NỮ SĨ ANH DORIS LESSING ĐOẠT NOBEL VĂN CHƯƠNG 2007

Thứ sáu - 12/10/2007 15:52

(NCTG) Theo quyết định tuyên bố ngày thứ Năm 11-10 của Hàn lâm viện Thụy Điển, giải Nobel Văn chương năm nay đã được trao cho nữ sĩ người Anh Doris Lessing, tác giả các tiểu thuyết có tiếng đã được dịch ra tiếng Hung như “Đứa con thứ 5” (The Fifth Child, Az ötödik gyermek), “Cỏ hát” (The Grass is Singing, Énekel a fű), “Sổ vàng” (The Golden Notebook, Az arany jegyzetfüzet)…

Doris Lessing

Hàn lâm viện Thụy Điển, trong đánh giá chính thức, nhận định Doris Lessing như “nhà văn có những trải nghiệm nhân sinh phụ nữ, người (trong các tác phẩm của mình) đã nghiên cứu nền văn minh bị chia cắt với sự hoài nghi và sức mạnh thấu thị”. Mừng sinh nhật lần thứ 88 vào ngày 22-10 tới, nữ sĩ người Anh được coi là đã “quan tâm đặc biệt đến bóng ma của một thảm họa toàn cầu buộc nhân loại trở về dạng sống sơ khai hơn, và điều này đã lặp lại nhiều lần trong các tác phẩm bà sáng tác những năm gần đây”.

Kể từ năm 1901 khi Nobel Văn chương được thành lập, Doris Lessing là người phụ nữ thứ 11 được trao giải; đồng thời, bà là nhà văn Anh thứ hai có vinh dự này trong vòng vỏn vẹn 3 năm (năm 2005, một đồng hương của bà, ông Harold Pinter, được Nobel Văn chương). Tên tuổi của Doris Lessing từng được nhắc đến nhiều lần như một ứng viên cho Nobel Văn chương, chẳng hạn, vào năm 2002, khi cuối cùng nhà văn Hungary Kertész Imre được giải.

Cha mẹ là người Anh, nhưng Doris Lessing chào đời tại Ba Tư (Iran ngày nay) và trưởng thành tại Rhodesia (từng là thuộc địa của Anh, nay là Zimbabwe). Trong sự nghiệp văn chương của mình, từ đầu đến cuối, Lessing được coi như người phát ngôn cho các dân tộc và sắc tộc bị áp bức. Từ năm 1949, bà định cư tại London và sáng tác nhiều tiểu thuyết, truyện vừa… theo phong cách hiện thực. Ngòi bút của Lessing mang đậm tính phê bình xã hội gay gắt, kèm sự lên án những biểu hiện phân biệt thực dân hóa và chủng tộc. Ngay loạt tiểu thuyết đầu tiên mang tính bán tự thuật của bà - “Những đứa trẻ của bạo lực” (Children Of Violence) cũng đã phản ánh quan điểm này.

Đối với Hungary, Doris Lessing cũng có những duyên nợ thú vị. Ngay từ trẻ, nhà văn đã là đảng viên Đảng Cộng sản Anh và có những tình cảm chân thành, hữu hảo với “nhân dân Liên Xô”. Tuy nhiên, việc Hồng quân Xô-viết dùng bạo lực đè bẹp cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc của Hungary năm 1956 khiến Lessing - cùng vô số trí thức khuynh tả phương Tây thời đó - lâm vào một khủng hoảng niềm tin và chính trị rất nặng nề. Ngày 7-11-1956, Doris Lessing đã gửi một thư ngỏ cho Boris Polevoy (*), thư ký Ban Đối ngoại Hôi Nhà văn Liên Xô, để ủng hộ sự nghiệp cách mạng của người Hung; dĩ nhiên, bức thư không có chút tác dụng gì đối với Moscow. Để phản đối sự can thiệp quân sự của Điện Kremlin vào Hungary, Lessing đã bỏ thẻ đảng…

Cùng các giải Nobel khác, Nobel Văn chương dành cho Doris Lessing cũng sẽ được vua Thụy Điển Charles Gustav XVI trao vào ngày 10-12-2007, nhân ngày mất của kỹ sư, thương gia Alfred Nobel, người lập ra các giải thưởng cao quý này. Ngoài văn bằng và huân chương vàng, các “ông/bà hàn” Nobel còn được nhận khoản tiền trị giá 1,1 triệu EURO.

Doris Lessing còn là người nhiều tuổi nhất được nhận giải Nobel. Năm nay, các đối thủ “nặng ký” của bà - theo nhận định của giới “am hiểu” - là Philip Roth (Mỹ), Amos Oz (Israel),  Haruki Murakami (Nhật Bản**) và Margaret Atwood (Canada).

(*) Nhà văn Liên Xô (1908-1981), tác giả “Truyện một người chân chính” khá nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam thời chiến tranh.

(**) Tác giả “Rừng Na Uy” - “cuốn tiểu thuyết tình yêu ngọt ngào u sầu” (Trịnh Lữ) - “nổi đình đám” ở Việt Nam.

H.Linh, theo các tư liệu Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn