NGHI CAN BỊ BẮT NHẦM TRONG VỤ KHỦNG BỐ Ở BERLIN LÊN TIẾNG

Thứ năm - 29/12/2016 06:21

(NCTG) Sau khi vụ khủng bố bằng xe tải ở trung tâm Tây Berlin xảy ra, trong vòng gần nửa ngày, báo chí loan tin cảnh sát bắt được thủ phạm giả định là một người tỵ nạn Pakistan. Tuy nhiên, tin này đã bị bác bỏ chính thức vào chiều hôm sau, và vì nhầm lẫn, một người đàn ông vô tội đã bị giam hơn hai ngày liền.

Chiếc xe tải tử thần - Ảnh: AFP

Chiếc xe tải tử thần - Ảnh: AFP

Đương sự - Naveed Baloch (24 tuổi) - đã xuất hiện lần đầu trước công luận và kể lại câu chuyện xui xẻo của anh cho tờ “Guardian”, kể từ khi bị bắt tới lúc được thả.

Tối hôm đó, Baloch đi về nhà sau khi chia tay một người bạn, khi một chiếc xe phóng ù tới với vận tốc rất lớn, cảnh sát xuống xe và hỏi giấy tờ đương sự. Đương nhiên Baloch có đầy đủ giấy tờ và cảnh sát cho anh đi, tuy nhiên, khi vừa cất bước thì lại bị cảnh sát gọi giật lại, hai tay anh bị còng sau lưng, anh bị tống vào ghế sau của xe cảnh sát và chở đi.

Đêm hôm đó, Baloch bị bịt mắt và chuyển tới nhiều trạm cảnh sát. Giữa chừng, lúc chờ đợi, anh bị cảnh sát đạp gót giày và chân, rồi bóp cổ. Tới trạm đầu tiên, anh bị bắt cởi hết quần áo và chụp ảnh, khi cự lại và bị ăn tát, và sau đó ba lần bị lấy máu. Giữa chừng, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức cũng thông báo rằng nghi can số một - Naveed B. - đã bị bắt.

Việc hỏi cung Baloch diễn ra một cách khó nhọc. Người đàn ông này đến từ Balochistan, một trong bốn tỉnh và là tỉnh có diện tích lớn nhất của Pakistan, ngôn ngữ mẹ đẻ của anh là tiếng Baloch, nhưng người phiên dịch lại chỉ nói tiếng Punjab và Urdu, và Baloch chỉ hiểu lờ mờ tiếng Urdu chứ không nói được mấy ngôn ngữ này.

Ngay vào đầu cuộc hỏi cung, người nhân viên thẩm tra Baloch đã thuật lại câu chuyện và cáo buộc người đàn ông này là chính quyền đã biết tỏng hết cả, bởi Baloch chính là người ngồi sau tay lái chiếc xe tải tử thần. Baloch bình tĩnh đáp rằng, không những anh không biết lái xe, mà còn chả biết khởi động xe như thế nào, và chả bao giờ anh nghĩ đến chuyện làm một việc như vậy chống lại đất nước đã tiếp nhận anh.

Rốt cục, Baloch bị giam trong vòng hai ngày rưỡi, mà chỉ được phát bánh quy và nước trà, còn tối thì phải qua đêm trên một chiếc phản không có chăn đệm (ban đầu anh còn bị còng cả hai tay). Cuối cùng, Baloch cũng được thả, và chính quyền nói với anh rằng ngay từ đầu, người ta đã đoán không phải anh là thủ phạm vì không tìm thấy trên người anh vết máu, một điều có xác suất rất nhỏ, vì người tài xế Ba Lan bị đâm và bắn chết.

Cảnh sát thì cho Baloch hay rằng thực chất anh bị bắt vì chạy qua đường và có vẻ như anh đang chạy trốn vì một lý do gì đó, nên họ nghĩ anh là thủ phạm. Sau khi được thả, cảnh sát chở Baloch qua một khách sạn và phải ở trong đó không được ra ngoài nếu không có sự chấp thuận của họ. Cũng vì lý do an ninh, Baloch không được về lại khu trại tỵ nạn nơi anh ở, mà rạng sáng hôm sau cả một nhóm cảnh sát đã tới tìm kiếm bằng cứ, nhưng vô hiệu.

Là một mục sư ở quê nhà, Baloch thật ra không cần đến tai tiếng trong vụ này, vì sở dĩ anh phải rời bỏ quê hương vì là thành viên của một nhóm chiến đấu cho nền độc lập của vùng Balochistan, và đa số các đồng sự của anh đã bị giết hại hay mất tích bởi cơ quan phản gián Pakistan, hoặc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) hoạt động rất tích cực trong khu vực.

Cho đến trước vụ khủng bố, những kẻ thù còn chưa biết Baloch ở đâu, nhưng giờ thì đã hay rằng người đàn ông này xin tỵ nạn tại Đức, và gia đình anh cũng có thể gặp nguy hiểm. Hiện tại, cảnh sát tạm bảo vệ và đảm bảo chỗ ăn ở cho Baloch trong vòng hai tháng, và anh hy vọng rằng mọi người sẽ nhanh quên câu chuyện này, và không làm hại gì đến anh cùng gia đình.

Trần Lê, theo index.hu


 
 Từ khóa: tấn công khủng bố
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn