Bao giờ cảnh sát Hungary được “mở mày mở mặt” như các đồng nghiệp?
Đạo luật Dân sự mới của Hungary gồm 1.600 điều khoản và sẽ có hiệu lực pháp luật từ ngày 15-3 năm tới. Liên quan tới những quyền cá nhân, luật mới quy định, từ thời điểm đó trở đi, muốn chụp ảnh bất cứ ai và công bố, cần hỏi ý kiến và được sự chấp thuận của người đó.
Vấn đề tưởng chừng đơn giản và hợp lý này dẫn đến một hệ quả: tại Hungary, từ nhiều năm nay, những thành viên các cơ quan công lực khi lên báo chí, truyền thông... đều bị che mặt. Giới chuyên môn cho rằng, với cách diễn giải luật này, Hungary hầu như đơn độc tại Châu Âu: có lẽ chỉ ở Azerbaijan mới có hiện tượng tương tự.
Với Bộ luật Dân sự mới, câu hỏi mà công luận và các cơ quan bảo vệ nhân quyền, dân quyền Hungary đưa ra bấy nay - “
Bao giờ cảnh sát Hung mới được lộ diện?” - dường như sẽ không có câu giải đáp trong một thời gian dài...
Cảnh sát có phải là “người của công chúng”?
Điều khoản sửa đổi nói trên đã luật hóa một quyết định của Tòa án Tối cao Hungary vào cuối năm ngoái, theo đó, những nhân viên công lực trong quá trình thực thi nhiệm vụ không được coi là “người của công chúng”, nên khi công bố ảnh hoặc lời nói của họ phải được sự đồng ý của họ. Ngoại trừ trường hợp, căn cứ vào tấm ảnh và lời nói, không thể xác định được họ là ai.
Luật Dân sự sửa đổi còn đi xa hơn một bước theo hướng thắt chặt, khi quy định bản thân việc chụp ảnh hoặc ghi âm cũng phải được cho phép. Trong thực tế, điều này hầu như không bao giờ xảy ra, nên cảnh sát Hungary trên truyền hình và báo chí bao giờ cũng xuất hiện với gương mặt bị che, và đây là điều bị giới bảo vệ dân quyền cho rằng “không đâu có trên thế giới”.
Vấn đề đưa hình ảnh cảnh sát ra sao trên truyền thông được coi là bắt đầu được đưa ra từ năm 2006, khi những cuộc biểu tình chống chính phủ lên cao trên cả nước và cảnh sát Hungary đã có nhiều trường hợp bạo hành người dân gây phẫn nộ trong công luận. Việc công bố những hình ảnh ở dạng có thể nhận diện những cảnh sát phạm luật đó trở nên cấp thiết đối với dư luận Hung.
Trước nay, theo Luật Dân sự Hungary, không cần sự chấp thuận của đương sự khi đăng tải ảnh của họ, nếu người đó được coi là “người của công chúng” - chẳng hạn, một chính trị gia, nhân sĩ, v.v... Khi đó, công bố hình ảnh của họ sẽ được nhìn nhận như quyền đương nhiên của báo chí, mà không vi phạm những quyền cá nhân của đương sự.
Với mong muốn hoạt động của cảnh sát phải hoàn toàn được công khai, giới truyền thông cho rằng, không thể coi việc đưa ảnh một nhân viên công lực trong quá trình họ thực thi công vụ là vi phạm hoặc đi ngược lại quyền cá nhân của đương sự, vì nó phục vụ những lợi ích chung của cộng đồng.
Còn không tính chính danh, khi cảnh sát không được lộ diện trên truyền thông?
Tuy nhiên, bấy nay, thực tiễn xét xử tại các phiên tòa Hungary cho thấy, giới tư pháp Hung quan niệm rằng, cảnh sát cho dù là người thực thi quyền lực công, nhưng lại không phải “người của công chúng”. Rất nhiều trường hợp, báo chí đăng ảnh cảnh sát không che mặt hoặc ở dạng có thể xác định được nhân thân, và bị đương sự kiện cáo, đã phải bồi thường những khoản tiền lớn.
Thậm chí, báo chí Hungary đã dùng cụm từ “
kiện cáo để sinh kế” để ám chỉ những cảnh sát khởi kiện vì lý do kiếm tiền, và để tránh những rắc rối khi dính đến lao lý, đa phần các tòa soạn đều chủ trương làm mờ hoặc che mặt các thành viên cơ quan Cảnh sát khi đưa hình ảnh họ lên báo.
Mâu thuẫn trong sự lý giải luật
Che mặt cảnh sát trên báo chí, truyền hình được coi là một động thái “thuần Hungary” vì không kể những quốc gia được coi là “cấp tiến” về mặt luật pháp như Hoa Kỳ, Đức, Pháp..., ngay tại Romania, Nga... cảnh sát cũng được xuất hiện một cách “toàn vẹn” trên các cơ quan truyền thông!
Có thể thấy ngay ở đây một mâu thuẫn rõ ràng, như các tổ chức bảo vệ nhân quyền của Hungary nhấn mạnh. Cảnh sát và thành viên các cơ quan công lực khác thực hiện quyền lực công từ tiền thuế của người dân, cho nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ, họ không còn mang tính chất “thường dân” và cá nhân nữa.
Thế nên, có thể theo quan niệm của cơ quan lập pháp, cảnh sát có không phải là “người của công chúng” đi nữa thì lẽ ra, khi thực thi công vụ, anh ta cũng không phải là một thường dân để có thể thụ hưởng những quyền cá nhân - trong đó có quyền được bảo vệ gương mặt và giọng nói - như bất cứ thường dân nào khác.
Bởi lẽ, một người đã nhân danh nhà nước, đại diện và thực thi quyền lực, đã có quyền thi hành những biện pháp cưỡng chế - tức là có khả năng hạn chế quyền cá nhân cơ bản của người khác - thì không còn có thể viện dẫn tới trạng thái “thường dân” mình để lẩn tránh sự giám sát của báo chí.
Ở đây, khả năng giám sát sự hoạt động của nhà nước đã được đặt ra. Trước đây, Tổ chức bảo vệ nhân quyền mang tên Hiệp hội vì các quyền Tự do (TASZ) đã nhiều lần cho rằng, ở Hungary không nhất thiết là do luật, mà là do cách lý giải luật khiến trong thực tế, cảnh sát không bao giờ được lộ diện trên truyền thông.
Tuy nhiên, do Bộ luật Dân sự mới “luật hóa” việc cấm chụp ảnh và công bố nếu không được phép của đương sự, đã khiến mọi cánh cửa, mọi cách nhìn khác trong vấn đề này đều khép lại. Cho dù, theo TASZ, trên cương vị một người thực thi quyền lực công, gương mặt và giọng nói của cảnh sát phải được coi là những dữ liệu công ích và do đó, phải được công khai hóa.
Báo chí có thể làm gì?
Nhiều nhà báo và “dân báo” (blogger) đã đặt câu hỏi: trong trường hợp luật ra khe khắt như vậy, người dân và báo chí có thể làm gì để kiểm tra quá trình thực hiện quyền lực của các cơ quan công lực? Bởi lẽ, cái mà người dân quan tâm, không phải là hình ảnh một chính khách phát biểu những câu hay ho, mà là việc cảnh sát hành động thế nào, chẳng hạn trong quá trình giải tán một cuộc tuần hành bất hợp pháp.
Khả năng lạm quyền, bạo hành dân phi pháp có thể sẽ tăng, khi cảnh sát không phải đối mặt với sự công khai. Khi họ có thể viện dẫn những quyền cá nhân của họ, để lẩn tránh một quyền được coi có tầm quan trọng hơn nhiều của người dân và xã hội: quyền giám sát hoạt động và sự công khai của bộ máy hành pháp, bộ máy nhà nước.
Một blogger nổi tiếng của Hungary cho rằng, luật mới đã giết chết ngạch ảnh báo chí, ảnh phóng sự vì trong thực tế, không thể tác nghiệp nếu trước khi bấm máy phải hỏi ý kiến nhân viên công lực, chìa cho họ xem tấm ảnh thế nào và nếu họ cảm thấy vừa ý, hài lòng và cho phép thì mới được đăng, còn nếu không thì họ có quyền thu máy và hủy ảnh.
Một khả năng lớn khác được đặt ra là đa phần giới ký giả chẳng dại gì đối mặt với nguy cơ bị kiện cáo ra tòa và bị nộp tiền phạt, nên sẽ tự kiểm duyệt và từ bỏ ý định chụp ảnh những hành vi xử lý của cảnh sát. Như vậy, độc giả sẽ không sao có được cái nhìn toàn diện và xác tín về nhiều sự kiện liên quan đến hoạt động của chính quyền.
“Hành quyết Sài Gòn” (Saigon Execution), bức ảnh nổi tiếng của phóng viên Eddie Adams hoàn toàn không có cơ hội được ra đời nếu phải tuân thủ luật mới của Hungary
Không ngần ngại gì, nhà “dân báo” nói trên đã cho rằng, hiếm thấy có gì ngu xuẩn hơn điều khoản thay đổi này của Bộ luật Dân sự Hungary. Xét trên tầm rộng hơn, anh liệt kê những tấm ảnh nổi tiếng nhất - có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới - trong lịch sử báo chí, mà nếu theo luật định của Hungary, đã hoàn toàn không có cơ hội được ra đời.
Trong số đó, có những tấm ảnh đầy ám ảnh của cuộc chiến Việt Nam - ảnh
tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan xử tử một đặc công Việt Cộng và bức ảnh về “Em bé Napalm”
Phan Thị Kim Phúc - hoặc hình ảnh
người biểu tình vô danh đứng chặn một đoàn xe tăng trong hơn nửa giờ ngày 5-6-1989 tại biến cố Mùa xuân Bắc Kinh...
Để kết luận, có thể dẫn lời ông Weyer Balázs, Chủ tịch Diễn đàn Các Tổng biên tập, trong cuộc thảo luận bàn tròn tổ chức ngay sau khi luật mới được phê chuẩn, khi ông cho rằng trong báo chí đúng là khó đưa ra được ranh giới giữa công và tư, vì mọi thứ phụ thuộc nhiều vào ngữ cảnh - bản chất của báo chí là như thế.
Tuy nhiên, theo ông Weyer, xét về căn bản, nhiệm vụ của báo chí vẫn là đưa được càng nhiều tin càng tốt và càng ít hạn chế càng tốt. Lý do của việc người Hungary ít tin tưởng vào hoạt động của cảnh sát một phần cũng vì trên báo chí, ngành Cảnh sát không được lộ diện một cách đàng hoàng trước công luận theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này!
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.