THA THẨN VỀ THƠ

Thứ hai - 05/03/2007 21:26

(NCTG) THƠ là thể loại mà tôi chỉ thích đọc, nhưng mù tịt (bình sinh tôi rất khâm phục những ai làm được thơ!)

Một anh bạn tôi, vốn thuộc loại “ngốn” được đủ mọi thứ sách vở, một hôm bỗng buông ra một nhận xét bâng quơ, ý đại khái như sau: trong vòng mươi, mười lăm năm trở lại đây, thơ có vẻ (tái) “lên ngôi” tợn.

Tôi đồng tình ngay và đoán rằng cái chữ “lên ngôi” bề thế và trang trọng ấy, anh bạn tôi đã mượn của một nhà phê bình văn học trong nước, với nghĩa thơ được TRỌNG, được NÂNG NIU, và THỊNH cả về LƯỢNG lẫn CHẤT (?)

Cái nhận xét chung chung và không mấy đặc sắc này, nếu muốn, có thể chứng tỏ một cách dễ dàng. Thật vậy, ở trong nước thì khỏi phải nói! Từ hơn chục nay, hiếm có một tờ báo nào, dù là của “trung ương” hay “địa phương”, phường xã, mà lại không có vài chùm thơ thẩn, “chuyên nghiệp” có mà “tài tử” cũng có.

Thị trường sách vở cũng tràn ngập thơ, đủ các loại Đông Tây tự cổ chí kim. Đấy là chửa nói đến chuyện thỉnh thoảng có vài ông “tư sản mới”, hứng lên, thuê người viết, rồi in một tập sách - thường là thơ! - cho oai, để biếu bạn bè và cho con cháu, hậu duệ sau này biết “mùi”.

Dăm năm nay, người làm thơ Việt Nam còn có cả một ngày-thi-ca riêng, oai phong chẳng kém ai, vào đúng Rằm tháng Giêng - cái ngày này, xưa còn có vẻ thiên về lễ (quan chức đọc diễn văn, tổng kết này nọ, ca ngợi tung hô vẩn vơ… chả mấy ai để tâm), đến giờ đã biến thành hội (chợ) với vô vàn trò tiêu khiển (rao bán sách vở, đấu giá thơ, hay cổ vũ thứ “nghệ thuật trình diễn” mà các cụ già có đeo… kính hiển vi cũng chả thấy giống “thơ” ở chỗ nào, v.v…), vui vầy lắm!

Bìa tập thơ "Dự báo phi thời tiết" (bị thu hồi) của nhóm "Năm con ngựa trời", một phong cách mới trong thơ?

Ngoài nước, tình hình cũng tương tự: mặc kệ thi sĩ Đỗ Kh. dọa xanh rờn “làm thơ khó bỏ mẹ!“, đâu đâu cũng thấy thơ. Có cả một tờ tạp chí mang tên “Thơ”, đăng lắm bài khó hiểu, nhưng cái tầm của nó ai sành thơ cũng đều công nhận là “cao” (dù người đọc và thấu hiểu thực sự không nhiều, người mua càng hiếm). Ngay trong số những người tôi có vinh dự được biết danh tại vùng Đông Âu này, người giỏi thì làm trường ca, người kém hơn cũng làm thơ yêu đương kèm thơ cổ vũ tự do, nhân quyền & đa nguyên.

Rõ là không hổ thẹn cho Việt Nam, một xứ sở thơ mà (dường như) trẻ chăn trâu - ngoài tài “đánh giặc, giữ nước và góp phần xây dựng CNXH tươi đẹp” - cũng đã biết “xuất khẩu thành thi”.

(Vậy đấy, ngẫm lại, hình như dân ta ai cũng phải võ vẽ được dăm ba câu thơ trong đời, dù là… thơ con cóc hay thơ Bút Tre, Bút… Thép… Chả phải tôi nói quá đâu: trẻ nít, cỡ tuổi ông Gióng đi đánh giặc, là đã có thể làm thơ báo tường, thơ chống Mỹ… (anh thần đồng Trần Đăng Khoa chẳng hạn); cụ già, sắp “thăng” đến nơi, cũng cứ phải cố rung đùi ngâm nga mấy câu cổ thi mới bõ. Đấy là chửa nói đến bao nhiêu anh hùng hào kiệt, khi ra pháp trường, đầu sắp rụng mà miệng vẫn sang sảng đọc thơ - cái vụ này, tôi chắc bọn Tây phải lấy làm lạ!)

Về khoản này, tôi chỉ dám lặp lại câu cảm thán bất hủ của cụ Nguyễn Trãi trong “Đại cáo Bình Ngô”: “Dân tộc ta, quả là một dân tộc văn hiến!

*

Kế tiếp, xin chia sẻ một đoạn thư của một gã bạn gàn dở. Gã này, dù chẳng được học (và cũng chẳng ai bắt) làm thơ, nhưng cũng sính thơ thẩn. Bao lần vợ gã đã than thở về chuyện này: “Chuyện nhà chẳng màng, lại cứ bắt quàng chuyện trên mây dưới gió!“.

Bản thân tôi rất thông cảm với gã, và thông cảm luôn cả những lý sự rất… cùn và vớ vẩn của gã. Tỉ dụ:

Cậu có đồng ý với mình là đôi khi những cái nhan đề của bài thơ là cả một nửa - hay có thể là hơn một nửa - nội dung của bài thơ đó không? Mình thì thấy như vậy.

Chẳng hạn như bài thơ sau đây, theo mình, không thể đặt cho nó một cái đầu đề nào cả:

KHÔNG ĐỀ

Chẳng dám nhìn lâu vào mắt em
Bởi vì anh suốt đời có lỗi
Xin giữ lại những gì gian dối
Còn trao em một nửa linh hồn…

Hoặc với bài thơ sau đây thì chỉ có cái đầu đề như thế này là hợp:

TA LÀ AI?

Bốn nghìn năm ta vẫn lại là ta
Không thèm nhìn mây, không thèm nhìn gió
Ta tự giam ta giữa bốn bức tường
Rồi thở than là khoảng trời ta hẹp.

Rõ nhảm, tôi nghĩ. Thế mà là thơ ư? Chưa hết, gã bạn lại còn làm một bài thơ “tình” như sau mới chết người chứ:

Cứ mỗi một trăm lần hẹn nhau
Là lại một trăm lần mong đợi
Là lại một trăm lần không tới
Là một trăm lần không gặp nhau

Cuộc tình vô nghĩa như mây gió
Mới nghĩ đến thôi đã cồn cào
Bởi thế cho nên anh không đến
Sợ nhớ quá rồi ăn mất em!

Cái câu bậy bạ cuối cùng của gã, khiến tôi nhớ đến “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi” của cụ Xuân Diệu; nghe đâu, ông nhạc sĩ Xuân Hồng, tác giả “Tiếng chày (1) trên sóc Bom-bo”, “Xuân chiến khu”, “Bài ca may áo”… hay được bọn tôi karaoke, đã phát hoảng và chạy mất dép khi đọc câu thơ ấy. Dầu sao đi nữa, đây cũng chỉ là một so sánh khập khiễng.

Cứ làm thơ (?) ngây ngô như thế, nên chẳng trách có người đã khuyên gã bạn tôi nên về Việt Nam dự thi “Tác phẩm tuổi xanh” trên báo chí thanh niên. Mà, của đáng tội, gã đã qua cái ngưỡng “mực tím”, “giăng tròn”, “vòm me xanh”… từ vài thập niên nay rồi! Vả chăng, nhìn giới trẻ trong nước bây giờ làm thơ (và… hành thơ), tôi nghĩ hay nhất là gã nên tiếp tục… lưu vong ngoài này!

Nhưng, thi thoảng, cũng có bài thơ của gã khiến tôi để ý. Bài này thì làm tôi xúc động thực sự. Chả phải vì nó hay. Chỉ vì nó đả trúng vào cái thân phận “nhược tiểu” trên xứ người của con Rồng cháu Tiên nhà mình:

KỶ NIỆM BERLIN

Về Berlin lần này
Với bồi hồi nỗi lo bị bắt
Phập phồng sợ cái ba lô con cóc
Đựng sách mà như đựng thuốc lá…

Về Berlin lần này
Nem nép
Muốn đứng tim
Mỗi khi nhìn thấy bóng cảnh sát

Về Berlin lần này
Im hơi
Trong căn phòng nhỏ

Về Berlin lần này
Lặng tiếng
Giữa chốn đông người

Về Berlin lần này
Hú vía
Không chỉ một lần

Về Berlin lần này
Gặp được gã bạn xa
Vui…

Khổ thế đấy! Số là, hồi ấy, gã đang xin tị nạn ở ru rú tại một vùng hẻo lánh khỉ ho còn gáy nào đó, đáng lý muốn ra ngoài thì phải lên chi nhánh của Sở Ngoại kiều để xin giấy phép. Nhưng gã ngại. Tiếng tăm ú ớ. Với lại, xin cũng chắc gì đã được cho. Vậy nên gã cứ liều đi.

Đến kinh đô Bá Lanh rồi mới thấy dở vì không có giấy tờ, suốt hai ngày chỉ dám bó gối trong phòng, bởi ra ngoài thì sợ cảnh sát hỏi. Tình ngay lý gian. Nhỡ cảnh sát nghi gã thuộc một băng đảng buôn lậu thuốc lá nào đó - như đa số đồng hương da vàng, mũi tẹt, mắt xếch của gã ngụ ở đó -, thì không biết gã sẽ xoay sở ra sao.

Tiếng tăm không thạo, mà bọn Tây nào có nể loại thi sĩ vườn như gã?

*

Chắc bạn đang phàn nàn về sự “tiền hậu bất nhất” của những dòng tản mạn này: đang nói nhăng cuội về thơ thẩn ở đoạn đầu, thình lình lại chuyển sang chuyện gã bạn trời đánh ở đoạn hai, hầu như chẳng có liên hệ gì đến nhau.

Ấy mà có đấy! Không phải thiên vị, nhưng tôi cứ hàm hồ mà đồn rằng thơ có sống được, có “thăng hoa” hay “lên ngôi” được giữa cái thời đại kỹ nghệ, anh-te-nét này, phải chăng, bên cạnh những nhà thơ “thứ thiệt”, một phần cũng vì có những kẻ a-ma-tơ gàn dở như gã bạn tôi?

Bạn thấy thế nào?

(1) Trong chương trình “Nửa thế kỷ Tân nhạc Việt Nam” ở nhà (năm 1994), cô gái dẫn chương trình đã hồn nhiên đọc tên ca khúc này là “Tiếng GIÀY trên sóc Bom-bo”. Hình như cũng chả ai buồn phản đối!

Hoàng Linh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn