Ảnh được chụp vào hồi 3h49 sáng 20-12. Cũng vào tối thứ Năm, một phụ nữ sống ở khu vực này cũng cho “Berliner Zeitung” hay là bà có nhìn thấy người đàn ông nọ ở gần nhà thờ tại khu vực Berlin-Moabit vào rạng sáng 20-12.
Địa điểm đó và tổ chức Hồi giáo hoạt động ở đó được dân Berlin gọi bằng cái tên “nhà thờ của những kẻ ISIS”, theo một biên bản thẩm vấn. Trước đây, tổ chức này đã bị chính quyền Đức cấm, và nhà thờ cũng bị đóng cửa.
Nhà chức trách Đức tình nghi rằng núp dưới vỏ bọc một tổ chức tôn giáo, tổ chức Hồi giáo này tuyển mộ các chiến binh cho “Nhà nước Hồi giáo” (IS), và hỗ trợ những “cảm tình viên” này từ Tây Âu sang Syria dự “tập huấn”.
Tháng 1-2015, cảnh sát Đức đã đột nhập vào nhà thờ và bắt giữ một lãnh đạo Hồi giáo vì tình nghi người này tuyển mộ thanh niên cho IS. Theo cư dân khu vực gần nhà thờ, nghi can Anis Amri thường xuyên lui tới nơi này.
Một người dân sống trong khu nhà tọa lạc nhà thờ Hồi giáo còn cho hay, trong những tháng trước khi cuộc tấn công khủng bố xảy ra, nghi can còn nhiều lần mở cửa một cách lịch sự cho ông.
Cảnh sát Đức liên tục theo dõi khu nhà thờ này, và vào hồi 3h sáng ngày 14-12 và 15-12 cũng chụp được ảnh Anis Amri tại đây. Rạng sáng hôm qua, các nhân viên điều tra lại tiếp tục tới khám nhà ở đó.
Nhiều người chỉ trích gay gắt cảnh sát Đức đã không kiểm tra ngay một cách kỹ càng chiếc xe tải đã gây án, và chỉ tới thứ Ba mới phát hiện ra giấy tờ của bỏ lại Amri trong xe, làm mất nhiều thời gian rất quý báu trong cuộc điều tra.
Trong khi chính quyền hỏi cung một người đàn ông Pakistan thực ra có bằng cứ ngoại phạm rõ ràng, thì thủ phạm thực sự lại có thể lang thang quanh một khu nhà thờ vốn đã rơi vào tầm ngắm của cảnh sát, mà không làm sao cả.
Tờ “Bild” vào trạng sáng hôm nay, thứ Sáu 23-12, còn nhắc tới một sai lầm khổng lồ nữa của nhà chức trách, khi cuộc điều tra đã bị chậm trễ 12h liền do cảnh sát không được phép tiếp cận tài khoản cá nhân của thủ phạm giả định trên mạng xã hội Facebook.
Ông Till Steffen, một quan chức tư pháp, người chần chừ trong việc cho phép cảnh sát làm việc đó, cho rằng sở dĩ ông hành động như vậy vì theo ông, cảnh sát có thể làm quyền nếu có khả năng đột nhập tài khoản của bất cứ ai trong khoảnh khắc.
Giữa chừng, truyền thông Đức cũng đưa ra được lời lý giải khả dĩ cho một số nghi vấn trong vụ án này. Sở dĩ thủ phạm mang theo giấy tờ khi đi gây án là vì trong khi phóng xe gây án, nếu bị cảnh sát chặn lại, mà có giấy tờ hợp thức thì vẫn có khả năng thoát.
Ngược lại, khi đã bỏ xe trốn chạy và phải đối mặt với cái chết khi chạm trán cảnh sát, đề phòng trường hợp thi thể không còn nhận dạng được, thì việc bỏ lại giấy tờ đối với những kẻ khủng bố như một hình thức “tuyên xưng” để thiên hạ biết mình là ai.
Các tổ chức khủng bố cũng rất hay công bố danh tính những “cảm tử quân”, một phần để “lưu danh thiên cổ” những chiến binh liều chết, phần khác để tuyên truyền cho “chính nghĩa” của họ, và nêu gương cho những “cảm tình viên” khác noi theo.
Về lộ trình của chiếc xe tải chết chóc, các thông tin cho thấy nó đã chạy quanh quảng trường nơi diễn ra chợ Giáng sinh một vòng, rồi lấy đà, tăng vận tốc khi lao vào khu chợ, nhưng chỉ đi được tối đa 60-80m thì nó rẽ ra phía ngoài và dừng ở đó.
Báo chí Đức bình luận rằng nếu xe chạy xuyên ngang khu chợ thì con số nạn nhân tự vong và bị thương còn có thể tăng gấp nhiều lần. Tại sao xe lại rẽ ra? Có thể người lái là tay “loạng choạng”, không có kinh nghiệm điều khiển xe cỡ lớn.
Một khả năng khác là người tài xế Ba Lan rất cao to và vạm vỡ khi đó vẫn còn sống và đã giành giật tay lái với thủ phạm. Cho dù anh bị đâm và bắn chết, nhưng hành động giả định đó của anh đã làm giảm thiệu hậu quả của vụ khủng bố.
Hiện tại, ở Ba Lan, đã có những cuộc quyên góp được tổ chức để ủng hộ và làm giảm nỗi đau của gia đình người tài xế xấu số.
Update: Cảnh sát Đức khẳng định không phải Anis Amri là người trong những tấm ảnh trước nhà thờ Hồi giáo, trước và sau vụ khủng bố, mà Đài truyền thanh RBB loan tin.