Thủ tướng Orbán Viktor vừa tròn 50 tuổi vào ngày hôm qua, 31-5-2013. Phe đối lập cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về tình trạng phi dân chủ, cũng như sự căng thẳng trên chính trường Hungary hiện tại - Ảnh: index.hu
Sau khi phát hiện ra lỗi này, lập tức Ủy ban Venice đã cho hạ xuống khỏi trang chủ của mình, nhưng nhật báo Hungary “Tiếng Dân” (Népszava) đã nhận ra và truyền thông Hungary đã đưa tin rộng rãi về bản dự thảo tờ trình, vốn dự định sẽ được công bố vào ngày 14/15-6 tới, trong phiên họp toàn thể của ủy ban quốc tế này.
Được biết, tờ trình dài 34 trang, bao hàm những chỉ trích, phê phán (tập trung trong 155 điểm) của các thành viên Ủy ban Venice - Christoph Grabenwarter (người Áo), Wolfgang Hoffmann-Riem (người Đức), Hanna Suchocka (người Ba Lan), Kaarlo Tuori (người Phần Lan) và Jan Velaers (người Bỉ) về lần tu chính Hiến pháp thứ tư, cũng như về hiện trạng Hungary sau kỳ sửa đổi này.
Bản báo cáo gồm 7 chương, thì có 6 chương phân tích kỹ lưỡng những
tu chính Hiến pháp lần thứ tư, và đặc biệt lưu tâm tới những thay đổi liên quan tới quyền hạn và hoạt động của Tòa Bảo hiến (Tòa án Hiến pháp). Những lập luận của tờ trình có lưu ý tới ba bản báo cáo chuyên môn do Chính phủ Hungary thực hiện.
Tờ trình của Ủy ban Venice dành một chương riêng về việc nội các Hungary đã “sử dụng” sự lập hiến để “bê-tông hóa” những quyết định riêng của họ như thế nào. Cạnh đó, tờ trình cũng nhắc tới việc, trong chuyến làm việc của Ủy ban tại Budapest, Chính phủ Hungary đã chỉ đưa ra được những lời bào chữa yếu ớt.
Thay vì những lập luận có nội dung, các chính khách phe chính phủ chỉ đưa ra được lập luận “Hungary có một Quốc hội độc lập”. Tờ trình nhấn mạnh: “
Ủy bao không bao giờ phủ nhận quyền thông qua hoặc tu chính Hiến pháp một cách độc lập của Quốc hội Hungary”.
Đồng thời, Ủy ban gọi Hiến pháp mới của Hungary là “
tuyên bố chính trị mang tính ngẫu nhiên”, và chỉ trích những sửa đổi được thông qua “
một cách thất thường” bởi một Quốc hội mà phe chính phủ chiếm đa số. Trong tờ trình, Ủy ban Venice thẳng thắn cho rằng tu chính Hiến pháp lần thứ tư là trái ngược với các chuẩn mực quốc tế, thậm chí, trái ngược với chính bản Hiến pháp.
Biểu tình phản đối kỳ tu chính Hiến pháp lần thứ tư - Ảnh: “Tiếng Dân Hoa Kỳ” (Amerikai Népszava)
Chủ yếu, Ủy ban cảm thấy đau đớn nhất là việc quyền hạn của Tòa Bảo hiến Hungary bị thu hẹp, điều mà theo họ, có ảnh hưởng tiêu cực tới nguyên tắc “tam quyền phân lập”, tới sự bảo vệ những quyền con người và nhà nước pháp quyền. Nền dân chủ được xây dựng trên cơ sở những phanh hãm và đối trọng đối với chính quyền, như thế, đã bị đe dọa.
Thành lập năm 1990, Ủy ban Venice là một tổ chức quốc tế chuyên đưa ra những tư vấn độc lập về Hiến pháp. Trực thuộc Hội đồng Châu Âu (EC) - một diễn đàn hiệp thương của các quốc gia Châu Âu - chứ không thuộc Liên hiệp Châu Âu và do đó, các quan điểm của họ không có sức mạnh về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, trong khi vai trò của EC ngày càng thuyên giảm với sự thăng tiến của EU, có thể coi Ủy ban Venice là định chế duy nhất của Hội đồng Châu Âu vẫn giữ nguyên được uy tín và tầm ảnh hưởng của mình. Sự độc lập và chuyên môn của Ủy ban Venice khiến những tờ trình của họ luôn có trọng lượng khi Châu Âu cần đánh giá về Chính phủ Hungary.
Nhắc lại, ngay sau khi Quốc hội Hungary
thông qua bản Hiến pháp mới bị coi là phi dân chủ trầm trọng và Châu Âu vừa đặt Hungary trong tầm ngắm trên hồ sơ Hiến pháp, Ủy ban Venice là
tổ chức quốc tế đầu tiên sang Budapest để tìm hiểu vấn đề và đưa ra ý kiến thẩm định...