Trong thư, bà đại sứ Szemerkényi Réka đề xuất rằng, để tránh thủ tục kiện tụng mà phía Hung có thể sẽ tiến hành, “Thời báo New York” cần có sự đính chính cho một khẳng định sai trái đã được tờ báo đưa ra trong một
bài phóng sự đầu tháng 1 năm nay.
Như NCTG
đã đưa tin, một bài viết đăng trên tờ báo Mỹ về những khổ ải và bạo hành mà phụ nữ tỵ nạn gặp phải trên đường tới Châu Âu thuật lại trường hợp một phụ nữ Syria đã bị một gác tù Hung đánh bất tỉnh vì cô khước từ sự tán tỉnh của người này.
Phía Hung cho rằng điều này không thể xảy ra vì ngoài một số người tỵ nạn là đàn ông được tạm xếp chỗ ở trong các nhà tù, trại giam ở Hung, thì không có ai trong số phụ nữ tỵ nạn phải ở tại các nơi đó, nên họ không thể chạm trán với gác tù để rồi bị bạo hành.
Nhận xét về câu chuyện, giới bình luận cho rằng chứng tỏ việc phụ nữ tỵ nạn bị bạo hành tình dục là điều vô cùng khó, vì đa số hổ thẹn và sợ không dám thổ lộ điều này, và do khác biệt về tập tục và văn hóa, nên họ gần như hoàn toàn không biết mình có quyền gì.
Trong nhiều trường hợp, người tỵ nạn còn không biết mình đang ở nước nào, và những người mặc quân phục hành hung họ có thể là cảnh sát, quân nhân, dân phòng hay nhân viên cơ quan thi hành án, thậm chí dân thường, nhưng điều này họ không thể biết chính xác.
Trả lời báo chí Hung, tác giả bài báo, ký giả Katrin Bennhold cho hay, câu chuyện mà cô ghi lại do chính em gái của nạn nhân kể, và cô em gái này đã tận mắt chứng kiến sự bạo hành. Tuy nhiên, Katrin chỉ biết đến thế, cố nhiên cô không thể kiểm tra những tình tiết này.
Lý do là bởi vì cả nhân chứng và nạn nhân đều không muốn tiết lộ danh tính vì sợ rằng nếu câu chuyện vỡ lở, họ sẽ bị gia đình và cộng đồng cho là loại “gái lẳng lơ” và dễ bị trừng phạt nặng nề. Do đó, không thể biết chính xác chuyện diễn ra khi nào, và cụ thể ở đâu.
Trong thư gửi báo chí Hung, Katrin Bennhold nói rằng cô rất sửng sốt khi nghe các phụ nữ tỵ nạn rất hay phàn nàn rằng họ bị các nhân viên chính quyền của Hungary, Serbia và Macedonia đối xử tệ bạc và tàn ác, họ bị đánh đập, cướp tài sản và cưỡng bức tình dục.
Khi được hỏi, nhiều phụ nữ tỵ nạn - trong đó có nhân chứng của vụ bạo hành mà chính quyền Hungary phủ nhận - còn nói rằng, tại các quốc gia kể trên, cảnh sát và những nhân viên canh gác thường lui tới, ra vào những nơi họ bị tạm giữ, bất kể giờ giấc trong ngày.
Katrin Bennhold cho rằng đó là sự thiếu để tâm tới không gian cá nhân và “
tạo ra bầu không khí khiến phụ nữ tỵ nạn luôn hoảng sợ”. Nói thêm là tại một hội thảo, các tình nguyện viên giúp đỡ người tỵ nạn cũng kể lại nhiều câu chuyện tương tự về sự bạo hành của cảnh sát.