CHUYỆN CRIMEA

Chủ nhật - 09/03/2014 17:58

(NCTG) “Rõ ràng là trong sự việc này, các nước lớn nhỏ ai cũng vẫn chỉ vì quyền lợi dân tộc của mình để toan tính mà thôi. Chỉ có cái nhà nước Việt Nam mình là “buồn cười”, chẳng làm nổi một phép “liên hệ bản thân” cho một sự kiện giả định với “người anh em phía Bắc” trong tương lai, cứ vô tư như không”.


Biểu tình phản chiến tại bán đảo Crimea - Ảnh: Thomas Peter (Reuters)


Một người bạn hỏi mình nghĩ gì về chuyện ở Ukraine từ một tuần nay mà mình không có câu trả lời. Mình cũng không thấy bạn bè mình, những người từng sống cả một thời ở Liên Xô cũ, vốn luôn đau đáu với nước Nga, lên tiếng về sự kiện bi thương này. Đây thực sự là một vấn đề gai góc, không dễ để có thể trả lời cho ngọn ngành vì từ mỗi góc nhìn, sự kiện lại có những điểm hội tụ hay khúc xạ, được chi phối bởi lý lẽ và cảm tính, bởi các yếu tố lịch sử và địa chính trị, bởi luật lệ quốc tế cũng như các thoả ước và các thực tế đã trải nghiệm...

Mình nhắn tin cho một ông anh vốn là dân Bách khoa Kharkov: “Anh có buồn về chuyện Ukraine không?”. Và nhận được trả lời: “Anh buồn lắm em ạ”. Mình không dám hỏi: “Anh nghĩ gì?” hay “Anh thấy Putin có “củ chuối” không?”, hoặc “Putin đúng đấy chứ?” để khỏi làm khó nhau.

Cách lý giải rằng Nga có quyền đưa quân vào Ukraine theo yêu cầu của Quốc hội Crimea, hay để bảo vệ dân Nga ở đây thì thực là nực cười. Nhưng mặt khác cũng phải thấy cái “nỗi lòng” của người Nga, dân tộc vốn đã có Crimea trong hàng trăm năm với cái giá của máu và nước mắt, rồi một “ngày đẹp trời” năm 1954, được cái ông “khokhlu” Nikita (*) “xui dại” chuyển tên cho ông em Ukraine, lúc đấy đang cùng dưới mái nhà Liên Xô, mảnh đất màu mỡ này. Không có mua bán đổi chác gì nhé!

Khi không ở được với nhau, ông em mang Crimea đi và người Nga phải cắn răng thuê lại một góc nhỏ xíu là Sevastopol để cho Hạm đội Biển Đen của mình tá túc, ngay tại ngôi nhà mà nó đã sinh và lớn lên từ năm 1783. Đã thế, có một nguy cơ là cả cái ngôi nhà thuê này cũng nhiều khả năng sẽ đóng cửa với Hạm đội Biển Đen và trở thành tiền đồn của NATO trong tương lai không xa! Không phải ngẫu nhiên mà Duma (Hạ viện Nga), báo chí và dân chúng Nga có vẻ ủng hộ tuyệt đối Putin trong trường hợp này. Nhớ lại, năm 1962 Liên Xô mang mấy cái tên lửa vào Cuba đặt, nước Mỹ có chịu ngồi yên đâu?


Ủng hộ Crimea sáp nhập Liên bang Nga - Ảnh: Filippo Monteforte (Reuters)

Chưa bao giờ mình ưa Putin với quá khứ KGB cùng các tiểu xảo, âm mưu chính trị để kiểm soát nước Nga hàng chục năm của ông. Những thay đổi ở nước Nga từ khi Liên bang Xô-viết tan rã cũng thật nặng màu sắc của mafia và bạo lực... - chẳng còn đâu nét quyến rũ của sự khẳng khái, trong sáng và chất phác Nga nữa. Nhưng có phải có những điều mà cả phương Tây và người Ucraina cũng chưa tính hết? Và bây giờ là lúc Putin nói chuyện với Phương Tây bằng “cái lý” của Don Corleone trong “The God Father” (Bố già): ông không sống bằng pháp luật của “các người” nữa, vì nó sinh ra là để bảo vệ “các người”?

Putin chơi luật rừng luôn và quần chúng vỗ tay rào rào. Và hôm nay thì bức tranh dường như đã dần sáng rõ: Crimea về lại với Nga, còn phần còn lại của Ukraine sẽ ngả hẳn về Phương Tây với thật nhiều hệ lụy cho cả hai bên. Để rồi lịch sử sẽ đánh giá. Chưa chắc nước Nga được Crimea (trong khi đẩy người anh em Ukraine ra xa mãi, kèm theo hình ảnh một cường quốc bị hoen ố) mà đã là được. Chưa chắc Ukraina mất Crimea (mà chính thể lại được thay đổi và đất nước trở thành một phần của thế giới văn minh) mà đã là mất.

Có một điều rõ ràng là trong sự việc này, các nước lớn nhỏ ai cũng vẫn chỉ vì quyền lợi dân tộc của mình để toan tính mà thôi. Chỉ có cái nhà nước Việt Nam mình là “buồn cười”, chẳng làm nổi một phép “liên hệ bản thân” cho một sự kiện giả định với “người anh em phía Bắc” trong tương lai, cứ vô tư như không. Báo chí “lề phải” lại còn đưa tin theo chiều hướng có phần ủng hộ với Bố già Putin nữa!

Ghi chú:

(*) Khokhlu là cách gọi có phần miệt thị người Ucraine. Năm 1954, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev quyết định sát nhập và “trao” quyền quản lý, kiểm soát bán đảo Crimea cho Cộng hòa XHCN Ukraine, một thành viên của Liên bang các nước CHXHCN Xô-viết (Liên Xô) thời đó.

Cần biết là trước đó Khrushchev từng là Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Ukraine trong hai giai đoạn (từ năm 1938, và thời kỳ 1947-1949), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ukraine (thời kỳ 1944-1947), nên quyết định nói trên của ông bị nhiều người coi là “thiên vị” mảnh đất mà ông đã từng có nhiều năm sinh sống và làm việc, hoặc, là món quà cho người vợ Ukraine của ông.

Vũ Hải Bằng, từ Hà Nội


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn