TÔI ĐI NGHE GIÁO SƯ VĂN

Thứ ba - 14/01/2014 22:00

(NCTG) “Đọc mấy dòng về Văn, tôi lại càng run rẩy rời rạc tay chân khi biết anh là chuyên gia hàng đầu thế giới về toán học rời rạc - sợ là sợ cho vui thế thôi, chứ cũng chẳng biết nó là cái mô tê gì”.


GS. Vũ Hà Văn trong buổi mạn đàm giáo dục tại Budapest (13-1-2014) - Ảnh: Trần Minh Tâm

Tôi không biết Văn, dù cũng là sinh viên ở Hung vào những năm 80-90.

Hôm trước TBT báo NCTG Hoàng Linh có gọi điện, mời đi dự buổi “gặp mặt thân mật” với GS.TS Vũ Hà Văn, tôi cứ đắn đo mãi. Đã học ngành xã hội, giờ lại chuyên nghề buôn bán, có đi thì cũng làm sao hiểu nổi những vấn đề cao siêu trừu tượng, những định lý, phương trình loằng ngoằng mà họ sẽ nêu ra?

Đọc mấy dòng về Văn, tôi lại càng run rẩy rời rạc tay chân khi biết anh là chuyên gia hàng đầu thế giới về toán học rời rạc - sợ là sợ cho vui thế thôi, chứ cũng chẳng biết nó là cái mô tê gì. Cuối cùng thì tôi cũng quyết định đi vì bạn bè rủ đi đông, âu cũng là dịp “tụ tập”.

Nhà hàng Hoa Sen tối hôm đó gần chật cứng người dự, và lạ là rất đúng giờ. Lướt qua mấy gương mặt mà tôi được biết, khiếp, toàn những cao thủ “vang bóng một thời” về kết quả học tập, hiện đang giảng dậy trong các trường đại học của Hung hay làm việc cho những cơ quan lớn của bạn, một số lãnh đạo công ty tư của mình.

Trộm nghĩ, có anh nào rách việc lên danh sách thống kê học vị của mấy anh chị ngồi dự đây, tổng kết lại có khi vượt điểm khối cái hội nghị khoa học lớn ở nhà.

Sau khi TS. Giáp Văn Chung có đôi lời giới thiệu về GS. Văn, một giáo sư trẻ với khuôn mặt thông minh, hiền lành trong chiếc quần bò, áo sơ-mi đời thường, không một chút hoành tráng bóng bẩy, tôi thấy hơi yên tâm hơn.

Khi giáo sư bắt đầu nói chuyện với giọng nói nhỏ nhẹ và chất giọng trong trẻo Hà Nội gốc, với cách diễn đạt rất dễ hiểu, duyên dáng, đôi khi pha chút hài hước, với cách giải thích vấn đề rất thực tế, không mông lung, trừu tượng hóa, cuộc tọa đàm đã lôi cuốn một anh trung bình kém toán như tôi chăm chú nghe suốt hơn hai giờ liền, quên cả cái bụng đói meo lúc đầu giờ.

Có một vài đề rất hay mà tôi nhớ được, xin tản mạn thêm cả ý kiến của mình.

Một sinh viên cựu chuyên toán hỏi giáo sư về vấn đề các “lò luyện thi” Toán Quốc tế mà gần đây báo có đăng. Theo giáo sư, các nước tiên tiến mà giáo sư được biết cũng có quan tâm đến các giải Olympic Toán Quốc tế, nhưng mục đích đầu tiên của họ không phải đi đấu để giành huân chương.

Đại đa số những người dự thi đều tự tình nguyện đăng ký thi, chính quyền sẽ hỗ trợ nhiều trong việc dự thi, nhưng họ chả lập “” luyện nào cả. Chính vì vậy, các nhà toán học Israel hay Anh tuy rất giỏi, nhưng nếu đếm huân chương Olympic thì có mà đếm qua đêm vẫn chưa bằng nửa số huân chương của đội ta.

Tôi mới chợt nhớ cách đây vài năm, con gái mới học lớp Ba, ông bố (tôi) vẫn với tinh thần “đấu chọi” được mang từ nhà sang, cứ giục con đăng ký đi thi toán. Rình rình thời điểm đăng ký mãi, rồi bẵng đi vụ Noel, mải bán hàng, quên mất, thế là con mình không được đi thi. Đến lớp hỏi và có ý trách cô giáo, cô nói tỉnh bơ là thi hay giải chả là cái gì, cô cũng không để ý nên quên, quan trọng là con anh nó có gì trong đầu.

Một anh hỏi về các giải thưởng mà giáo sư nhận được, làm sao họ biết giáo sư mà họ tặng? Giáo sư giải thích quá trình xét giải thưởng của các cơ quan chức năng "nước bạn" rất cặn kẽ. Trên cơ sở các công trình nghiên cứu và đăng báo, cộng với ý kiến của các giáo sư đầu ngành, Hội đồng xét duyệt sẽ bỏ phiếu kín và trên cơ sở kết quả đó họ sẽ thông báo trao tặng các giải thưởng danh giá hết sức khách quan.
 

Tác giả Ngô Quý Dũng (phải) trong buổi giao lưu với GS. Vũ Hà Văn - Ảnh: Trần Minh Tâm

Ở ta, thường phải tự lập hồ sơ, tự nêu lên các thành tích vượt bậc của chính mình, đưa lên xét duyệt, tác động này nọ và rồi nhận giải thưởng hay danh hiệu. Đấy nên vừa rồi có bác anh hùng khai 17 thành tích thì mất 15 cái giả, 2 cái gần đúng.

Hoặc mới năm nào báo có đăng về một đội chuyên môn đi “” lo danh hiệu, giải thưởng, bằng khen, tiền nào của ấy, có mấy bác muốn có danh hiệu cao, nộp cho vài cân tiền, khi nó biến mất tăm mới biết là bị lừa, mất cả tiền lẫn danh. Không có lửa sao có khói!

Về vấn đề giáo dục ở Việt Nam, tôi tâm đắc nhất câu nói của giáo sư: “Bây giờ nhiều thầy của thầy của thầy… ở ta trình độ vẫn còn non nớt”, và cái đó dẫn đến chất lượng giáo dục kém. Các giáo sư rất ít nghiên cứu. Dậy học không có nghĩa là chép sách giáo khoa lên bảng.

Quá chuẩn! Ấy thế mà theo kết quả PISA vừa rồi anh Hung phải xách dép cho ta đấy nhé, thua xa về thứ bậc. Bên cạnh kết quả ngời ngời ấy vẫn có những bài toán “chặt ngón tay” hay “thủ hôn” trong các trường tiểu học làm dậy sóng trên mạng thời gian gần đây, vậy là sao.

Còn nhiều nhiều ý của giáo sư mà tôi rất tâm đắc trong buổi nói chuyện vừa rồi, nhưng cái làm cho tôi ấn tượng nhất là cái trình độ Văn-Võ , Văn-Toán song toàn của giáo sư, cái này thực sự xưa nay hiếm.

Còn chuyện chị em tấm tắc khen giáo sư đẹp trai thì để họ giải quyết!

Ngô Quý Dũng, Budapest - Ngày 14-1-2014


 
 Từ khóa: Vũ Hà Văn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn