CA KHÚC HUNGARY Ở NGOẠI QUỐC

Thứ sáu - 07/04/2006 00:42

(NCTG) Ba năm trước, vào những ngày cuối tháng Tư, báo chí Hung đã đưa tin ca khúc "Châu Âu" (Európa) của Varga Miklós lọt vào tầm ngắm của Slovakia và chính giới nước này định chọn nó làm "quốc ca không chính thức" của cuộc trưng cầu dân ý vào Liên hiệp Châu Âu của Cộng hòa Slovakia.

Seress Rezső và "bài ca chết chóc" của ông, "Chủ nhật buồn", ca khúc nổi tiếng nhất của Hungary trên trường quốc tế - Ảnh tư liệu

Seress Rezső và "bài ca chết chóc" của ông, "Chủ nhật buồn", ca khúc nổi tiếng nhất của Hungary trên trường quốc tế - Ảnh tư liệu

Thiết tưởng, một bài ca "trong nước", có lẽ cũng khó thành công gì hơn thế ở ngoại quốc. Tuy nhiên, không mấy ai nhớ rằng ngoài bài hát "Châu Âu", Hung cũng từng có nhiều ca khúc "vang bóng" khác trên trường quốc tế.
 
Lục địa già Châu Âu

"Châu Âu", bài hát nổi tiếng của Varga Miklós (lời Varga Mihály), sáng tác năm 1983, công bố năm 1984 và nổi tiếng ở châu Âu cuối thập niên 80 thế kỷ trước, lẽ ra đã trở thành giai điệu quen thuộc của mỗi người dân Slovakia trong cuộc vận động trưng cầu dân ý để nước này gia nhập EU năm 2003, nếu hai bên Hung và Slovakia thỏa thuận được với nhau về vấn đề bản quyền.

Varga Miklós

Dạo ấy, ca sĩ - nhạc sĩ Varga Miklós cho biết: thực sự, anh chỉ được biết đến cái tin này qua báo chí:

- Tôi vừa vui, lại vừa buồn. Vui vì một ca khúc của mình có thể làm được vai trò của một bản "quốc ca không chính thức" (nếu nó làm được điều đó). Buồn vì mấy lẽ. Thứ nhất, Hung cũng đã từng có trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU, mà chẳng ai nhớ đến bài hát. Thứ nhì, Slovakia muốn sử dụng bài hát mà có ai thèm hỏi tôi một câu đâu? Đây là sự chà đạp Luật Bản quyền, mà cũng không phải lần đầu! Ca khúc này đã được tôi đặt lời Anh ngữ; một ca sĩ Thụy Sĩ tự tiện hát nó, được bao nhiêu giải này nọ và còn dẫn đầu bảng phân hạng các nhạc phẩm được ưa thích nhất của nước này trong một thời gian dài. Mà thực ra, bài hát "Châu Âu" bây giờ, và hồi 1984, cũng không nhằm vào Liên hiệp Châu Âu: thông qua nó, tôi muốn nói đến nền văn hóa chung và sự gắn bó của toàn Châu Âu.

"Châu Âu" được dịch ra tiếng Slovakia và được biết đến dưới sự trình diễn của ca sĩ Boris Lettrich. Theo dự tính thời bấy giờ, bản tiếng Slovakia sẽ được phát nhiều lần trong ngày trên làn sóng điện Đài Phát thanh Slovakia, và sẽ được sử dụng tại nhiều cuộc hội họp, mít-tinh vận động cho Slovakia vào EU. Tuy nhiên, rốt cục, Varga Mihány, tác giả phần lời tiếng Hung của "Châu Âu" đã không đồng ý với bản tiếng Slovakia, cho rằng bản đó không phản ánh được bầu không khí và nội dung của bản gốc, vì thế phía Hung đề nghị Slovakia viết lại lời và nếu cần thì họ sẽ giúp đỡ. Đến khi ấy thì mọi thứ trở nên rắc rối: một số phần tử dân tộc cực đoan của Slovakia lên tiếng phê phán chính quyền về việc họ định dùng một bài hát Hung làm "Quốc ca EU" của Slovakia. Chính phủ Slovakia cảm thấy quá "nhiêu khê", nên đành từ bỏ ý định sử dụng "Châu Âu" trong cuộc trưng cầu dân ý của họ!

Nhiều người, khi được biết kết cục này, đã tỏ ý tiếc cho "Châu Âu". Dầu sao đi nữa, việc ca khúc của một chàng trai Hung 28 tuổi, được nhiều ca sĩ có tiếng ở ngoại quốc dưa vào chương trình của mình (như Bobby Kimball, ca sĩ ban nhạc "Toto"; Jack Bruce, ca sĩ, tay bass của ban nhạc huyền thoại "Cream"; hay Ian Anderson, ca sĩ của "Jethro Tull"...) cũng đủ khiến "Châu Âu" và người cha tinh thần của nó được vinh hiển!

Tuy nhiên, không phải nhạc phẩm của Varga Miklós là bài hát đầu tiên của Hung lùng lẫy trên trường quốc tế!

"Quốc ca" của những kẻ... ngán sống

Bài ca đầu tiên xuất phát từ Hung trên con đường chinh phục thế giới, hẳn là "Chủ nhật buồn" (Szomorú vasárnap), nhạc Seress Rezső, lời Jávor László và Seress Rezső.

Ra đời năm 1933 tại một tiệm ăn ở Budapest, trong vòng vài năm, "Chủ nhật buồn" đã lan khắp thế giới. Được biết đến với "phụ đề" "quốc ca của những kẻ tự tử", bái ca ảo não này trở nên khét tiếng vì nhiều người đã nghe nó lần cuối, trước khi tự tay kết liễu đời mình. Tờ "Thời báo New York" (New York Times) đã đưa tin về "mấy trăm" trường hợp như thế, và đích thân Sigmund Freud, nhà tâm lý học lừng danh, người cha của Phân tâm học, đã nhận thấy "Chủ nhật buồn" là một ví dụ hoàn hảo cho cái mà ông gọi là "hội chứng loạn thần kinh chức năng ngày Chủ nhật".

Nhờ vậy, "Chủ nhật buồn" đã được dịch lời ra hơn 100 thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt, Hoa, Quốc tế ngữ... Thính giả quốc tế được nghe bài ca dưới sự trình diễn của những danh ca thượng thặng như Billy Holiday, Louis Armstrong, Sammy Davis Jr., Josephine Baker, Tom Jones hay Björk... Rất nhanh chóng, người ra đồn đại rằng ca khúc được viết bằng cung đô trưởng này có một sức mạnh kỳ bí: ai nghe nó, rất dễ tự sát. Ở Mỹ, nhiều câu lạc bộ của những người ưa thích "Chủ nhật buồn" được thành lập, cho đến khi chính quyền phải cấm bài hát vì tác động của nó đến người nghe.

Tác giả ca khúc, nhạc sĩ Seress Rezső, cũng qua đời vì tự sát: năm 1968, ông đã nhảy từ cửa sổ căn phòng ở tầng bốn một tòa nhà tại thủ đô Budapest. Bị thương nặng và được đưa vào viện, nhưng không chết, ông đã tự vẫn một lần nữa, bằng cách tự thắt cổ mình bằng một sợi dây thép.

Chuyến ra đi của Máté Péter

Ca khúc lừng danh tiếp tới của Hung là bản "Ra đi" (Elmegyek) của Máté Péter (lời của S. Nagy István). Ra đời năm 1975, bài hát được dịch ra 8 thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Nhật và Hoa. Thế giới lần đầu tiên được biết đến ca khúc này qua bản tiếng Pháp (mang tựa đề "Nicolas") của nữ danh ca Sylvia Vartan và từ đó, "Ra đi" đã chinh phục giới yêu nhạc ở nhiều nước.

Ca sĩ, nhạc sĩ tài hoa mệnh yểu Máté Péter
Ca sĩ, nhạc sĩ tài hoa mệnh yểu Máté Péter

Người ta cho rằng sau khi qua đời, Máté Péter (và tác giả phần lời của ca khúc) đã được đề cử Giải Kossuth (giải thưởng cao quý bậc nhất của Hung trong nghệ thuật), vì thành công lớn của bản "Ra đi".

"Cô gái có mái tóc ngọc" và người Đức

"Cô gái có mái tóc ngọc" (Gyöngyhajú lány, 1969 - nhạc Presser Gábor, lời Adamis Anna) của ban nhạc nổi tiếng "Omega" cũng đã vượt biên giới Hung, và khá nổi dưới sự trình diễn của ban nhạc Đức "Scorpions", tuy nhiên lý do của nó có khác với những bài trên.

Mihály Tamás, cây bass của "Omega", cho biết: trong một thời gian dài, "Scorpions" từng là ban nhạc "dạo đầu" cho "Omega" trong các buổi diễn và từ thập niên 70, khi "Omega" đã nổi tiếng ở châu Âu và "Scorpions" thì chưa được nhiều người biết đến, giữa hai ban nhạc Hung - Đức đã có sự giao hảo rất thân thiện. Đên cuối những năm 70 thế kỷ trước thì "Scorpions" cũng nổi danh ở châu Âu. Năm 1994, trong một concert của "Omega" ở Budapest, "Scorpions" là khách mời và khi ấy, họ đã "phải lòng" ca khúc "Cô gái có mái tóc ngọc".

Ban nhạc 'Omega' chơi bản 'Cô gái có mái tóc ngọc' tại Liên hoan ca nhạc Yamaha lần thứ nhất (Nhật Bản, 1970)
Ban nhạc "Omega" chơi bản "Cô gái có mái tóc ngọc" tại Liên hoan ca nhạc Yamaha lần thứ nhất (Nhật Bản, 1970)

Hai bên đã thỏa thuận đàng hoàng, với sự có mặt của Hungaroton là hãng băng đĩa chính thức của Hungary thời bấy giờ và bản tiếng Anh mang tựa đề "White dove" (Bồ câu trắng) đã ra đời như thế, dưới sự trình diễn của "Scorpions".

Chuyện tác quyền

Cố nhiên, không mấy khi các bản nhạc của Hung được "xuất ngoại" một cách đàng hoàng như thế. Bản "Mười ngàn bước" (Tízezer lépés) của "Omega", chẳng hạn, đã bị "Boney M" đánh cắp một cách thô bạo!

Trả lởi phỏng vấn của báo chí, bà Várkonyi Ágnes, trưởng phòng Tư liệu của Hiệp hội Bảo vệ Tác quyền Hungary (mang tên Artisjus) cho biết: trường hợp bình thường thì tác giả của ca khúc sẽ thỏa thuận về tiền tác quyền với ai muốn hát lại bài hát, nhưng họ cũng có thể ủy nhiệm cho Hiệp hội làm việc đó. Tuy nhiên, trong thực tế, các bài hát Hung thường bị "nhái", bị "đạo" một cách trắng trợn ở nước ngoài!

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn