HUNGARY TRONG TÂM ĐIỂM CỦA KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH

Thứ hai - 09/02/2009 15:32

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế GKI (được EU tài trợ), kể từ khi những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có tác động đáng kể vào Hungary, chưa bao giờ dân Hung lại bi quan trong cuộc sống và tài chính như vào tháng 1-2009!

Các hãng sản xuất linh kiện xe hơi là nơi công nhân bị sa thải nhiều nhất - Ảnh: MTI

Một vài dữ liệu sau đây có thể lý giải cho sự bi quan ấy:

- trong 3 tháng cuối năm 2008, con số người thất nghiệp ở Hungary là 337 ngàn, tương ứng tỉ lệ 8%

- tính đến đầu tháng 2-2009, có chừng 24 ngàn người bị sa thải, 120 hãng lớn bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế đã phải sa thải hàng thoạt nhân công

- sự sa thải đặc biệt nhiều trong các hãng sản xuất linh kiện xe hơi, đồ điện tử, CD, các hãng sản xuất nhu liệu

- theo ước tính, con số người đã hoặc sẽ bị mất việc vì cuộc khủng hoảng tài chính sẽ lên tới 150-200 ngàn người, và nếu ai trong thời gian này bị mất việc thì trong vòng 2 năm tới, hoàn toàn không có hy vọng gì là họ có việc trở lại.

- nếu nền kinh tế Hungary không đạt được mức độ tối thiểu tăng trưởng 2-3% thì lượng việc làm sẽ vẫn giảm trên toàn quốc, Quỹ bảo Hiểm Xã hội sẽ thất thu chừng 400 triệu Euro và thị trường lao động sẽ còn lao đao trong nhiều năm.

- trong năm 2009, con số các doanh nghiệp mất khả năng chi trả sẽ tăng gấp đôi: có thể 6-7% các hãng xây dựng sẽ phá sản và nếư tính trong cả nền kinh tế, con số này sẽ là chừng  4%.

Tình trạng này dẫn đến bầu không khí rất ảm đạm trong cư dân. Rất nhiều người không có tiền chi trả khoảng tín dụng hàng tháng được mượn để mua nhà cửa, xe cộ và các mặt  hàng kỹ thuật gia dụng. Càng bi quan hơn là theo giới bình luận kinh tế, toàn vùng Đông Âu có thể là kẻ bại trận lớn nhất trong cuộc khủng hoảng này, với sự sút giảm GDP 5-10% hàng năm so với mức dự tính. (Con số này ở trường hợp Hungary là 2,5-3%).

Đấy là chưa nói đến chuyện tỉ giá giá nội tệ của Hung với các ngoại tệ mạnh, như Euro hay USD, vừa giảm ở mức lịch sự ở nước này, khi 1 Euro được hơn 300 Ft trong tuần ngày qua.

*

Như vậy, phải nói là tình hình kinh tế Hungary rất bi đát, mà thực ra quá trình khủng hoảng đã bắt đầu ở Hung từ năm 2006, khi ngân sách quốc gia bị thâm hụt nghiêm trọng!

Chính phủ Hung, để đối phó với tình hình trên, đã thành lập Trung tâm Phòng ngừa và Xử lý Khủng hoảng (KVVK) với sự điều hành của đích thân thủ tướng Gyurcsány Ferenc, các thành viên gồm ông Kiss Péter (bộ trưởng phụ trách Văn phòng Chính phủ), ông Bajnai Gordon (bộ trưởng Phát triển Kinh tế Quốc gia), bà Szűcs Erika (bộ trưởng Xã hội và Lao động), ông Veres János (bộ trưởng Tài chính), ông Tukacs István (đặc phái viên chính phủ, có nhiệm vụ xử lý các khu vực khủng hoảng của nền kinh tế). Trung tâm này sẽ họp định kỳ 2 tuần 1 lần, nhưng nếu cần có thể được triệu tập gấp rút, với nhiệm vụ chuẩn bị những quyết định liên quan đến luật đinh để giải quyết khủng hoảng, nếu cần để cứu vãn các doanh nghiệp lớn, nơi có đông người lao động thì Trung tâm có thể tự đưa ra những quyết định riêng.

Ngoài ra, để khuyến khích người lao động và các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, chính phủ Hung đã đề xuất các phương án giảm thuế má và bảo hiểm xã hội, những gánh nặng ghê gớm, được coi là nặng nề nhất Châu Âu. Theo kế hoạch này, khoản bảo hiểm xã hội và thuế thu thập cá nhân sẽ giảm, tuy nhiên, để bù vào khoản thiếu hụt trong ngân sách, chính phủ sẽ tăng thuế giá trị gia tăng, đánh thuế một số khoản trợ cấp xã hội và đưa vào thực thi thuế gia sản.

Tuy nhiên, ngay sau khi bày tỏ dự định, thủ tướng Hung đã gặp phải sự phản đối dữ dội của phe đối lập khi họ cho rằng, kỳ thực chính phủ Hung lại muốn "móc túi dân nghèo" 600 tỉ Ft, "khiến sự sống còn của hàng trăm ngàn gia đình lâm vào trạng thái nguy hiểm". Đảng đối lập lớn nhất, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) còn "dọa" rằng, nếu chính phủ thực sự muốn thực hiện kế hoạc này, thì hậu quả sẽ là "người dân sẽ nổi loạn", điều mà tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh cáo.

*

Một câu hỏi được đặt ra: IMF cũng như Liên hiệp Châu Âu đã và có thể làm gì để giúp Hungary?

Trong thực tế, có thể nói rằng ngoài gói tín dụng 25 tỉ USD mà nước Hung được nhận từ IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và EU, cùng một số cam kết là sẽ hỗ trợ Hungary những khi cấp bách, thì IMF cũng không thể làm gì được hơn. Ngoài IMF thì Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD), nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực, cũng sẵn sàng giúp đỡ các nước nghèo ở Đông Âu, trong đó có Hungary.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là tính chất khá... tùy thích của gói tín dụng của IMF, nghĩa là IMF và EU không xác định thật rõ ràng là để đổi lại, họ chờ những gì. Do đó, chừng nào các nhà đầu tư chưa được thấy những thỏa thuận khung cụ thể, chừng ấy họ vẫn ngại ngần hoặc tìm cách rút khỏi thị trường Đông Âu. Nhất là, trong trường hợp Hungary, được quyền sự dụng 25 tỉ USD một cách rất thoải mái bởi sự tin tưởng của IMF, thì theo thủ lĩnh phe đối lập, ông Orbán Viktor phát biểu trên nhật báo "Financial Times" (Anh), chính phủ Hung sẽ chỉ dùng khoản tiền đó để trả các món nợ ngoại quốc, chứ không làm gì để cứu vãn và cải thiện, chấn hưng kinh tế!

Từ một quốc gia hiền hòa, xã hội ổn định, những bất ổn trên chính trường và đặc biệt, cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài đã khiến ổn định chính trị, xã hội tại Hungary bị ảnh hưởng, tác động nghiêm trọng!

Nhiều tháng nay, hiếm có một tháng nào mà vấn đề bầu cử trước thời hạn, giải tán Quốc hội, thay đổi chính phủ... không được phe đối lập đưa ra một cách gay gắt. Gần đây nhất, đề xuất giải tán Quốc hội của đảng đối lập Liên đoàn Thanh niên dân chủ FIDESZ, trong 1-2 ngày, tưởng như đã có cơ hội, khi một trong hai đảng cầm quyền, Liên đoàn Dân chủ Tự do SZDSZ tỏ ra đồng tình ở một mức nào đó với đề xuất.

Chưa kể đến việc kinh tế suy sụp khiến một số tổ chức chính trị cực đoan, trước nay hoạt động hỗn loạn, nay tỏ ra có điều phối, kết nối hơn. Có ý kiến cho rằng trong cuộc bầu cử tới, có thể liên minh cực hữu sẽ là thế lực chính trị lớn thứ 3 tại Hung, sau Đảng Xã hội MSZP và Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ, nghĩa là có khả năng lọt vào Quốc hội. Một thống kê gần đây nhất cho thấy giới học sinh ngày càng ít khả năng cảm thông, hòa đồng, càng thù ghét chính trị và càng ít chấp nhận sự khác biệt sắc tộc, dẫn đến xu hướng thiên về những biện pháp mang tính bạo lực. Mới đây, việc lãnh đạo cảnh sát một thành phố lớn công khai tuyên bố rằng những vụ cướp bóc ngoài đường phố nơi ông sinh sống chỉ do người Tzigane thực hiện, cũng cho thấy quan niệm kỳ thị chủng tộc đã ở mức báo động tại Hungary.

Như thế, lối ra đối với Hungary, xem chừng còn rất xa!

Hoàng Nguyễn tổng hợp theo báo chí Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn