Thư ngỏ gửi GS. Vũ Hà Văn: “MÔN TOÁN CẦN PHẢI ĐƯỢC GIẢM TẢI…”

Thứ hai - 13/01/2014 13:52

(NCTG) “Trẻ em ngày nay đang bị biến thành những cái máy đi học, còn các gia đình thì tốn bao tiền của cho các em học thêm những kiến thức không cần cho các em trong cuộc sống cũng như tương lai. Và thế hệ những cái máy đi học ấy sẽ trở thành những người chủ nhân như thế nào của xã hội tương lai, thật sự chúng tôi không dám tưởng tượng đến”.


Ngay chương trình học của học sinh Tiểu học cũng đã bị quá tải - Ảnh: Internet


Lời Tòa soạn: Ngay trước khi diễn ra buổi giao lưu và mạn đàm giáo dục của cộng đồng Việt Nam tại Hungary với GS. Vũ Hà Văn, NCTG nhận được một thư ngỏ của một phụ huynh từ Hà Nội gửi giáo sư, chia sẻ một góc nhìn về hiện trạng giáo dục Việt nam, đặc biệt là giáo dục môn toán trong nhà trường phổ thông. Nhận thấy những ý kiến được đề cập trong thư có thể bổ ích, NCTG xin đăng tải lá thư để bạn đọc tham khảo và cùng trao đổi! (NCTG)

*

Giáo sư Vũ Hà Văn thân mến,

Những năm vừa qua, với sự ngưỡng mộ một tài năng của đất nước, tôi vẫn lặng lẽ theo dõi và vui mừng với những thành tích của anh trong nghiên cứu khoa học cũng như các đóng góp của anh đối với nền khoa học (mà cụ thể là toán học) của nước nhà.

Qua một số bạn bè, tôi được biết hôm nay anh sẽ có một buổi mạn đàm với bà con trong cộng đồng người Việt ở Hungary về các vấn đề giáo dục. Tuy không nắm rõ phạm vi và nội dung cụ thể mà anh và bà con bên ấy sẽ đề cập, tôi cũng xin phép thông qua các anh chị bên Hung gửi tới anh một đề nghị tha thiết, thay mặt cho một số các cha mẹ và giáo viên có tâm huyết với nền giáo dục nước nhà và với hạnh phúc của trẻ em Việt Nam.

Kể cũng hơi khác lạ là thư lại được chuyển tới anh qua “đường vòng” (thông qua các anh chị ở bên Hung), nhưng thú thật là cũng khó có điều kiện tiếp cận với anh trong các chuyến thăm Việt Nam ngắn ngủi và bận rộn của anh. Chính vì vậy, rất mong anh thông cảm.

Xin được kể với anh về một sự bất thường đã xảy ra trong giáo dục Việt Nam khoảng mười năm trở lại đây.

Trước kia, một điều hiển nhiên mà ai cũng thấy đó là con em các gia đình trí thức - nhất là các gia đình mà có bố mẹ làm thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư - bao giờ cũng học rất giỏi. Thế hệ của tôi và anh và nhiều thế hệ sau chúng ta đều là minh chứng cho điều hiển nhiên ấy. Lý do thì chắc chúng ta không cần phân tích: yếu tố di truyền, điều kiện sách vở, sự quan tâm của các gia đình trí thức đối với việc học hành của con v.v… Tất cả những cái đó khiến cho trẻ em trong các gia đình trí thức cao cấp bao giờ cũng học dễ dàng và xuất sắc, nhất là học môn toán.

Vậy mà mười năm trở lại đây, có một điều ngược lại đã xảy ra. Đó là con em của các gia đình như thế lại đang trở thành những đứa trẻ có vấn đề về lực học nhất khi đến trường. Rất nhiều các cháu trong số này đang đánh vật với môn toán tiểu học và trung học ở trường phổ thông. Nhiều cháu đứng thứ nhì hay nhất lớp – nhưng là xếp từ dưới lên. Và bố mẹ của các cháu thì hoặc tối về phải kèm con học toán một cách chật vật, hay phải tìm một gia sư nào đó để làm hộ công việc này cho mình.

Do đặc thù công việc của tôi và chồng tôi, chúng tôi có rất nhiều bạn bè là các nhà khoa học có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, đang nắm giữ những vị trí khá quan trọng trong các đơn vị, tổ chức nghiên cứu ở trong nước. Nhưng khi gặp nhau hỏi chuyện, phần lớn câu chuyện của họ là những cái thở dài, lắc đầu ngán ngẩm vì con sợ và không học nổi môn toán. Phần lớn các cháu khi lên cấp 3 đều lựa chọn khối D làm khối thi đại học, và các ngành mà các cháu lựa chọn làm nghề nghiệp tương lai sau này cũng thường là công việc thuộc lĩnh vực kinh tế hay khoa học xã hội chứ vô cùng ít các cháu đăng ký vào khối ngành khoa học tự nhiên. Các con chúng tôi cũng không là ngoại lệ.

Nguyên nhân nào dẫn đến sự bất thường này? Và tại sao điều bất thường này chỉ tồn tại trong vòng khoảng một thập niên trở lại đây?

Xin ngược trở lại thời gian cách đây khoảng hơn mười năm, không biết Giáo sư có nghe nói đến vụ từ chức của ông Nguyễn Kế Hào, Vụ trưởng Vụ Tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo lúc đó. Vụ từ chức này được các báo đăng tải rộng rãi, với câu nói nổi tiếng của PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào: “Tôi từ chức vì không muốn làm điều thất đức!”. “Điều mà ông Vụ trưởng Vụ tiểu học khi đó cho là “thất đức” chính là Chương trình Tiểu học 2000, thực chất là sự lừa dối trẻ thơ của một số người nhằm trục lợi cá nhân” (trích nguyên văn từ bài báo “Tôi từ chức vì bị đẩy đến bước đường cùng” đăng trên báo “Dân Trí” ngày 10-8-2006).


GS. Vũ Hà Văn trong một buổi thuyết giảng tại Viện Toán học Việt Nam - Ảnh: Internet

Điều cảnh báo của PGS Nguyễn Kế Hào ngày càng trở nên rõ ràng sau hơn mười năm đưa chương trình SGK năm 2000 vào thực hiện cho cả 3 cấp phổ thông. Chúng ta đang ngày ngày chứng kiến trẻ em phờ phạc từ sáng đến chiều ở trường, từ chiều đến tối ở lớp học thêm để đánh vật với việc học hành và làm bài tập, đặc biệt là môn toán. Nếu ngày xưa trẻ em đi học hoàn toàn tự lực cánh sinh trong việc học môn Toán và giải bài tập toán, thì ngày nay thật hiếm có trẻ em nào, kể cả ở thành phố lẫn nông thôn có thể tự làm được việc này.

Và lý do chủ yếu đó là chương trình và nội dung SGK (năm 2000) mà bậc học phổ thông đang sử dụng có quá nhiều kiến thức hàn lâm, phức tạp, cao siêu, không phù hợp với sự phát triển tư duy và tâm sinh lý của trẻ cũng như không thiết thực với cuộc sống tương lai của các em (phần lớn sẽ không được các em dùng đến sau khi ra khỏi trường phổ thông). Trong khi đó, các kỹ năng và kiến thức để chuẩn bị cho cuộc sống và nghề nghiệp sau này lại không hề được dạy và bồi dưỡng.

Điều khiến chúng tôi, những người làm cha mẹ, vô cùng lo lắng không phải là điểm số hay xếp hạng của các con ở trường, ở lớp. Cái mà chúng tôi lo lắng nhất là gánh nặng học hành đã lấy hết thời gian cho con cái chúng tôi được học cách thương yêu và quan tâm đến ông bà, bố mẹ, anh chị em và những người xung quanh, học và rèn giũa những kỹ năng để làm người, để trở thành những công dân có trách nhiệm của xã hội trong tương lai.

Trẻ em ngày nay đang bị biến thành những cái máy đi học, còn các gia đình thì tốn bao tiền của cho các em học thêm những kiến thức không cần cho các em trong cuộc sống cũng như tương lai. Và thế hệ những cái máy đi học ấy sẽ trở thành những người chủ nhân như thế nào của xã hội tương lai, thật sự chúng tôi không dám tưởng tượng đến.

Xin quay trở lại với đề nghị tha thiết của chúng tôi đến anh, cũng như đến GS. Ngô Bảo Châu, là hai tài năng toán học của nước nhà và đang góp phần phát triển ngành toán như một môn khoa học quan trọng của Việt Nam. Mong các anh chuyển những lời đề nghị tha thiết dưới đây của chúng tôi đến với các vị lãnh đạo ngành giáo dục:

1. Không phổ cập tài năng toán học trên cả nước như tình trạng hiện hành: các anh hơn ai hết hiểu rõ rằng không phải mọi trẻ con đều có khả năng học toán và trở thành nhà toán học. Môn toán cũng không cần thiết cho tất cả các ngành nghề trong xã hội. Nền kinh tế của chúng ta chắc chắn cũng không cần tất cả mọi người trở thành nhà toán học.

Chúng ta cần rất nhiều nông dân, công nhân, chúng ta cần cả ca sĩ, nhà thơ, cầu thủ đá bóng v.v… và những người có thiên hướng sẽ làm những nghề này nên được dành thời gian ngay từ khi còn nhỏ để trau dồi năng lực cho những nghề nghiệp này hơn là bắt họ học toán cao cấp. Môn toán cần phải được giảm tải càng sớm càng tốt để cho trẻ em từ thành thị đến nông thôn đều có thể “tự học” chứ không cần đến sự trợ giúp của bố mẹ hay gia sư. Nếu chưa thể viết ngay SGK mới, đề nghị cho sử dụng SGK toán của chương trình trước kia. Một chương trình mà hầu hết các trẻ đều có thể tự học.


2. Dành một thời gian đáng kể ở trường cho các môn học xây dựng ý thức công dân, kỹ năng sống, nền tảng kiến thức văn hóa cho trẻ em để trong tương lai đất nước ta sẽ có những thế hệ công dân biết sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội, biết hành xử một cách văn minh trong một xã hội hiện đại và một thế giới toàn cầu hóa.

Thời gian của anh là vô cùng quý báu, thư tôi viết cũng đã là quá dài. Rất mong anh, một nhà khoa học có tài và có tâm với đất nước, giúp đỡ chúng tôi đưa những đề nghị tha thiết này tới các vị lãnh đạo của ngành giáo dục và nếu anh có tham gia xây dựng sách giáo khoa môn toán cho Đề án Đổi mới Giáo dục, mong anh hãy giúp xây dựng một chương trình mà tất cả các trẻ em đều có thể tự học.

Xin gửi tới anh lời cám ơn chân thành của cá nhân tôi cũng như của các gia đình đang có con đi học!

Xin chân thành cám ơn các anh chị bên Hungary đã chuyển giúp lá thư tới GS. Vũ Hà Văn!

Trân trọng,

Quỳnh Hoa, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn