(NCTG) Đó là quan điểm của Nagy Eszter, một cựu nghiên cứu viên hàn lâm tại Mỹ và Đại học Tổng hợp Pécs. Ý kiến của bà có thể làm mất hứng những ai tin rằng sớm nhất là mùa thu năm nay, nhưng muộn thì cũng là đầu năm sau, sẽ có vaccine đại trà chống virus SARS-CoV-2.
Covid-19: còn hàng loạt câu hỏi mở! - Ảnh: radiologia.hu
Từng là một nhà nghiên cứu và tham gia quá trình bào chế vaccine tại các công ty công nghệ sinh học ở Vienna (Áo), hiện nay bà Nagy Eszter cùng các đồng sự đang tiếp cận đại dịch Covid-19 từ nhiều góc độ: phát triển vaccine, và nghiên cứu các loại thuốc đã được cho phép dựa trên các mô hình máy tính và có thể có hiệu quả để chống virus SARS-CoV-2.
Theo bà Nagy Eszter, khả năng lớn nhất là sẽ không có bất cứ loại vaccine nào trong năm tới, nhưng cũng có thể (và đây là điều tai hại hơn) là sẽ có, nhưng không thể chứng tỏ được hiệu quả và sự an toàn của nó. Vaccine là để dành cho hàng triệu người khỏe mạnh dùng, và do đó, an toàn là yếu tố quan trọng hơn rất nhiều, so với trường hợp cần dùng cho người bệnh nặng.
“Tôi cảm thấy rằng trong tương lai gần chắc chắn sẽ không có vaccine, cho dù có vẻ như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép những thanh niên đã được tiêm chủng được lây nhiễm Coronavirus, điều này có thể làm nhanh quá trình cấp phép cho vaccine. Bởi lẽ, như thế sẽ không cần phải chờ để người được tiêm chủng lây nhiễm theo con đường tự nhiên”, bà Nagy Eszter nói.
“Tuy nhiên, câu hỏi lớn là những loại vaccine hiện đang trong giai đoạn phát triển có thực sự hiệu quả hay không, bởi lẽ còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp, liên quan tới con virus này”, theo bà. Một trong những công ty của bà là Eveliqure Biotechologies, nơi có nhiều nhà khoa học Hung làm việc, và có nhiều dự án được tiến hành trên cơ sở các nghiên cứu tiến hành ở Hung.
Công ty cũng tiến hành những thử nghiệm trên người, nhưng điều khó là trái với những loại vi khuẩn mà khoa học đã biết từ nhiều thập niên nay, hiện tại chưa hề có một phác đồ điều trị nào chắc chắn có hiệu quả để chữa trị virus SARS-CoV-2. Trường hợp thông thường, có thể cần đến hàng chục năm để cấp phép cho một loại vaccine. Có thể đẩy nhanh quá trình này không?
Bà Nagy Eszter cho rằng Covid-19 không đủ nguy hiểm để các cơ quan quản lý dược phẩm có thể cho phép “đốt cháy giai đoạn”, và nếu không có điều đó, thì có thể loại trừ khả năng cuối năm nay, hay trong năm 2021, có thể tiêm chủng đại trà cho người dân. Còn nếu được “đi tắt đón đầu”, thì chắc gì loại vaccine đó đã có hiệu quả, an toàn và đã trải qua các xét nghiệm ổn thỏa?
Được biết, các ứng viên vaccine khi thử nghiệm trên động vật chưa đem lại kết quả thuyết phục, không ngăn chặn được sự lây nhiễm. Khả năng bảo vệ của tiêm chủng BCG cũng không có gì đáng tin cậy, chưa có cơ chế sinh học gì lý giải được tác dụng của nó, và cái khó ở đây là khoa học chưa hề biết là cần loại kháng thể gì, và cần bao nhiêu để có được miễn dịch với Covid-19.
Theo bà Nagy Eszter, lời giải cho bài toán hóc búa này, có thể ở trẻ em: nếu hiểu được tại sao trẻ em rất ít nhiễm cúm Tầu, thì có thể đạt được bước quyết định trong nỗ lực nghiên cứu và bào chế vaccine.
Quan điểm bi quan của bà Nagy Eszter có vẻ trùng lặp với thái độ rất thận trọng của GS. TS. Szlávik János, Trưởng khoa Truyền nhiễm Trung tâm Y tế Nam Pest, cơ sở được chính quyền Hung giao nhiệm vụ điều trị các bệnh nhân cúm Tầu từ đầu tháng 3/2020. Theo ông, khoa học còn biết rất ít về loại virus này: xuất xứ từ đâu, lan sang người như thế nào, và do đó khi nào có vaccine.
Cũng chưa biết người được coi là lành bệnh, sau bao nhiêu ngày hoặc bao nhiêu tuần còn có thể truyền bệnh được không, cho dù các xét nghiệm đã là âm tính. Không rõ tại sao có người bị nặng, có người lại không có triệu chứng gì đặc biệt, cơ chế miễn dịch nào có vai trò khiến ngay cả một số bệnh nhân trẻ, sức khỏe tốt lại cũng có thể rơi vào trạng thái nguy hiểm khi nhiễm Covid-19?
Có quá nhiều câu hỏi “tại sao?”, khiến không thể biết bao giờ có vaccine, hoặc giả có rồi, thì bao giờ mới có thể sử dụng an toàn trên diện rộng? Ông Szlávik János nhắc lại: ngày 8-5-1980, WHO tuyên bố đã thanh toán được căn bệnh đậu mùa, đã gây nên cái chết của 300 triệu người. Bệnh nhân cuối cùng là một người đàn ông Somalia, được ghi nhận vào năm 1978 và đã khỏi bệnh.
Từ đó trở đi, loại virus gây bệnh đậu mùa chỉ được lưu trong hai phòng thí nghiệm có độ an toàn siêu đẳng. Biết bao giờ virus SARS-CoV-2 chỉ còn tồn tại trong những phòng thí nghiệm như thế?
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...