách giải thích về quá khứ. Vì thế, ông cho rằng việc xóa bỏ tượng không làm thay đổi quá khứ hoặc xóa bỏ bất cứ điều gì khỏi nó.

Theo ông, các bức tượng và các bảng tưởng niệm nói về quan điểm lịch sử - chính trị vào lúc dựng chúng. Lý do để việc dỡ bỏ các bức tượng là khi các giá trị và cách giải thích lịch sử thay đổi. Thật khó có thể nói đúng hay sai.

Kallio nói một cách có lý: “Người ta muốn tẩy chay (Nga), nhưng không thể tìm ra cách tẩy chay. Điều dễ dàng nhất là không đổ xăng cho ôtô, nhưng điều đó quá khó, vì vậy người ta đang tìm cách khác thay thế. Kết quả là họ tìm đến các bức tượng Lenin”.

Thành phố Helsinki không ủng hộ việc đổi tên đường phố

Helsinki, với vị trí cách St. Petersburg không xa lắm, là nơi Lenin dừng chân và nghỉ lại nhiều lần nhất ở Phần Lan trước khi trở về Nga lần cuối vào tháng 4 năm 1917. Không có bức tượng Lenin nào ở đây, song có hai tấm bảng ghi nhớ thời gian ở của Lenin được gắn trên tường của hai ngôi nhà ở trung tâm thành phố. Helsinki còn có một công viên mang tên Lenin được xây dựng trên đồi Alppila vào đầu những năm 1960. Vào đầu những năm 1999-2000, một đề xuất đặt tượng bán thân của Lenin trong công viên được đưa ra, song không được chấp thuận. Sau đó, dự án về bức tượng đã được trưng bày vào mùa xuân năm 2007, nhưng cuối cùng tượng cũng không được dựng.

Giờ đây, các cuộc thảo luận về Công viên Lenin và phố Tehtaankatu ở Punavuori, nơi có Đại sứ quán Nga đang nổi lên ở Helsinki.

Vào đầu tháng 3/2022, một thành viên của Hội đồng thành phố cho biết ông sẽ đề xuất việc đổi tên phố Tehtaankatu thành phố Zelenskyinkatu theo tên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Vị Hội đồng đó còn dự định sẽ đề xuất đổi tên Công viên Lenin thành Công viên Zelensky.

Johanna Lehtonen, người phụ trách về địa danh của Thành phố Helsinki, cho biết trong năm nay chưa có thành viên nào của Hội đồng Thành phố đề xuất việc đổi tên công viên hoặc đường phố. Thay vào đó, chỉ mới có một số cư dân thành phố đã làm việc này.

Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban Địa danh thành phố Helsinki là: địa danh có chức năng chính là chỉ dẫn và xác định địa điểm, vì thế tên đường phố hoặc địa danh nói chung không nên thay đổi. “Trong vài tháng hoặc vài năm, chúng ta có thể nhìn sự kiện này trong lịch sử thế giới theo một cách khác, nhưng trong tình cảm rối bời, chúng ta không nên đưa ra những quyết định xa vời đến mức phải đổi tên đường đã có lịch sử hơn một trăm năm tuổi”, Johanna Lehtonen nói.

Được biết, vào đầu mùa xuân, người Thụy Điển đã thảo luận liệu đường phố Gjörwellsgatan, nơi tọa lạc Đại sứ quán Nga ở Stockholm có nên đổi tên hay không. Ủy ban Địa danh khu vực đã không ủng hộ đề xuất này. Thay vào đó, Thụy Điển chỉ đổi tên một phần của Công viên Marieberg sát sứ quán Nga thành “Công viên Ukraine Tự do” (Fria Ukraina plats).

Việt Xuân, từ Helsinki (Phần Lan)


 
 Từ khóa: Lenin
Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Xếp hạng: 4.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn