ĐỌ SÚNG VỚI CẢNH SÁT Ý, NGHI CAN KHỦNG BỐ Ở BERLIN THIỆT MẠNG

Thứ sáu - 23/12/2016 18:25

(NCTG) Thủ phạm giả định của cuộc khủng bố bằng xe tải ở Berlin đã thiệt mạng trong một cuộc đọ súng với cảnh sát tại Milano, Ý, vào hồi 3h sáng hôm nay, theo thông tin chính thức của chính quyền nước này.

Nghi can Anis Amri đã bỏ mạng

Nghi can Anis Amri đã bỏ mạng

Căn cứ vào ngoại hình và dấu vân tay của đương sự, có thể khẳng định “một cách rõ ràng và không còn nghi ngờ gì nữa”, rằng đó chính là nghi can trong vụ khủng bố ở Berlin, theo thông báo của Bộ trưởng Nội vụ Ý Marco Minniti trong cuộc họp báo tổ chức sáng hôm nay, 23-12-2016.

Báo chí Ý cho biết, vào rạng sáng hôm nay, tại Sesto San Giovanni, một đô thị ở tỉnh Milano, vùng Lombardia (Ý), hai cảnh sát đã chặn một người đi bộ trước ga xe lửa và yêu cầu cho kiểm tra giấy tờ. Khi đó, người này rút từ túi đeo vai một khẩu súng lục 22 ly, bấm cò và hô “Allahu Akbar”.

Đó là câu nói cửa miệng ưa thích của những kẻ khủng bố khi thực hiện những cuộc tấn công, tương đương với lời kêu gọi Thánh Chiến cực đoan, trong khi đối với những tín đồ Hồi giáo thông thường, nó đơn thuần là một lời ngợi ca Thánh Allah, Đức Chúa trời của tôn giáo này.

Một cuộc đọ súng nổ ra khiến một cảnh sát bị thương ở vai, vết thương không nguy hiểm đến tính mạng. Nhân viên cảnh sát hạ sát kẻ khủng bố - người về sau được xác nhận là nghi can Anis Amri - mới phục vụ trong đội ngũ cảnh sát chín tháng nay.

Vé xe hỏa tìm được trong người Amri cho thấy đương sự đã tới Ý qua đường Pháp: từ Chambéry, nghi can này đi tàu sang Torino, rồi từ đó qua Milano. Một giờ đêm, Amri tới ga chính của thành phố, rồi đi bộ qua Sesto San Giovanni và bị bắn chết ở đó.

Tờ báo Ý “La Stampa” viết rằng hai cảnh sát Ý thoạt tiên không biết đương sự là ai, nhưng họ có nghĩ rằng kẻ bị bắn chết không phải là một tên tội phạm tầm thường. Không tìm thấy giấy tờ trong người đương sự, nhưng trong ba-lô thì có đồ đạc nguồn gốc Đức.

Chính điều đó khiến giới cảnh sát Ý tình nghi, họ lấy vân tay và suy ra đó chính là Anis Amri, kẻ thù của nước Đức sau vụ khủng bố hôm thứ Hai vừa qua. Amri từng sống nhiều năm ở Ý, đã ngồi tù bốn năm tại đây nên có thể Ý là mảnh đất thân thuộc với đương sự.
 
Lộ trình của nghi can từ Đức qua Ý
Lộ trình của nghi can từ Đức qua Ý

Nhà chức trách Ý đặt giả thiết Amri muốn chạy xuống vùng Nam Ý để lẩn trốn. Với cái chết tại Ý của nghi can này, có thể không bao giờ chúng ta biết thêm được động cơ và những gì đã thực sự xảy ra khiến Amri thực hiện vụ tấn công khiến 12 người thiệt mạng vừa rồi, nếu quả thực đương sự là thủ phạm.

Trong một diễn biến có liên quan, cảnh sát Hamburg cho rằng chính Anis Amri có thể là thủ phạm trong vụ sát hại Victor E., một học sinh trung học 16 tuổi vào trung tuần tháng 10, vì theo tấm ảnh được cơ quan điều tra công bố thì nghi can trong vụ đó khá giống Amri.

Cuối tháng 10, tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) cũng tuyên bố nhận trách nhiệm trong vụ giết người đó, nhưng các nhà bình luận khi ấy cho rằng cần đặt dấu hỏi với khẳng định này, vì nó chỉ được đưa ra hai tuần sau án mạng tại bờ sông Alster, Hamburg.

Giữa chừng, “Tagesspiegel” cho rằng có thể Amri đã tự mình dàn dựng vụ khủng bố ở Berlin, chứ không nhận được chỉ thị hay sự hỗ trợ trực tiếp từ IS. Ngoài ra, cơ quan an ninh Marocco cũng từng cảnh báo Đức hai lần (vào 19-9 và 11-10), rằng Amri đang chuẩn bị cho một cuộc khủng bố.

Bị chỉ trích vì những chậm trễ trong công tác điều tra, cảnh sát Đức cho rằng do những đạo luật bảo vệ quyền cá nhân, riêng tư của Đức rất nghiêm ngặt so với các nước Châu Âu khác, nên họ rất khó khăn khi cần kiếm tìm thông tin và truy nã thủ phạm các vụ trọng án.

Đó là lý do khiến, mặc dù vụ khủng bố Berlin xảy ra ở một địa điểm sầm uất bậc nhất tại thủ đô nước Đức, mà ba ngày rưỡi sau khi nó diễn ra, chính quyền vẫn chưa công bố những tấm hình nghi can (cắt từ băng ghi hình ngoài phố) như ở Pháp hay Bỉ, ngay sau khi cuộc khủng bố nổ ra ở Paris và Brussels.

Thay vào đó, cảnh sát phải tìm cách thu thập những tấm hình hoặc video do các nhân chứng hoặc những người có mặt tại hiện trường thực hiện cho công việc điều tra của mình, chẳng hạn như một clip công bố vào tối hôm qua, ghi lại hình ảnh khi chiếc xe tải lao vào khu chợ Noel.

Nhiều bang ở Đức cấm quay hình khách bộ hành tại những khu vực công cộng (ngoại trừ khu vực ga xe lửa và trên các phương tiện giao thông công cộng): chỉ 5 trong số 16 bang cho phép sử dụng camera theo dõi với mục đích an ninh trên đường phố.

Berlin có gần 15 ngàn camera theo dõi nơi công cộng được gắn trên xe, và chừng một phần năm số camera này có thể truyền đi hình ảnh động. Tuy nhiên, vì lý do bảo vệ dữ liệu, cảnh sát không được phép dùng loại camera chẳng hạn có thể truyền trực tiếp hình ảnh động từ quảng trường Breitscheid.

Chính vì vậy, các công đoàn cảnh sát ở Berlin đã “kêu ca” rằng họ không được tạo điều kiện làm việc chẳng hạn như các đồng nghiệp ở Bayern, nơi cảnh sát có thể dựng các trạm ghi hình công cộng một cách di động...

Update: Anis Amri không hô câu khẩu hiệu Allahu Akbar như theo những tin tức ban đầu, mà nghi can gào lên "bọn cớm chó chết!", theo phóng viên của BBC tại Rome trên trang Twitte của mình.

Trần Lê tổng hợp


 
 Từ khóa: tấn công khủng bố
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn