(NCTG) “Hiện giờ không có vaccine nào để ứng phó với cả bảy (7) loại Coronavirus được biết tới và có thể gây lây nhiễm cho con người”, theo lời một chuyên gia Pháp, và ông cũng rất dè dặt khi nói “chúng ta còn không biết liệu các kháng thể có chức năng bảo vệ hay không”.
Các tụ điểm du lịch của Paris vắng lặng trong mùa dịch - Ảnh: euronews.com
Lời Tòa soạn:Lần đầu tiên ở Pháp, hai nhà nghiên cứu của Viện Pasteur đã đưa ra một số câu trả lời ban đầu cho một số “thắc mắc” nổi cộm của công chúng trong thời gian gần đây liên quan tới đại dịch Covid-19, được coi là “khủng hoảng y tế lớn nhất của nước Pháp trong thế kỷ này” theo lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Sau đây là một số câu hỏi được hai chuyên gia là bà Odile Launay, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng về tiêm chủng Cochin-Pasteur (Paris), và ông Jean-Laurent Casanova, nhà miễn dịch học thuộc Đại học Paris (Inserm et université Rockefeller) giải đáp trên tờ “Le Monde”.
Các câu trả lời cho thấy, tới giờ, giới khoa học vẫn còn biết khá ít về bản chất và cơ chế hoạt động của virus SARS-CoV-2. Phần chuyển ngữ tiếng Việt của bác sĩ N.N.A., hiện đang làm việc tại một bệnh viện thuộc vùng Grand Est - một trong hai “tâm dịch” lớn của nước Pháp. (NCTG)
1. Sau bao lâu thì kháng thể xuất hiện?
Bà Odile Launay cho hay: “Kháng thể chống SARS-CoV-2 xuất hiện khá sớm sau khi có triệu chứng”. Nghiên cứu của Viện Pasteur thực hiện ở Crépy-en-Valois nhằm đánh giá nhiều xét nghiệm kháng thể khác nhau, đã cho thấy các kháng thể được phát hiện ngay ngày thứ 5-6 sau khi có triệu chứng. Hoạt động trung hòa của kháng thể, tức khả năng kháng thể chặn được virus, có thể được phát hiện 7-14 ngày sau khi có triệu chứng.
2. Thời gian miễn dịch ở những người đã nhiễm virus là bao lâu?
“Miễn dịch chỉ có thể được xác định theo thời gian. Nếu trong hai năm, những người đã bị nhiễm virus lần thứ nhất (có xét nghiệm kháng thể dương tính) không bị nhiễm lại lần hai, thì chúng tôi có thể kết luận rằng nhiễm lần một bảo vệ cơ thể trong hai năm. Nhưng thậm chí chúng tôi sẽ không dám nói là việc bảo vệ này sẽ kéo dài ba năm”, theo ông Jean-Laurent Casanova.
“Chúng tôi biết rằng đối với một số Coronavirus khác thì thời gian bảo vệ này tương đối ngắn, khoảng hai hoặc ba năm, nhưng chúng tôi không biết điều đó đối với SARS-CoV-2”, bà Odile Launay khẳng định.
“Một người khỏi bệnh khi hệ miễn dịch đã loại trừ được virus”, bà Odile Launay nhắc lại. “Hàn Quốc đã mô tả các trường hợp khi xét nghiệm lại cho ra kết quả dương tính ở những người bị nhiễm và sau đó đã có xét nghiệm âm tính. Chúng tôi không biết liệu đó là các ca âm tính giả được xét nghiệm lại thành dương tính, hay liệu đó là các ca thực sự bị nhiễm lại, hay có thể trong cơ thể có ẩn chứa một nơi cho virus tồn tại”.
4. Liệu nhiễm lần hai có thể nặng hơn nhiễm lần đầu không?
“Trong số các bệnh truyền nhiễm, chỉ có một bệnh mà nhiễm lần hai thường nặng hơn nhiễm lần đầu: đó là sốt xuất huyết”, ông Jean-Laurent Casanova nhấn mạnh. “Nhưng đó chỉ là một trong số hàng trăm bệnh siêu vi. Liệu đó có phải là trường hợp của SARS-CoV-2? Có lẽ sẽ là một kịch bản ác mộng, tuy nhiên ít khả năng xảy ra vì các trường hợp nhiễm Coronavirus khác không ở trong kịch bản này”.
5. Liệu miễn dịch cộng đồng sẽ bảo vệ được chúng ta không?
Phải có tối thiểu là 60-70% dân số được miễn dịch để đạt được miễn dịch cộng đồng. “Đó là một giả thiết, bởi vì như ta biết rằng đối với những bệnh rất lây nhiễm như sởi, ngưỡng đạt được phải là 95%”, bà Odile Launay dự báo.
“Chúng ta vẫn còn rất xa mức này và virus thì vẫn tiếp tục lan tràn. Với một chút may mắn, mùa hè cùng các biện pháp phong tỏa sẽ làm giảm độ lan truyền của virus. Vào mùa thu, tôi nhấn mạnh là sẽ cần phải mang khẩu trang, xét nghiệm và cách ly những người mang virus SARS-CoV-2 để tránh một làn sóng dịch mới dữ dội hơn”.
6. Chúng ta có chắc chắn có vaccine chống Covid-19?
“Hiện giờ không có vaccine nào để ứng phó với cả bảy (7) loại Coronavirus được biết tới và có thể gây lây nhiễm cho con người”, ông Jean-Laurent Casanova cho biết. “Chúng ta còn không biết liệu các kháng thể có chức năng bảo vệ hay không. Thông thường thì vaccine tạo miễn dịch, nhưng cũng có thể tạo ra kháng thể “bất lợi” (*), rốt cục chúng ta cũng không biết rõ chúng hoạt động thế nào”.
Theo bà Odile Launay, “vaccine không phải chuyện ngày một ngày hai”. Nhà nhiễm trùng học cũng lưu ý tới việc vaccine lại có thể sinh ra loại kháng thể giúp virus xâm nhập vào cơ thể. “Chúng không trung hòa, ngược lại: chúng liên kết với virus và tạo điều kiện cho nó xâm nhập vào tế bào hoặc chống lại các kháng thể khác, do đó làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng.
Đó chính là trường hợp của các “ứng viên” vaccine chống virus hợp bào hô hấp (VRS), nguyên nhân chính gây nên nhiễm trùng hô hấp nơi trẻ nhũ nhi, hoặc là trường hợp của sốt xuất huyết”. Bởi vậy, đến tận bây giờ, vẫn chưa có vaccine chống sốt xuất huyết và VRS, mặc dù đây là hai bệnh nhiễm siêu vi cực kỳ phổ biến và được biết từ rất lâu.
Ghi chú:
(*) Một số bệnh nhiễm có thể tạo ra kháng thể dạng “facilitant”, không bảo vệ cơ thể mà còn làm cho virus xâm nhập dễ hơn.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...