Hungary: CHIẾN DỊCH KÍCH ĐỘNG THÙ HẬN THEO ĐƠN ĐẶT HÀNG

Thứ ba - 09/02/2016 18:49

(NCTG) Con số người xin tỵ nạn ở lại Hungary là không đáng kể, nhưng chính quyền Hung vẫn tìm cách duy trì sự ác cảm đối với họ: thông qua hệ thống “chân rết” của đảng cầm quyền FIDESZ, “Trung ương” đã gửi xuống các chính quyền địa phương một “bài văn mẫu”, để các nơi này có thể bày tỏ sự phản đối trước chính sách tỵ nạn của EU.

Nhiều triệu người Syria phải rời quê hương để trốn cuộc nội chiến đẫm máu từ năm năm nay - Ảnh: ujszo.com

Nhiều triệu người Syria phải rời quê hương để trốn cuộc nội chiến đẫm máu từ năm năm nay - Ảnh: ujszo.com

Sự phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch (...) làm gia tăng nguy cơ tội phạm và khủng bố, đe dọa nền văn hóa và an ninh thường nhật của chúng ta (...). Chúng tôi đề nghị chính phủ hãy dùng mọi công cụ có thể để ngăn chặn sự lan tràn của dân di cư bất hợp pháp, và sự phân bổ họ theo hạn ngạch bắt buộc. Hãy bảo vệ nước Hung và người dân Hung”.

Trên đây là một đoạn trong nghị quyết mới được thông qua gần chục ngày nay của Chính quyền Tự quản TP. Harkány (ở miền Nam nước Hung), nhằm phản đối sự phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch mà Liên Âu chủ trương. Cũng có thể tìm thấy nội dung giống hệt như thế trong nghị quyết của nhiều chính quyền tự quản địa phương khác trên toàn nước Hung.

Điều đó không lạ, vì đây chính là một phần trong “bài văn mẫu” do chính phủ gửi đi để các nơi “tham khảo”, theo tin của mạng index.hu, và về cơ bản chỉ cần điền tên của địa phương, là có một “nghị quyết” để thông qua. Trong thực tế, đa số các địa phương đều gật đầu chấp thuận, hoặc vì đồng tình, hoặc vì muốn bày tỏ sự trung thành với chính phủ.

Việc đưa vấn đề này lên bàn nghị sự và để các thành viên Hội đồng Đại biểu bỏ phiếu chấp thuận nhìn chung không phải là chuyện khó vì, như index.hu bình luận, địa phương nào không thông qua sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, về mặt cá nhân, không phải ai cũng đồng tình với những “nghị quyết” bị coi là được nhất trí theo “đơn đặt hàng”, “lệnh trên” này.

Quan điểm phản đối đó đã được ông Katanics Sándor, cựu dân biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Đại biểu Chính quyền Tự quản TP. Veszprém đăng tải công khai trên trang cá nhân của ông, khi địa phương ông cũng đưa ra một “dự thảo nghị quyết” để thông qua, mà ông coi là “một trong những quyết định đáng hổ thẹn nhất trong vòng hơn 25 năm qua”.

Nghị quyết mà chính quyền TP. Veszprém đề xuất, theo lời ông Katanics, được “xây dựng trên sự sợ hãi của người dân”, “và nếu một đại biểu đối lập nào đó dám nói tới tình thương, lòng nhân đạo Ki-tô giáo, thì kẻ ấy sẽ bị dìm xuống bùn đen một cách tàn nhẫn bởi truyền thông thân FIDESZ ở địa phương, hoặc thứ truyền thông do FIDESZ giật dây từ tiền công quỹ”.

Thị trưởng TP. Veszprém, thành viên FIDESZ, “cần phải hổ thẹn, cũng như cả cái Hội đồng Đại biểu đã làm trò này”, ông Katanics khẳng định. Tuy rằng, theo ông, “cố nhiên tôi không nghi ngờ gì về việc cái bản mặt của họ không hề có chút ngượng ngập, cũng như, họ sẽ cũng không có chút áy náy lương tâm, vì để làm được điều đó phải có một lương tâm lành mạnh”.

Thể chế này đã khiến đa số cư dân bị lường gạt, bị thông tin sai trái bằng tiền công quỹ, tin rằng những người tỵ nạn - mà đa số phải chạy trốn để cứu mạng mình, mạng con cái mình - muốn chiếm nước Hung, muốn dùng vũ lực để bắt chúng ta theo Hồi giáo. Trong cái thể chế ấy, không còn chút tia lửa nào của tình thương Ki-tô giáo”, ông Katanics cay đắng khẳng định

Họ chỉ thấy trước mắt những lợi ích chính trị, và từ đó, họ muốn kiếm phiếu - từng lá phiếu nhỏ nhặt nhất - một cách không thương tiếc. Nhưng cố nhiên, điều đáng sợ là họ sẽ gieo thật sâu những hạt hận thù...” - vị đại biểu chính quyền địa phương bày tỏ sự quan ngại của mình, và lý giải một cách cụ thể những gì ông cho là chính quyền đã lường gạt người dân:

Không ai bảo là chúng ta phải tiếp nhận tất cả mọi người mà không có sự kiểm soát. Không ai đề nghị chúng ta phải tạo cơ hội cho bọn khủng bố định cư. Brussels có một quyết định được đa số đồng tình, và đề nghị chúng ta hợp tác, một khi chúng ta tuyên bố là chúng ta thuộc về Châu Âu và muốn sống đời như một phần của Châu Âu có văn hóa.

Nhưng tình thế ở đây lại hoàn toàn ngược lại. Không ai thèm đến Hung tỵ nạn. Mà giới trẻ Hung, những người có chuyên môn tốt, một bộ phận lớn của giới trí thức hiện nay đang muốn chạy trốn sang các nước khác
”, ông Katanics nhắc tới một thực tế, khi một tỷ lệ lớn người lao động Hung cho hay nếu có điều kiện, họ muốn rời quê hương ra nước ngoài làm việc.

Còn chính phủ thì cứ điềm nhiên tiêu tiền thuế dân để ngày càng bành trướng sự hận thù dựa trên cơ sở sự hoảng sợ, và nói về việc bảo vệ Châu Âu, trong khi ngay Đức Giáo hoàng cũng bị coi là kẻ thù chung vì ngài có thể cúi xuống với những kẻ nghèo khó và bị xua đuổi” - vị đại diện Hội đồng Đại biểu nói, và cho hay ông sẽ không tham gia trò này của chính quyền.

Chính phủ Hungary, ngay từ đầu, đã nỗ lực trở thành thủ lĩnh nhóm V4 (Visegrád 4, hội tụ các quốc gia cựu cộng sản vùng Trung Âu gồm Hung, Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia) trong quan điểm phản đối gay gắt chính sách phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch do Liên Âu đề xuất. Budapest cũng đã kiện EU lên Tòa án Công lý Châu Âu trong vụ này.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn