HUNGARY: DÙNG TÌNH YÊU THƯƠNG ĐỂ KÊU GỌI TỰ DO

Chủ nhật - 16/01/2011 13:47

(NCTG) Với sự tham dự của chừng 10 ngàn người, cuộc biểu tình tại Quảng trường Kossuth - trước tòa nhà Quốc hội Hungary - đòi tự do báo chí đã diễn ra trong hòa bình, không xảy ra đụng độ và sự hiện diện của cảnh sát cũng khá chừng mực.


Đoàn biểu tình trước Nhà Quốc hội Hungary


Chúng tôi muốn dùng sức mạnh của đám đông để gây sức ép tới chính phủ để họ rút lại “Đạo luật Kiểm duyệt” đang có hiệu lực và đảm bảo tự do báo chí ở Hungary. Không phải trên không gian ảo, mà trong thực tế, tại Quảng trường Kossuth trước Nhà Quốc hội, từ 18 giờ ngày 14-1. Bạn hãy tham gia, nếu không đồng tình với đạo luật. Hãy đừng đến nếu bạn muốn thể hiện ý kiến liên quan đến các đảng phái” - đó là một đoạn trong bản kêu gọi mà Ban tổ chức cuộc biểu tình đã đưa ra.

Được tổ chức và vận động bởi nhóm “Một triệu người vì tự do báo chí” trên mạng xã hội Facebook, cuộc biểu tình đã thu hút được sự quan tâm của cư dân Hungary vượt xa mức mà Ban tổ chức dự tính, hy vọng (5 ngàn người), và hơn lượng người đã đăng ký tham gia trước đó (7 ngàn người).

Giống như trong cuộc biểu tình trước đó tại Quảng trường Tự do (ngày 20-12-2010) và cũng là hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (AI), nhiều người đã dùng băng dính dán miệng để phản đối Đạo luật Truyền thông mới của Hungary, bị coi là mang tính “bịt miệng” báo chí.

Bên cạnh giới trẻ, có khá nhiều cặp vợ chồng trung niên hoặc đứng tuổi cũng tới dự biểu tình. Có mặt tại hiện trường, PV của NCTG ghi nhận sự có mặt của không ít gia đình với các thành viên thuộc nhiều thế hệ, thậm chí, một vài cháu nhỏ ở tuổi mới thôi nôi cũng được bố mẹ kiệu trên vai để có những trải nghiệm đầu đời về dân chủ.

Con số 10 ngàn người biểu tình - mà cảnh sát ước tính và Ban tổ chức đưa lại - có lẽ tương đối khiêm tốn so với cảnh tượng một quảng trường rộng lớn chật kín người, đặc biệt là ở phần chính diện của Nhà Quốc hội: đám đông kéo dài đến tận phố Alkotmány. Ký giả của mạng tin origo.hu cho hay họ chỉ thấy vỏn vẹn 6 cảnh sát thực thi nhiệm vụ tại hiện trường - sự hiện diện của họ cũng khá thầm lặng.

Khởi đầu vào hồi 6 giờ tối, cuộc biểu dương lực lượng diễn ra rất trật tự và không xảy ra bất cứ lộn xộn nào. Thi thoảng, mới có những âm thanh vang dội, chẳng hạn như khi MC, ký giả Bakács Tibor đề nghị mọi người cùng hô vang “chúng ta đang ở đây, chúng ta đang ở đây”. Ngay cả khi rapper - thi sĩ Busa István dùng những giai điệu đặc thù mang tính kích động của thể loại Rap để kêu gọi tự do báo chí, thì bầu không khí vẫn khá trầm, ngoại trừ những tràng pháo tay.

Phần “chính thống” của cuộc biểu tình diễn ra khá nhanh gọn. Trưởng ban Tổ chức Fölker Róbert tuyên bố “Hungary hiện tại không có tự do báo chí, và nền dân chủ đang lâm nguy” rồi phát biểu ngắn gọn vài câu, theo đó, một phong trào dân sự chưa bao giờ tồn tại ở Hungary đã ra đời và chính giới không thể bỏ qua nó.

Tiếp đó, ca sĩ - nghệ sĩ điện ảnh và sân khấu Gryllus Dorka đọc Lời kêu gọi gồm 7 điểm của phong trào, đòi hỏi xét lại tính hiến định của Đạo luật Truyền thông và chỉnh sửa luật. Mang tính chất như một bản Thỉnh nguyện thư, Lời kêu gọi yêu cầu chính quyền đảm bảo tính độc lập chính trị của Cơ quan Quản lý Truyền thông, cũng như, đảm bảo sự độc lập của các tòa soạn phát thanh và truyền hình quốc gia.

Sau đó, như một hành động mang tính biểu tượng, Lời kêu gọi in trên một trang giấy rất đã được trưởng ban Tổ chức Fölker Róbert dùng đinh đóng lên tấm phông lớn có hình cửa ra vào Nhà Quốc hội, được dựng trên sân khấu ngay trước mặt chính diện của trụ sở cơ quan lập pháp Hungary trong tiếng vỗ tay của đoàn biểu tình.

Cùng lúc đó, MC Bakács Tibor còn buông lời châm biếm “trong đó không có lỗi chính tả đâu nhé” khiến đám đông ồ lên thích thú, vì ai cũng hiểu rằng câu nói đó nhằm vào Tổng thống Schmitt Pál, người đã mấy lần bị báo chí “bắt giò” vì các phát biểu của ông - khi chính thức đăng tải trên trang chủ của Văn phòng Tổng thống - có những lỗi chính tả và một số chỗ ngữ nghĩa nhầm lẫn, mù mờ.

Bakács Tibor cũng được hưởng ứng khi anh kêu gọi những người biểu tình và tất cả những ai không đồng tình với Đạo luật Truyền thông, hãy gửi thật nhiều điện thư tới địa chỉ orbanviktor (a-còng) (dừng lại và cười) orbanviktor chấm hu, vì “chúng tôi rất muốn server phải bị tắc nghẽn”. MC của cuộc xuống đường cũng cho biết, cuộc biểu tình sẽ được tiếp diễn vào tối 27-1 tại hiện trường và nhiều điểm khác trên toàn quốc.

Phần cuối của cuộc biểu tình, nhưng lại là những giây phút được chờ đợi nhất, là sự xuất hiện của ca - nhạc sĩ Bródy János, cựu thành viên đầu đàn của các ban nhạc huyền thoại Hungary “Illés”, “Fonográf” trong các thập niên 60-80 thế kỷ trước, người được coi là “Paul McCartney của nước Hung” với những nhạc phẩm giàu chất thơ, đầy ý nghĩa và chứa đựng nhiều nội hàm xã hội.

Với cây đàn guitar “mộc” trên tay, Bródy János trước tiên có lời xin lỗi vì giọng ông bị khản, “nhưng 40 năm trước tôi cũng đã từng bị khản, và về mặt chính thức thời đó cũng có tự do báo chí... cũng có dân chủ... chỉ có điều thay vì dân chủ của từng cá thể thì hồi đó có “dân chủ nhân dân”, “tập trung dân chủ”...” - những lời mào đầu của ông đã được đám đông hưởng ứng nhiệt liệt.

Rồi, rất nhiều người trong đoàn biểu tình đã lại có dịp cùng cất lời ca với Bródy János - tượng đài âm nhạc của nhiều thế hệ Hungary - khi ông hát lại “Miért hagytuk, hogy így legyen?” (Tại sao chúng ta để cho như thế) và “Ha én rózsa volnék” (Nếu tôi là bông hồng) - hai ca khúc tiêu biểu ca ngợi tình yêu tự do, tình yêu thương nhân ái ra đời 4 thập niên trước và đã làm nên tên tuổi ông bấy nay.

Bạn nghĩ rằng, chúng ta sẽ nghe những lời giả dối?... Bạn nghĩ rằng, chúng ta luôn luôn thứ lỗi? Bạn nghĩ rằng, chúng ta từ bỏ mọi giấc mơ?” (1), cả quảng trường ngập tràn trong những hoài niệm của một thời, của tuổi thanh niên sôi nổi và của tâm thức nổi loạn. Có những giọt nước mắt đã chảy trên gương mặt nhiều người đứng tuổi...

Đây là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất, cảm động nhất của một cuộc biểu tình kỳ lạ, kéo dài vỏn vẹn nửa giờ, không một bóng chính khách, không một khẩu hiệu, biểu ngữ mang tính hô hào đảng phái, không một lời kêu gào chửi bới, một chút thịnh nộ hay giận dữ:

Nếu như tôi là con đường
luôn là con đường sạch sẽ
Tôi khát khao trong đêm đen
được tắm mình trong ánh đèn
Và nếu như có một lần
xe xích sắt nghiền nát thân
Mảnh đất dưới chân tôi cũng
khóc và vỡ ra muôn phần

Nếu như tôi là lá cờ
sẽ không bao giờ tung bay
Tất cả cơn gió tới lay
sẽ làm cho tôi tức giận
Tôi chỉ hạnh phúc nếu như
được căng thẳng dưới trời cao
Và không là trò tiêu khiển
của bất kỳ cơn gió nào (2)

(1) “Miért hagytuk, hogy így legyen?” (Tại sao chúng ta để cho như thế - Nhạc: Illés Lajos & Lời: Bródy János).

(2) Trích bản dịch ca khúc “Ha én rózsa volnék” (Nếu tôi là bông hồng - Nhạc và lời: Bródy János) của Lâm Việt Tùng, từ Hà Lan.

Bài và ảnh: Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn