EU CÓ THỂ SẼ TIẾP TỤC “ĐÓNG CỬA” TỚI 15-6

Thứ bảy - 09/05/2020 00:59

(NCTG) Ủy ban Châu Âu - cơ quan hành pháp tối cao của EU muốn gia hạn lệnh cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Liên Âu tới ngày 15-6, vì tình trạng dịch bệnh Covid-19 “ngay ở Châu Âu và trên thế giới cũng chưa ổn định”.

Các quân nhân Serbia tuần tra tại biên giới nước này với Cộng hòa Croatia, ngày 20-3-2020 - Ảnh: Oliver Bunic (AFP)

Các quân nhân Serbia tuần tra tại biên giới nước này với Cộng hòa Croatia, ngày 20-3-2020 - Ảnh: Oliver Bunic (AFP)

Như đã biết, các tổng thống và thủ tướng EU vào giữa tháng 3-2020 đã thỏa thuận tạm ngừng cho phép công dân các nước nằm ngoài Liên Âu nhập cảnh lãnh thổ EU trong 30 ngày. Chỉ thị này được gia hạn thêm một tháng vào tháng Tư. Chỉ có một số trường hợp được coi là ngoại lệ, như các y bác sĩ, các nhà nghiên cứu…

Trong tháng 4/2020, Ủy ban Châu Âu cũng đưa ra một kịch bản cho việc “mở trở lại” lãnh thổ EU: thoạt tiên, các nước thành viên Liên Âu hãy gỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế về đi lại, để người dân có thể di chuyển tự do giữa các vùng và trong toàn quốc. Nếu sau đó không có một làn sóng mới của dịch bệnh, biên giới nội địa EU sẽ được mở, trước hết là để thị trường chung được tái hoạt động.

Đối với công dân các quốc gia ngoài Khối Liên Âu, lệnh cấm nhập cảnh sẽ được gỡ bỏ sau cùng.

Những biện pháp kiểm tra biên giới, hạn chế đi lại được đưa ra bởi tình hình dịch bệnh sẽ chỉ được đình chỉ bởi các quốc gia thành viên, chứ Liên Âu không có thẩm quyền “góp ý kiến”. Do đó, biên giới nội địa của EU khả năng là sẽ không được mở cùng một lúc, mà do quyết định song phương giữa một vài quốc gia có liên quan.

Có thể dự đoán rằng Áo và Đức sẽ gỡ bỏ trước tiên sự kiểm tra ở biên giới, vì Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hôm nay đã tuyên bố rằng trong vòng vài tuần, hai chính phủ sẽ có thỏa thuận về vấn đề này. Bên cạnh đó, biên giới về phía Slovakia, Cộng hòa Czech và Thụy Sĩ cũng sẽ được mở nhanh chóng, vì các quốc gia này - giống như Áo - đã đạt được kết quả tốt trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Nhiều quốc gia ở vùng Địa Trung Hải thì lo ngại rằng sẽ càng lấn sâu vào khủng hoảng kinh tế nếu họ đánh mất mùa du lịch sắp tới. Hy Lạp và Croatia đã đưa ra hàng loạt giải pháp “sáng tạo”, ví dụ đưa những du khách được xác nhận là âm tính với Coronavirus đi nghỉ hè bằng những chuyến tàu, chuyến xe riêng.

Để tiếp tục gia hạn những biện pháp cấm nhập cảnh Châu Âu từ bên ngoài, cần sự đồng thuận của 30 quốc gia. Bởi lẽ, Khối “phi thị thực” Schengen có 22 thành viên, và có thêm Na Uy, Lichtenstein, Iceland và Thụy Sĩ cũng tham gia sự hợp tác này. Ngoài ra, một số nước thành viên EU nhưng chưa gia nhập Schengen như Bulgaria, Romania, Croatia và đảo Síp cũng được Ủy ban Châu Âu mời bàn thảo trong vấn đề này.

(Ngoại lệ duy nhất là Ireland, cũng là thành viên EU, nhưng công dân nước này vẫn được nhập cảnh tự do Liên Âu, và công dân Vương quốc Anh từ nay đến cuối năm vẫn được coi là công dân EU, trong giai đoạn chuyển tiếp).

Trong một phát biểu trước đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng nên kéo dài việc đóng cửa Liên Âu, chí ít là tới tháng 9-2020. Tổng thống Cộng hòa Czech, ông Miloš Zeman thì muốn cấm công dân nước này ra nước ngoài tối thiểu trong vòng một năm để tránh dịch bệnh. (Thậm chí, Thứ trưởng Y tế nước này, ông Roman Prymula - một chuyên gia dịch tễ nổi tiếng thế giới - trước đó còn cho rằng phải cấm công dân Czech xuất cảnh trong vòng hai năm!).

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn