MỘT PHÁC THẢO CHO ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VIỆT NAM

Thứ năm - 16/01/2014 15:44

(NCTG) “Để giáo dục Việt Nam đi vào quỹ đạo, việc đầu tiên cần làm là cắt giảm những nội dung đã không còn thực sự phù hợp và mức độ cần thiết ít hơn những nội dung khác. Bước tiếp tới là đánh giá toàn diện tất cả các môn…” – ý kiến của TS. Vũ Thu Hương.


Giảm tải chương trình học cho học sinh, một vấn đề đang được công luận quan tâm - Minh họa: Internet


Mấy năm vừa qua, những vấn đề giáo dục đã được giới phụ huynh hưởng ứng tham gia và tìm hiểu, phân tích rất nhiều. Đa số các bậc làm cha làm mẹ đều nhận thức và thấu hiểu những vấn đề mà giáo dục Việt Nam đang gặp phải.

Là một nhà giáo dục, tôi cũng chia sẻ những băn khoăn, lo lắng của các phụ huynh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khó thực hiện được sự cải tổ toàn diện nền Giáo dục Việt Nam, do việc thay đổi gây có tác động quá mạnh và quá sốc đến một thế hệ người Việt.

Ngoài ra, mỗi một chương trình, một phương pháp bất kỳ cũng có ưu và nhược điểm. Nếu áp dụng một nền giáo dục tiên tiến mới, chúng ta hoàn toàn có thể sẽ gặp phải những hệ lụy, những vấn đề nảy sinh rất lớn, mà việc xử lý không phải là đơn giản.

Giáo dục Việt Nam từ xưa vốn đã rất áp đặt. Các thầy cô giáo thường nói và luôn đúng. Học sinh luôn lắng nghe và thực hiện theo răm rắp. Điều này hạn chế sự phát triển khả năng sáng tạo và chủ động của học sinh.

Ngoài ra, bệnh thành tích trong giáo dục Việt Nam trầm trọng đến mức ăn rất sâu vào suy nghĩ của từng gia đình, của từng phụ huynh. Nhiều người còn cho rằng quan tâm lo lắng đến việc học của con là phải thường xuyên kiểm soát điểm số của con.

Học lệch cũng là một vấn nạn khác của giáo dục Việt Nam. Chương trình học của trẻ Việt thường nhiều lý thuyết, ít bài tập, đề cao các môn Văn và Toán, coi thường các môn nghệ thuật, kỹ năng sống, văn hóa sống (Sinh vật, Lịch sử, Địa lý…).

Điều này thể hiện ở khắp mọi nơi nhưng rõ nét nhất là ở tiểu học. Các cháu học quá nhiều tiết Toán (5 tiết/tuần), Tiếng Việt (8 tiết/tuần). Những bộ môn phát triển cơ thể, hoàn thiện kỹ năng sống, hiểu biết thế giới và văn hóa sống như Thể dục, Thủ công, Hát nhạc, Mỹ thuật, Sinh vật, Lịch sử, Địa lý… thì chỉ có 1-2 tiết.

Ngoài ra, việc đánh giá trong giáo dục tiểu học Việt Nam cũng rất thiên lệch. Việc xét thi đua cho một cháu bé (giỏi/khá/trung bình) chỉ được tiến hành với hai môn là Toán và Tiếng Việt. Các môn học khác vì không phải đánh giá nên các giáo viên đều chỉ làm cho có.

Nhiều môn học còn không thi học kỳ mà chỉ đánh giá quá trình học. Từ đó, việc dạy dỗ môn này bị coi là thừa. Dẫn tới một hiện trạng là các giáo viên thường cắt giảm các tiết học các môn này để luyện Toán và Tiếng Việt cho học sinh.

So sánh nội dung giáo dục hai môn Toán và Tiếng Việt của Việt Nam với các nước, nội dung chính gây nên quá tải chính là luyện chữ đẹp và luyện tính nhẩm nhanh. Vì đây là hai kỹ năng tương đối khó nên thời gian dạy rất dài.

Nếu bỏ bớt hai nội dung này, sức ép của việc học Toán và Tiếng Việt sẽ giảm đi. Như vậy, ít nhất các cô giáo sẽ tôn trọng thời lượng học tập của các môn phụ hơn và chắc chắn chất lượng học tập của các bộ môn được đánh giá là phụ đó sẽ được đảm bảo hơn rất nhiều.

Hiện nay cũng đã có rất nhiều dự án thay đổi phương pháp dạy học. Tuy nhiên, với cách đánh giá thiên lệch và nội dung thiên lệch như hiện nay, thì dù phương pháp gì đi nữa e rằng mọi thứ vẫn như cũ.

Để giáo dục Việt Nam đi vào quỹ đạo, thiết tưởng việc đầu tiên chúng ta cần làm là cắt giảm những nội dung đã không còn thực sự phù hợp và mức độ cần thiết ít hơn những nội dung khác.

Bước tiếp tới là đánh giá toàn diện tất cả các môn: giáo dục tiểu học không cần phải đánh giá giỏi/ khá/ trung bình, mà chỉ cần xét lên lớp cho các em thôi là ổn. Cần đánh giá tất cả các môn học từ Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên – Xã hội, Mỹ thuật, Hát nhạc, Thủ công, Thể dục…

Như vậy, tệ học lệch sẽ chấm dứt, các cô giáo sẽ dàn đều sự chú ý đến mọi môn học. Và từ đó, kiến thức của học sinh sẽ trải rộng hơn và mối quan tâm của mọi gia đình đến các môn học của con cũng sẽ đồng đều và hợp lý hơn.

Bước tiếp theo, chúng ta sẽ bàn đến nội dung học cần bổ sung như kỹ năng sống, văn hóa sống… Với đường đi rõ ràng như vậy, giáo dục Việt Nam sẽ nhanh chóng quay trở về quỹ đạo hợp lý và sẽ đáp ứng các yêu cầu của phụ huynh.

TS. Vũ Thu Hương, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn