Một cảnh trong cuốn video giả mạo
Sự giả mạo bị chứng tỏ là có liên quan tới nhiều đảng đối lập, khiến nửa năm trước cuộc tổng tuyển cử Quốc hội vào mùa xuân sang năm, phe đối lập vốn đã yếu ớt, không đoàn kết, nay lại càng rơi vào cảnh khó xử và khả năng chiến thắng liên mình cầm quyền bị giảm thiểu.
Bê bối trên khiến hàng loạt nhân vật phải từ chức, tờ tuần báo buộc phải công bố nguồn tin, điều mà họ chưa từng làm trong lịch sử tồn tại của mình, và Quốc hội với hai phần ba số dân biểu thuộc các đảng cánh hữu cầm quyền đã lập tức đưa ra một dự luật theo hướng gia tăng kiểm duyệt và hạn chế tự do ngôn luận tại Hungary.
Cuộn băng ghi hình định mệnh
Sự việc xảy ra vào ngày 18-10-2013 khi ấn bản trực tuyến của “Tuần báo Kinh tế Thế giới” (HVG) công bố một đoạn clip dài 9 phút, với nội dung phản ánh việc có thể đã xảy ra mua phiếu cử tri trong cuộc bầu cử giữa kỳ của chính quyền tự quản TP Baja, một đô thị nhỏ nằm ở miền Nam Hungary.
Clip dường như được quay bằng điện thoại di động vào hôm 12-10, một ngày trước khi cuộc bầu cử được tổ chức. Một người đàn ông trong vai trò môi giới đã hứa trả 50 ngàn Ft và 2m3 củi cho một nhóm Tzigane nếu trong kỳ bầu cử tới, họ và gia đình lại bỏ phiếu cho một ứng viên thuộc đảng cầm quyền FIDESZ.
Cần nói thêm là tại TP Baja, kỳ bầu cử giữa kỳ này đã được tổ chức lần đầu vào tháng 9-2013, nhưng do có sự vi phạm và kết quả bị bãi bỏ nên phải tổ chức lại. Trong clip, người môi giới nọ còn đặt lên bàn 200 ngàn Ft cho bốn người đàn ông Tzigane, như thể để trả công cho họ đã bầu cho ứng viên FIDESZ trong đợt trước.
Tuần báo HVG, khi đưa tin, đã bình luận rằng đây là bằng cứ không thể chối cãi về việc đảng cầm quyền FIDESZ đã tổ chức mua phiếu bầu. Bởi lẽ, nội dung đoạn clip cho thấy nhóm Tzigane thực ra muốn bầu cho liên danh của phe đối lập và người môi giới đã thuyết phục họ bằng cách đưa tiền kèm theo những lời hứa hẹn.
Kết quả, trong cuộc bầu cử được tổ chức lại hôm 13-10, ứng viên của FIDESZ vẫn thắng sát nút phe đối lập, tuy nhiên, căn cứ clip được đăng tải, đảng đối lập lớn nhất là Đảng Xã hội Hungary MSZP đã lên tiếng đòi xóa bỏ kết quả này, và lớn tiếng chỉ trích phe cầm quyền, coi đó là “
điều chưa từng thấy trong các nền dân chủ Châu Âu”.
Ngược lại, FIDESZ cho rằng đây là một âm mưu được bày đặt một cách có tổ chức với ý đồ bêu xấu đảng cầm quyền. Đại diện FIDESZ ở TP Baja bác bỏ những cáo buộc, và cho hay là một cư dân trong vùng, khi có người đến nhân danh FIDESZ gạ sẽ biếu 10 tạ củi hoặc sửa lại nhà cửa cho cử tri nếu bỏ phiếu cho ứng viên FIDESZ, đã tố giác lên cảnh sát.
Trong vụ này, FIDESZ đã báo cảnh sát rằng có người mạo danh mình, và đại diện FIDESZ thấy rằng vụ việc diễn ra trong clip rất giống những gì mà cư dân nọ phản ánh. Theo đảng cầm quyền, “
thật tồi tệ là cánh tả Hungary sau hai kỳ bầu cử thất bại vẫn không chịu chấp nhận ý nguyện cử tri trong vùng, và dùng đến những “kỹ thuật” khốn nạn nhất”.
Khủng hoảng truyền thông
Sau hai ngày, trong cuộc điều tra được mở vì tội danh vu khống, bôi nhọ, cảnh sát Hungary qua điều tra đã kết luận cuộn băng là giả mạo, được quay theo sự dàn dựng, sắp đặt. Đảng FIDESZ kiện mạng HVG ra tòa, và các đảng phái lao vào cáo buộc lẫn nhau rất dữ dội quanh vấn đề nguồn gốc, xuất xứ và mục đích của cuốn băng.
Mạng HVG rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có sau gần 35 năm tồn tại, trên cương vị tờ báo chính trị và kinh tế, tài chính hàng đầu của Hungary. Ngay sau khi cảnh sát có kết luận, HVG đã ra tuyên bố thừa nhận họ đã phạm phải sai lầm hết sức thảm khốc và không thể tha thứ về mặt chuyên môn khi đăng tải một clip dàn dựng.
Đặc biệt, khi đoạn băng đó có nội dung cáo buộc một chính đảng, và coi đó là bằng chứng đương nhiên của sự lừa đảo của đảng này trong một cuộc bầu cử. Ông Gavra Gábor, TBT mạng tin - một nhà báo nổi tiếng và giàu kinh nghiệm, đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm đăng tải clip trong ngày hôm đó - lập tức đệ đơn từ chức.
Tuy nhiên, bi thảm nhất đối với HVG là họ đã phải quyết định cung cấp nguồn tin, một việc mà tờ báo chịu rất nhiều phê phán. Chính bản thân HVG cũng cho là điều này đi ngược lại nguyên tắc bảo vệ ký giả, bảo vệ người cung cấp thông tin, được coi thiêng liêng và mang tính “chính thống”, bất di bất dịch đối với báo chí điều tra.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng giám đốc HVG, ông Szauer Péter thừa nhận rằng trong trường hợp hết sức đặc biệt này, lợi ích làm trong sạch đời sống xã hội cao hơn việc giữ kín nguồn tin, và chính tờ báo cũng tin chắc rằng cuộn băng video là giả mạo, nên họ đã có lựa chọn đó. Mặc dù đối với họ - một tờ báo lớn hàng ngày có hơn 300 tin, bài, ý kiến... – đây là điều đau đớn.
Có điều, nguy hại hơn cả với tự do báo chí và ngôn luận là nhân bê bối này, nhóm dân biểu đảng cầm quyền FIDESZ trong Quốc hội đã đề xuất siết chặt Bộ Luật Hình sự theo hướng trừng phạt với khung hình phạt 1 năm tù giam đối với những ai tạo dựng âm thanh và hình ảnh thất thiệt hoặc giả mạo gây ảnh hưởng đến uy tín người khác.
Dự luật còn muốn phạt nặng hơn đối với những người tạo điều kiện để hành vi phạm tội này được thực hiện, hoặc phát tán, lan truyền trước công chúng những âm thanh và hình ảnh đó, vi phạm trầm trọng lợi ích của cá nhân hay tổ chức. Cho dù đến phút cuối, khía cạnh này được bỏ khỏi dự luật, tuy nhiên luật mới đã được thông qua sẽ vẫn mang tính đe dọa đối với truyền thông!
Sự dính líu của phe đối lập
Sự tiết lộ nguồn tin của tờ HVG có thể đem tới thất bại cho phe đối lập - cánh tả, trung tả Hungary - trong cuộc tổng tuyển cử mùa xuân năm tới, khi ngày càng có nhiều bằng cứ cho thấy nhiều thành viên các đảng này có dính líu tới việc dàn dựng cuộn băng video giả mạo nọ, dù các đảng đều phủ nhận là có một âm mưu bôi nhọ đảng cầm quyền như thế.
Theo những gì tờ HVG thú nhận, sau khi nhận được một cú điện thoại, TBT mạng tin này đã cùng một đồng nghiệp tới trụ sở Đảng Xã hội Hungary MSZP, đảng đối lập lớn nhất, để nhận cuộn băng từ ông Déri Balázs, Giám đốc Thông tin của nhóm dân biểu đảng này trong Quốc hội, đồng thời cũng từng là một ký giả đã giữ cương vị TBT hai mạng tin trực tuyến.
Theo lời ông Déri, khi trao cuộn băng ghi hình cho tờ báo HVG - mà ông không biết là băng giả - ông đã căn cứ những nguyên tắc bất thành văn của báo chí điều tra khi cho rằng đây là điều cần giữ bí mật, và do đó ông đã không thông báo với bất kỳ ai trong Đảng Xã hội Hungary. Vì vậy, MSZP trước sau vẫn phủ nhận sự liên quan trong vụ này.
Bê bối video dàn dựng đã khiến cả ông Déri Balázs nói trên, lẫn Phát ngôn viên Török Zsolt của Đảng Xã hội Hungary phải từ chức. Một yếu nhân của đảng này thừa nhận, họ quá dở, lỡ rơi vào một cái bẫy và đây là một sai lầm nghiêm trọng. Lẽ ra, một đảng muốn lên nắm quyền trong năm tới không được phép bất cẩn đến mức như vậy!
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là, ai làm giả cuốn băng đó trước khi nó rơi vào tay một nhân viên cao cấp của Đảng Xã hội Hungary? Những phát biểu của người trong cuộc cho thấy, mặc dù các nên đổ lỗi cho nhau, nhưng các “chủ mưu” đều thuộc về các đảng đối lập, hiện đang mong muốn liên kết với nhau chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới.
Dường như chủ định của bên “đặt hàng” là làm ra một cuốn phim mang tính “giả tưởng” với mục đích thể hiện sự hình dung và ngờ vực - hoặc giả thiết - của giới truyền thông về việc phe cầm quyền đã “mua lá phiếu” như thế nào tại TP Baja trong cuộc bầu cử lần đầu, mà sau Tòa án đã hủy kết quả vì có những vi phạm pháp luật và buộc phải tổ chức lại.
Chưa rõ ý đồ trên còn những gì ở sau nó hay không, và mục đích cao nhất của cuốn bằng video là gì, nhưng hậu quả của bê bối này có lẽ đã vượt khỏi tầm kiểm soát của phe đối lập, khiến các đảng này vốn dĩ không mạnh, không đoàn kết, nay lại càng có nhiều chia rẽ và uy tín suy giảm nặng nề, sự xác tín bị đánh mất...
*
Có thể rút ra kết luận gì cho sự việc này?
Một bộ phận của công luận Hungary tin rằng với quyền năng gần như tuyệt đối trong tay, liên minh cầm quyền có thể và sẵn lòng làm bất cứ điều gì họ muốn. Cuộc bầu cử chính quyền tự quản TP Baja - lần đầu vào tháng 9 vừa qua - có những dấu hiệu khiến cả truyền thông và nhiều nhà phân tích cho rằng có nguy cơ của sự “mua phiếu”.
Căn cứ vào tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu được coi là cao bất ngờ trong một cuộc bầu cử mà tầm quan trọng chỉ vừa phải, truyền thông Hungary cho là có dấu hiệu của việc tác động, gây ảnh hưởng tới lá phiếu cử tri. Do đó, một tờ báo như HVG, muốn giám sát sự hoạt động của nền dân chủ, sẽ không bỏ qua một cuộn băng mà họ cho là bằng cứ của sự lừa đảo trong bầu cử.
Sai lầm của tờ báo này là đã vội vã đăng tải, không kiểm tra tính xác thực của thông tin, và có lẽ cũng không nghĩ tới một sự dàn dựng như thế từ một nhóm chính khác. Hậu quả nghiêm trọng đến với cả tờ báo lẫn các chính đảng đối lập là bài học cho sự bất cẩn này, diễn ra cả ở những nhà báo dày dạn kinh nghiệm, và các đảng phái lớn đang ráo riết tranh cử...
(*) Bản tin đã đăng trên RFI.