Báo chí Đức: ORBÁN CÓ THỂ PHÁ TAN EU

Thứ hai - 15/02/2016 02:36

(NCTG) Trong số báo cuối tuần, nhiều tờ báo Đức đã có bài về vai trò và thái độ của giới lãnh đạo Hungary trong cuộc khủng hoảng tỵ nạn quốc tế hiện tại.

Thủ tướng Orbán Viktor, người cầm đầu nhóm chống phá Merkel, theo báo Đức

Thủ tướng Orbán Viktor, người cầm đầu nhóm chống phá Merkel, theo báo Đức

Tờ “Bild am Sonntag” số ra ngày Chủ nhật 14-2 có bài tổng kết “Còn có thể cứu vãn Châu Âu hay không?” về tám quốc gia, trong đó phần về Hung của ký giả Sebastian Pfeifer chấp bút với nhan đề “Nước Hung của Orbán là nỗi hổ thẹn và hiểm họa lớn nhất của Châu Âu”.

Bài viết nhấn mạnh, Thủ tướng Orbán Viktor đã “làm nổ ra cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến Angela Merkel phải hành động”, và thủ tướng Đức, “người đã cho mở biên giới Đức và từ đó không thể đóng lại được”.

Nhà báo này cũng gọi ông Orbán Viktor là “kẻ thù quỷ quyệt nhất và tới giờ là lớn nhất” của bà Angela Merkel, và rằng Thủ tướng Hung “có thể phá tan Liên Âu”.

Tờ “Welt am Sonntag” ra hôm nay có bài tổng kết “Quyết định trên biển Aege” hàm chứa một nhận định: trước hội nghị thượng đỉnh EU tuần tới tại Brussels, không chỉ các nước ủng hộ “kế hoạch Merkel” nhóm họp riêng, mà khối “chống phá” (V4) cũng vậy.

Các nước cựu cộng sản khu vực Trung Âu này, thay vì ủng hộ giải pháp chung của EU, thì lại tìm cách dựa trên sự ủng hộ của Macedonia để khóa tuyến đường mà người tỵ nạn hay đi tại vùng Balkans.

Hai tác giả của bài báo, các ký giả Robin Alexander và Manuel Bewarder nhấn mạnh: đối với Thủ tướng Đức Merkel, “những người có ý kiến khác trong hàng ngũ đảng Merkel còn nguy hiểm hơn mấy xứ Đông Âu tụ tập quanh Orbán Viktor”, vị “hoàng đế đối nghịch”.

Còn tờ “Der Spiegel” số ra ngày thứ Bảy thì có bài “Tan rã”, nhấn mạnh rằng tại hội nghị thượng đỉnh EU tuần sau có thể diễn ra “một cuộc đối đầu chưa từng thấy”, và ông Orbán Viktor “ngay từ bây giờ đã thẳng thừng gây sự để chống lại thỏa thuận của Merkel với Thổ”.

Bài viết cho rằng, “liên minh với một vài nước Đông Âu, Thủ tướng Hungary tìm cách ngăn chặn làn sóng tỵ nạn chỉ bằng bạo lực”. Và lực lượng “chống Merkel” này có thể tìm thấy ngay trong liên minh cầm quyền cánh hữu CDU/CSU của Đức, cũng như trong hàng ngũ SPD.

Ông Orbán Viktor được mô tả trong bài viết của nhóm nhà báo Horand Knaup, Peter Müller, René Pfister và Christiph Schult như là người chống lại chính sách tỵ nạn của bà Angela Merkel ngay từ đầu, gọi nó bằng cái tên “luân lý đạo đức đế quốc”.

Orbán, cũng như Thủ tướng Slovenia Miro Cerar đều không muốn đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, và hoàn toàn không có ý ủng hộ một giải pháp mà thông qua đó, phải tiếp nhận người tỵ nạn Hồi giáo, theo nhận xét của bài viết trên “Der Spiegel” ngày 13-2 vừa qua.
 
Kể từ khi Nga oanh tạc Syria, ngày càng nhiều người tỵ nạn phải chạy loạn - Ảnh: Osman Orsal (Reuters)
Kể từ khi Nga oanh tạc Syria, ngày càng nhiều người tỵ nạn phải chạy loạn - Ảnh: Osman Orsal (Reuters)

Những chỉ trích nặng nề đối với Budapest diễn ra trong bối cảnh giới lãnh đạo Hung cho rằng, mối họa không chỉ đến từ biên giới phía Nam khi dân tỵ nạn lại nhập cảnh trái phép Hungary, mà còn đến từ Brussels, khi EU vẫn muốn “cưỡng bức” các nước nhận người tỵ nạn.

Thủ tướng Orbán Viktor trong phiên họp của nhóm dân biểu đảng cầm quyền trong Quốc hội, nhắc tới một thỏa thuận giữa EU và Thổ, theo đó Liên Âu có thể nhận trực tiếp 400-500 ngàn người tỵ nạn hiện đang ở Thổ (cho tới giờ Ankara đã nhận 2,6 triệu người từ Syria). 

Và Hungary thì phản đối điều này. Ông Orbán cũng nói thêm, ông đã ra chỉ thị củng cố hàng rào ngăn biên giới, và chuẩn bị xây thêm hàng rào dọc biên giới Romania để ngăn làn sóng tỵ nạn mới, mà theo Thổ là có thể đến nửa triệu người, nếu không tìm được giải pháp quốc tế cho khủng hoảng Syria.

Trần Lê tổng hợp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn