KHI CỰU ĐẠI TÁ RA TÒA

Thứ năm - 09/01/2014 16:47

(NCTG) “Nếu muốn nhìn những việc làm của ông Trọng như một thứ nghĩa hiệp giang hồ thì lại càng không nên. Là người nghĩa hiệp, ông ta có sẵn sàng cứu những người oan sai mà bất chấp hy sinh thân mình, chứ không phải cứu mỗi anh trai?”.


Cựu đại tá Dương Tự Trọng khi bị dẫn giải khỏi phòng xét xử


Vụ án của ông Dương Chí Dũng và ông Dương Tự Trọng choán hết sự quan tâm của dư luận trong tuần. Không đợi đến khi tòa tuyên án ông Dương Tự Trọng 18 năm tù vì đã tổ chức cho anh mình đi trốn, ngay từ khi ông Trọng bị bắt đã xuất hiện những bài viết bày tỏ sự cảm thông với sự “nghĩa khí” của ông này với anh trai.

Đây đó trong các bài viết như vậy là những tình cảm xót thương và cả cảm phục ông Dương Tự Trọng đã xả thân cứu anh. Tiếc thay, lẽ ra không nên xem chuyện ông Trọng cứu anh trai mà hy sinh sự nghiệp như một câu chuyện đáng cảm phục.

Để cứu anh trai mà chấp nhận chà đạp lên cả pháp luật, trong khi đang mang trọng trách của một người chấp pháp là điều rất đáng chê trách. Nếu có chăng một tình cảm nào đó, nên là chia buồn với gia đình ông ta vì đã rơi vào một cảnh tan nát vì chính việc làm của cả hai anh em.

Nếu muốn nhìn những việc làm của ông Trọng như một thứ nghĩa hiệp giang hồ thì lại càng không nên. Là người nghĩa hiệp, ông ta có sẵn sàng cứu những người oan sai mà bất chấp hy sinh thân mình, chứ không phải cứu mỗi anh trai? Những việc làm của ông Trọng đơn thuần chỉ là một thứ tình cảm gia đình rất đỗi tự nhiên, không hơn không kém!

Nếu có ai đó không nhớ, vào thời điểm “trận đánh đẹp” diễn ra ở nhà ông Đoàn Văn Vươn, ông Trọng đang là Phó Giám đốc Công an Hải Phòng và là một trong những chỉ huy tại “mặt trận”.

Việc sai những tay chân trong giới giang hồ đưa ông Dũng đi trốn có thể cho thấy sự nối kết chặt chẽ giữa người đứng trong hai vị trí đối nghịch. Khi những tay giang hồ chấp nhận làm theo lời của “đại ca” dù biết đó là phạm pháp thì hẳn trước đó đã chịu nhiều ơn mưa móc.

Không cần phải có chứng cứ cụ thể, bằng một suy luận thông thường của một người chịu nhìn thẳng vào sự việc, ai cũng có thể đặt câu hỏi có bao nhiêu người lương thiện trong xã hội đã, đang và sẽ là nạn nhân của quan hệ công an - giang hồ?


Ông Trọng, khi còn giữ cương vị Phó Giám đốc Công an Hải Phòng, trong “trận đánh đẹp” cưỡng chế đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn


Việc đưa đời tư của ông Trọng lên mặt báo với chi tiết ông có “bồ nhí” và con riêng có thể không nên làm nếu ông là một công dân bình thường. Với vị trí của một quan chức cấp cao trong một ngành đòi hỏi các tiêu chuẩn về đạo đức, việc báo chí nêu ra những chi tiết này, ngược lại, khiến người ta có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về sự tha hóa của một sĩ quan.

Vì vậy, thứ tình cảm mà nhiều người dành cho ông Trọng, ngỡ là hào sảng, thật ra chỉ là một thứ phức cảm ngưỡng mộ của kẻ yếu đối với người có quyền lực.

Có một sự trùng hợp khá lạ lùng tại phiên tòa xử ông Dương Tự Trọng. Khi ông Trọng ra tòa với một chiếc áo rất thời trang với logo và tên gọi của ban nhạc “Black Flag” trước ngực, không hiểu liệu có phải ông đang chuyển đến ai đó một thông điệp ngầm?

“Black Flag” là ban nhạc rock được biết đến với bài hát “Police Story” (Câu chuyện cảnh sát). Bài hát này có nội dung nói về sự đấu tranh giữa những người dân bị áp bức với những cảnh sát tha hóa, biến chất. Cuối cùng, ca khúc kết thúc trong hình ảnh người dân yếu thế bị áp tải ra trước vành móng ngựa.

Có phải là một sự trùng hợp kỳ lạ với kết cục mà cựu Đại tá Công an Dương Tự Trọng nhận hôm 8-1, hay đó chính là thông điệp “ngầm” của ông Trọng? Nếu quả thực ông Trọng sành nhạc rock như vậy thì cũng nên khen ông - một trong những chỉ huy tham gia “trận đánh đẹp” ở nhà ông Đoàn Văn Vươn năm nào - là người có tâm hồn nghệ sĩ.

Trung Bảo


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn