Nhật báo "Tự do Nhân dân" cho biết: trước nay, quy chế tị nạn ở Hung cho phép người nước ngoài có thể đệ đơn nhiều lần, và ở lại Hung nhiều năm khi chờ đơn được xét. Bởi lẽ, cho dù bị tòa án bác đơn, người xin tị nạn lại có thể tiếp tục nộp đơn mới và trong trường hợp đó, cơ quan chức năng lại phải thực hiện mọi thủ tục từ đầu.
Những năm gần đây, hàng năm, có chừng 1.500-2.000 người xin quy chế tị nạn ở Hung, song chỉ độ 100-150 người đủ tiêu chuẩn tị nạn theo Công ước Geneva. Những người còn lại, khi đơn bị bác, thường lại nộp đơn mới, nhiều khi chỉ để "kéo dài thời gian". Có những người đã nộp đơn tới 5 lần, và còn có thể nộp nữa, vì luật định hiện tại không thể buộc họ ra khỏi lãnh thổ Hungary.
Người xin tị nạn, trên nguyên tắc, phải được "bao" các khoản chi phí ăn ở tại các trại tị nạn; thủ tục xét đơn từ của họ cũng hết sức tốn kém. Tất cả đều do Cục Nhập cư và Quốc tịch chi trả - chẳng hạn, Hungary đã phải chi chừng 30 triệu Ft cho một gia đình đến từ một nước cộng hòa cũ của Liên Xô, và gia đình này đang giữ kỷ lục về tiêu tốn tiền của nhà nước Hung!
Trường hợp một công dân Slovakia cũng đặc biệt: anh này đã ba lần đệ đơn xin tị nạn, trong thời gian đó, Slovakia đã trở thành thành viên Liên hiệp Châu Âu và theo dự luật mới, Hungary có thể bác đơn anh lập tức, mà không cần phải xem xét. Ngoài ra, Hội đồng của EU còn có "một danh sách tối thiểu" - bao gồm tên các quốc gia được coi là an toàn -, và công dân các xứ đó sẽ bị bác đơn.
"Biểu dương lực lượng" trong Ngày Tị nạn Thế giới - Ảnh: Teknős Miklós
Dự luật mới của Hung vẫn cho phép nộp đơn tùy thích, nhưng sau lần thứ hai bị tòa ác bác đơn, đương sự sẽ phải rời Hungary và thủ tục xin tị nạn sẽ được tiếp tục cho dù đương sự không có mặt. Giải pháp này phù hợp với các chuẩn về tị nạn của Liên hiệp Châu Âu. Trong tương lai, cơ quan hữu quan Hung - trước khi xem xét đơn một cách cụ thể - trong vòng 15 ngày, sẽ kiểm tra một số yếu tố căn bản, chẳng hạn, xem đương sự có đến Hung thông qua một nước thành viên EU hay không? Nếu có, thủ tục tị nạn phải được diễn ra ở đó. Đơn tị nạn cũng sẽ bị bác ngay nếu đương sự không có mặt trong buổi thẩm vấn, hoặc cư trú tại một địa điểm nào đó mà không báo cáo. Giấu giếm giấy tờ tùy thân, khai man, v.v... cũng là những lý do khiến nhà chức trách có thể chấm dứt thủ tục xét đơn một cách nhanh chóng.
Dự luật tị nạn sẽ đưa ra một khái niệm mới: Cộng hòa Hungary bảo vệ những người xin tị nạn không thuộc phạm vi của Công ước Geneva, nhưng đưa họ hồi hương có thể khiến họ gặp nguy hiểm (ví dụ, có thể khiến họ bị án tử hình, bị hành hạ, tra tấn...) Khái niệm "tị nạn tạm thời" cũng được chính xác hóa: công dân các nước đang có chiến tranh, đụng độ vũ trang, hoặc ở các xứ sở mà nhân quyền bị vi phạm, nếu trốn chạy hàng loạt sang Hung, sẽ được Cộng hòa Hungary cho tị nạn tạm thời.
Chính phủ Hung đã đề nghị Quốc hội xem xét dự luật tị nạn một cách khẩn cấp, để thông qua và cho vào thực thi tháng Giêng 2008. Để phê chuẩn đạo luật này, cần sự đồng ý của hai phần ba số nghị sĩ Quốc hội.
H.Linh, theo "Tự do Nhân dân"
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn