RA MẮT CUỐN SÁCH KỶ NIỆM 60 NĂM QUAN HỆ VIỆT NAM - HUNGARY

Thứ bảy - 22/01/2011 23:17

Sau hơn 1 năm chuẩn bị và biên soạn, cuốn sách song ngữ “60 năm quan hệ Việt Nam - Hungary 1950-2010” đã được chính thức ra mắt tối 20-1 tại trụ sở ĐSQ Việt Nam tại Budapest.


Bìa sách “60 năm quan hệ Việt Nam - Hungary 1950-2010” - Ảnh: Trần Lê


Buổi ra mắt có sự hiện diện về phía Hungary của một số quan chức như Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Hóvári János (phụ trách các mối quan hệ song phương giữa Hungary và các nước Á, Phi và Cận Đông, cũng như phụ trách vai trò của Hungary trong các tổ chức quốc tế cùng hoạt động phát triển quốc tế, cứu trợ nhân đạo của nước này), hay ông Oláh Lajos (trưởng Nhóm nghị sĩ Hữu nghị Hungary - Việt Nam thuộc Quốc hội Hungary) cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, Ngành có liên quan tới Việt Nam.

Đặc biệt, phải kể đến sự có mặt của chừng 50 vị khách thuộc Hội Hữu nghị Hungary -Việt Nam, đa phần từng sang Việt Nam, hoặc đã tham dự Ủy ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế, giám sát sự thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam trong thời gian 1973-1975.

Trong số đó, có Viện phó Viện Kiểm sát Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Tối cao Hungary, Thiếu tướng Kovács Árpád; Chủ tịch Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam, Trung tướng đã nghỉ hưu, TS Botz László (từng là Cục trưởng Cục Quân báo Hungary), v.v...


Từ phải sang: Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, TS. Botz László và ông Hóvári János trong lễ ra mắt sách - Ảnh: Đông Xuân


Cũng có thể coi buổi ra mắt sách là sự khép lại của những hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hungary trong năm 2010, mà sự ra đời của cuốn sách này có thể coi là một sự kiện rất ấn tượng.

*

Sáu mươi mốt năm trước, vào những ngày đầu năm 1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với hàng loạt quốc gia trong khối XHCN (cũ), trong đó có Cộng hòa Nhân dân Hungary (nay là Cộng hòa Hungary). Động thái này mang tầm quan trọng nổi bật trong thời gian đó, và đã là tiền đề cho sự ủng hộ của khối XHCN (cũ) đối với miền Bắc Việt Nam trong thời gian xảy ra hai cuộc chiến thế kỷ trước.

Xuất phát từ Phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Quốc Dũng, ý tưởng cho ra đời một cuốn sách ghi nhận quá trình 60 năm đó được hình thành trong bối cảnh ấy, vào cuối năm 2009. Bởi lẽ, trong suốt 6 thập kỷ qua, chưa có một tư liệu nào mang tính tổng thể, phản ánh được nhiều nét đa dạng của mối quan hệ Việt Nam - Hungary.

Thêm nữa, cho đến nay, nhiều chứng nhân quan trọng của mối quan hệ đó đã ở ngưỡng thất tuần, bát tuần, tức là việc khai thác những hồi tưởng, và ghi nhận sự tham gia của họ trong mối quan hệ hai nước, có thể sẽ muộn nếu chậm trễ.


Ký giả Dunai Péter, từng có mặt tại Việt Nam trên cương vị phóng viên thường trú nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) và Hãng Thông tấn Hungary MTI thời gian 1981-1984, tác giả cuốn sách “Một trăm ngàn cây số tại Việt Nam” (Százezer kilométer Vietnamban), cùng Phu nhân Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng - Ảnh: Trần Lê


Trên cái nền ấy, cuốn sách “60 năm quan hệ Việt Nam - Hungary 1950-2010” đã được ra đời sau hơn 1 năm chuẩn bị, do ĐSQ Việt Nam tại Hungary chủ biên, với sự hợp tác bài vở của ĐSQ Hungary tại Việt Nam và nhiều tác giả từng là chứng nhân của các giai đoạn trong mối quan hệ 6 thập niên này. Sách song ngữ, khổ lớn, in màu, dày 230 trang với gần 200 bức ảnh - trong đó, có những tấm ảnh tư liệu rất quý về lịch sử quan hệ Việt Nam - Hungary.

Mục tiêu của sách là điểm lại mối quan hệ song phương đa dạng đó với những nét chính của nó, một mối quan hệ đặc biệt mà như Phó Quốc vụ khanh Ngoại giao Hungary đã phát biểu trong buổi ra mắt sách: ra đời một cách cưỡng bức trong hoàn cảnh đặc thù thời Chiến tranh lạnh, nhưng nó đã vượt qua mọi sóng gió chính trị, trở thành một mối quan hệ hữu nghị và rất hữu hảo cho đến ngày nay.

Về nội dung, sách được chia thành 5 phần lớn, mở đầu với lời tựa của Chủ tịch Việt Nam và Tổng thống Hungary, cùng hai Ngoại trưởng và hai Đại sứ.

Chiếm gần nửa sách là những bài viết tổng quan mang tính chính thức về quá trình hình thành và phát triển các mối bang giao Việt Nam - Hungary trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, với tham vọng đưa ra một bức tranh tổng thể với những dữ liệu thông tin tương đối chi tiết về quan hệ hai nước kể từ những năm 1950 đến nay.

Đây là nguồn tư liệu rất quý cho các cán bộ ngoại giao, những nhà nghiên cứu có quan tâm đến quan hệ Việt Nam - Hungary, tuy nhiên, các cựu DHS hoặc những người có duyên nợ đến hai mảnh đất Việt Nam - Hungary thì có thể quan tâm hơn đến phần sau của cuốn sách, đề cập tới khía cạnh cá nhân, gia đình, bạn hữu trong những mối quan hệ giữa hai nước.


Cán bộ, nhân viên ĐSQ Hungary tham gia dọn dẹp những khu vực đổ nát trong chiến tranh tại Hà Nội (năm 1972) - Ảnh: Almási Alfréd (Cựu Tham tán Công sứ ĐSQ Hungary tại Việt Nam)


Đó là những hồi tưởng, ký ức về những kỷ niệm và cảm nghĩ cá nhân của những người từng trực tiếp chứng kiến và tham gia vào các lĩnh vực của quan hệ hai nước, như các cựu đại sứ, những cựu du học sinh Việt Nam tại Hungary, những cựu quân nhân Hungary từng thực thi nhiệm vụ giám sát, kiểm soát việc thực hiện hòa bình tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, sách cũng mang tính “cầu nối hai dân tộc” với loạt bài phản ánh sự gắn kết từ tình cảm và việc làm của những con người cụ thể, như các thành viên cộng đồng người Việt tại Hungary, về các gia đình Hung–Việt và những mối tình Hung–Việt rất cảm động trong quá khứ, khi hoàn cảnh thời chiến đã không cho phép các cặp trai gái hai nước được đoàn tụ.

Cuốn sách cũng để một chương cho góc nhìn về đất nước, con người Việt Nam của những người Hungary có dịp tới thăm Việt Nam và ngược lại, cùng một số thi phẩm chọn lọc được dịch ra hai thứ tiếng.

Đây là lần đầu tiên, một cuốn sách song ngữ, có bài vở, hình ảnh được chọn lọc tương đối công phu, đến tay độc giả - chủ yếu là những đại diện có tiếng nói trong mối quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế, xã hội và văn hóa hai nước, nên nó có thể đem lại một cái nhìn tổng thể hơn về quan hệ Việt - Hung trong 60 năm qua.

Đặc biệt, cũng là lần đầu tiên, độc giả hai nước có thể biết đến sự tham gia và đóng góp của Hungary cho nền hòa bình Việt Nam vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Là một trong 4 nước thành viên của Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế (ICCS) được thành lập khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, Hungary là nước tích cực nhất trong nhiệm vụ giám sát ngừng bắn tại Việt Nam, cũng như, kiểm tra những vi phạm ngừng bắn, kiểm soát việc trao trả tù binh và giám sát sự giải trừ quân bị.


Cựu Cục trưởng Cục Quân báo Hungary, TS. Botz László, một “cựu chiến binh” Việt Nam, với tờ báo đăng bài về hoạt động gìn giữ hòa bình của ông và các đồng đội năm 1973 tại Nam Việt Nam - Ảnh: Trần Lê


Trong hơn 2 năm 1973-1975, đã có tổng cộng, 619 công dân Hungary - gồm các quân nhân, nhân viên dân sự và ngoại giao - thực hiện sứ mạng gìn giữ hòa bình tại Việt Nam. Trong số đó, nhiều nhà ngoại giao, ký giả sau này đã và đang nắm giữ những cương vị đáng kể trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của Hungary, và vẫn là cầu nối cho mối bang giao nhiều mặt giữa hai nước, hiện không còn đặt trên góc độ ý thức hệ, mà đã theo phương châm thực tiễn “đôi bên cùng có lợi”, nhưng vẫn trên cơ sở tình cảm và tin tưởng lẫn nhau của hai người bạn quen biết nhau từ nhiều năm.

Với việc ghi nhận những kỷ niệm và hồi ức trong quá khứ, để gợi mở trong hiện tại và hướng đến tương lai, theo đánh giá của đôi bên, cuốn sách đã vượt lên được khuôn khổ chính thức của những ấn bản ra đời phục vụ các dịp kỷ niệm, để trở thành một cột mốc đáng ghi nhớ trong quan hệ bang giao giữa hai nước.

(*) Bản tin đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn