Câu chuyện về trò chơi Flappy Bird làm mưa làm gió trên Liên mạng trong những ngày qua
Đọc bài báo
“Cha đẻ Flappy Bird sẽ bị truy thu khoảng 10 tỷ đồng tiền thuế?” và nhất là những bình luận của độc giả, tôi thấy rất áy náy về trình độ dân trí (và cả quan trí nữa), cũng như thái độ của dân mình đối với thuế!
Khi trò chơi Flappy Bird ra đời và đạt thành công rực rỡ bất ngờ, lập tức xuất hiện một hai làn sóng trái chiều, một dè bỉu đậm chất ghen ăn tức ở, một hoan nghênh đôi khi đến mức quá lố.
Khi Flappy Bird bị cha đẻ của nó gỡ xuống, lại rộ lên làn sóng Mea Culpa, tự trách người Việt mình xấu tính, ghen tức với thành công của nhau, cơ quan Thuế không giúp gì người đã làm làm rạng danh đất mà lại dòm ngó bắt thu thuế, làm thui chột nhân tài, v.v...
Chê trách chọc ngoáy vì ghen tị, điều đó đã rõ rồi, xin miễn bàn ở đây để “té nước theo mưa”. Riêng về sự quan tâm của ngành Thuế, tôi thấy không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngược lại, tôi sẽ ngạc nhiên và bất bình nếu như những công chức ngành Thuế, ăn lương của người dân, lại không đếm xỉa đến trường hợp nổi cộm trên toàn thế giới như vậy. Nếu như thế tức là công chức vô tác dụng, không làm tròn nhiệm vụ của mình.
Bài báo trên “Dân Trí” làm tôi chú ý đến hai vấn đề:
Vấn đề bảo mật của thuế thu nhập cá nhân. Một quan chức ngành Thuế, đủ hiểu biết để tự giấu tên mình, lại cung cấp cho nhà báo một cách chi tiết động thái của ngành Thuế đối với trường hợp Nguyễn Hà Đông. Đây là lỗi nặng về chuyên môn của quan chức ngành Thuế, vì mỗi công dân được quyền bảo mật (đối với công chúng) về thu nhập và thông tin thuế của mình. Ngành Thuế phải chịu trách nhiệm về sự bảo mật này!
Thái độ của người dân đối với thuế. Theo ước tính của một “chuyên gia” khác cũng được dẫn trong bài báo, thu nhập của Nguyễn Hà Đông khoảng 210 tỷ VNĐ, số tiền thuế có thể lên đến 10 tỷ. Tỷ lệ đóng thuế là 4,7% thu nhập, một tỷ lệ mà bất cứ người Việt ở nước ngoài không trốn thuế nào cũng ước ao, nằm mơ cũng không được!
Thuế là trách nhiệm với xã hội, là tương trợ cộng đồng, là trả nợ xã hội. Người Việt mình rất sẵn sàng hô hào nhau làm từ thiện, đóng góp nhường cơm xẻ áo khi có chuyện, nhưng cũng sẵn sàng trốn thuế mỗi khi có thể.
Bất cứ ai cũng rất tin tưởng là “
truyền thống của người Việt là nhiễu điều phủ lấy giá gương, một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, v.v... Còn bọn Tây sống lạnh lùng, ai biết nhà nấy, khó khăn chả ai giúp ai, v.v...”. Nhưng biết đâu rằng, “Tây”, bằng quyền dân chủ, đã chấp nhận lựa chọn một chế độ mà từ trung lưu trở lên mỗi tháng họ phải đóng góp đến gần một nửa thu nhập cho các loại thuế và bảo hiểm xã hội.
Có lẽ, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, chính vì “Tây” có ý thức chi tiền trước khi có chuyện, cho nên những khi cần thiết họ ít khi phải hô hào cứu trợ, từ thiện khẩn cấp chăng?
(*) Mea Culpa, Mea Culpa, Mea maxima culpa (lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng - tiếng La Tinh): lời thú tội kinh điển theo đạo Cơ-đốc, được trích từ “Kinh Thú Nhận” (Confiteor) dùng trong Nghi lễ Rome và một số trường hợp khác, được linh mục cùng giáo dân đọc trước Thánh lễ.