"TRIỆU BÔNG HỒNG", THI PHẨM CỦA TÌNH YÊU

Thứ sáu - 15/09/2006 22:49

(NCTG) Từ khi tình yêu nảy nở trên thế gian này và loài người biết dùng những nụ hoa để thể hiện tình cảm của mình, thì hoa hồng tinh tế, lộng lẫy và bí ẩn luôn là biểu tượng của tình yêu say đắm. Và, cũng có không biết bao nhiêu bản tình ca đã lấy đề tài đóa hồng để vinh danh tình yêu, mà trong số đó, "Triệu bông hồng" có lẽ là bài hát được ưa thích nhất, cho dù nó có xuất xứ từ một xứ sở tương đối khép kín, Liên Xô (cũ).

Nhạc sĩ, nghệ sĩ dương cầm Raimond Pauls, tác giả phần nhạc "Triệu bông hồng"

Nhiều thế hệ thanh niên Nga và thế giới đã hát và ưa chuộng ca khúc này, nhưng không phải ai cũng biết đến xuất xứ của nó. "Triệu bông hồng" (sáng tác năm 1983) có phần nhạc của nhạc sĩ kiệt xuất người Latvia Raimond Pauls, phần lời là thi phẩm cùng tên của nhà thơ lớn người Nga, Andrey Voznesensky.

Nội dung bài hát dựa theo lời kể của văn sĩ Konstantin Paustovsky, viết năm 1960, về câu chuyện tình huyền thoại động lòng giữa chàng họa sĩ tự học người Gruzia Niko Pirosmani với cô ca sĩ - vũ nữ người Pháp Marguérite (Magarita), diễn ra vào đầu thế kỷ XX tại Tiflis (Tbilisi), thủ đô xứ Gruzia.

Câu chuyện tình buồn, vô vọng nhưng không bi lụy mà "Triệu bông hồng" mô tả đơn giản, nhưng đẹp và thanh khiết như chính bản chất tình yêu. Có một chàng họa sĩ nghèo thầm yêu trộm nhớ một cô ca sĩ rất yêu những bông hồng. Muốn làm đẹp lòng cô, chàng trai đã bán tất cả những gì mình có, nhà cửa, giá vẽ cùng những bức tranh chàng yêu thích, để đổi lấy một biển hoa hồng trải trước cửa sổ nhà cô, và hy vọng...

Nhưng kết cục, hai người chia tay sau lần gặp gỡ ngắn ngủi; chàng họa sĩ vẫn sống một đời cô độc trong nghèo khó, bần hàn; đổi lại, trong đời, chàng đã có một khoảnh khắc được ngắm người mình yêu giữa một rừng đầy ắp những bông hồng. Còn nàng ca sĩ ra đi mãi mãi trong chuyến tàu đêm, nhưng trong đời nàng đã có một tình khúc tuyệt vời và cuồng si được kết bằng muôn triệu đóa hồng tươi...

Đỉnh cao trữ tình của "Triệu bông hồng" ở đoạn mô tả người họa sĩ nghèo đứng lẻ loi trong góc khuất, nhìn cảnh cô ca sĩ - vốn quen với ánh đèn sân khấu - hướng ra ngoài cửa sổ, ngạc nhiên và ngây ngất hạnh phúc trước rừng hoa rực rỡ và hiểu rằng anh là người đàn ông duy nhất, đã yêu cô với tình yêu thánh thiện đến mức có thể biến cả đời anh thành đại dương hoa hồng thắm để tặng cô!

Được phổ nhạc rất tài tình từ một bài thơ hay, lãng mạn, mang mô-típ "tình chỉ đẹp khi còn dang dở" rất gần gũi với tâm thức người Việt, bài hát "Triệu bông hồng" có tiết tấu nhanh, sôi động nhưng phảng phất nỗi buồn đằm thắm. Ở Liên Xô cũ, người thể hiện thành công nhất ca khúc này là Alla Pugacheva, được mệnh danh "Người đàn bà hát", có lẽ là nữ danh ca nổi tiếng nhất của mọi thời đại ở xứ sở này.

"Triệu bông hồng" được lan ra thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Anh, Phần Lan, Nhật, Việt, Hoa, Nam Hàn... Tại Nhật Bản, bài hát này nổi tiếng và phổ biến đến mức được người dân cho là "biểu tượng của tình ca" và nó có mặt trong tất cả các phòng hát karaoke nơi đây.

Ở Việt Nam, bài hát cũng rất được ưa chuộng, được nhiều người nghe và hát, trong số đó, ca sĩ khả ái Ái Vân, bông hồng một thuở, đã nổi tiếng với lời Việt của bản tình ca này trong những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước.

"Người đàn bà hát" Alla Pugacheva, người chắp cánh cho "Triệu bông hồng"

Đối với người yêu nhạc Việt Nam, một ca khúc toàn bích, ngoài nhạc điệu hay, còn phải có phần lời có ý nghĩa. "Triệu bông hồng" đã đáp ứng được đòi hỏi đó, và trên tư cách một bài thơ, nó cũng dễ dàng đi vào lòng của độc giả bởi tình yêu và những cảm xúc yêu thương là không biên giới.

Chỉ nội việc bài thơ của một thi sĩ Nga, kể về mối tình giữa một họa sĩ Gruzia với một nữ ca sĩ Pháp, được một nhạc sĩ Latvia phổ nhạc với những âm hưởng dào dạt của rừng bạch dương Nga, cũng cho thấy tính thế giới và đa văn hóa của một tác phẩm đích thực, cũng như, của những mối tình vượt thời gian.

Nước Nga từng sản xinh nhiều ca khúc trữ tình đọng lại trong lòng người Việt, như "Đôi bờ", "Cây thùy dương", "Mắt huyền"..., nhưng có lẽ "Triệu bông hồng" đã vượt lên tất cả! Mô-típ về triệu bông hồng, có lẽ còn ám ảnh một tác giả Việt Nam (Nguyên Phương), khi anh làm những vần thơ cay đắng:

Và xót xa để nhớ một thời
Tôi cần một bông tặng người buổi ấy
Hoa không có và em không chờ nổi
Tôi trở về hoang vắng cả mùa hoa?

Để thấy rằng, hạnh phúc thay cho người có những bông hồng để tặng người mình yêu, dù kết cục có ra sao đi nữa! Bởi, như cố thi sĩ Lưu Quang Vũ từng nói, phải "tin vào hoa hồng" như vào một tình yêu cháy bỏng. Bản dịch thơ của dịch giả Thái Bá Tân sau đây, sẽ cho chúng ta hiểu tại sao "Triệu bông hồng" - với sức mạnh của ngôn từ - lại được coi là thi phẩm của tình yêu, từ hơn 20 năm nay:

Xưa, một chàng họa sĩ
Có tranh và có nhà,
Bỗng đem lòng yêu quí
Một nàng rất mê hoa.

Và chiều lòng người đẹp,
Để lấy tiền mua hoa,
Chàng đã đem bán hết
Cả tranh và cả nhà.

Chàng đã mua hàng triệu, triệu bông hồng
Ngoài cửa sổ, cứ nhìn, ta sẽ thấy
Rằng người yêu có yêu thật hay không,
Khi bán nhà để mua hoa như vậy.

Sáng hôm sau tỉnh dậy
Nàng nhìn ra, lặng người
Tưởng đang mơ, vì thấy
Cả một rừng hoa tươi.

Nàng ngạc nhiên, đang nghĩ:
Ai đây chắc rất giàu,
Thì thấy chàng họa sĩ
Đứng tội nghiệp, buồn rầu.

Họ gặp nhau chỉ vậy,
Rồi đêm, nàng đi xa.
Nhưng đời nàng từ đấy
Có bài hát về hoa.

Còn chàng họa sĩ nọ
Vẫn không vợ, tiền không
Nhưng đời chàng từng có
Cả một rừng hoa hồng.

Nguyễn Hoàng Linh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn