Minh họa: Internet
Số phận đẩy đưa, tôi có cái cửa hàng đúng trong trung tâm của Tàu, giữa khu phố Tàu sầm uất. Ở Đông Âu thì chuyện này cũng thường thôi. Từ anh bảo vệ đến chú quản lý, rặt là Tàu. Từ cái bảng đậu xe tới thông báo khóa nước, sửa điện, cũng rặt tiếng Tàu. Đến khổ cái hôm đó các bạn thông báo tắc cống bằng tờ giấy tiếng Tàu, chạy quanh đến khi tìm được người phiên dịch ra để hiểu thì nước cống cửa hàng mình nước đã chảy lênh láng.
Thôi thì cũng cố gắng đủ đường, lúc chạy ngang chạy ngửa tìm mẫu mới, khi hỏi thăm ý kiến của các bạn Tây xem nên làm kiểu gì, mầu sắc ra sao…, nói chung là mình nho nhỏ phải khéo lách, tìm con đường đi bên cạnh và “chiến đấu” với các bạn lớn xung quanh.
Chiều thứ Bảy hàng tuần, các bạn Tàu buôn bán ở các cửa hàng tỉnh lẻ nườm nượp vào khu vực này lấy hàng, vậy mà họ chẳng ghé mình mấy. Lâu lâu có vài bạn vào, trầm trồ hàng mình đẹp, chất lượng cao, thằng em dại là tôi chưa kịp phổng mũi thì các bạn đã bỏ đi mất. Nhiều khách Tầu vào khen đáo để, nào là Việt Nam chúng mày nhanh nhẹn lắm, nắm bắt tốt thị hiếu của Tây, đầu óc thông minh, làm hàng rất chuẩn, rồi bán đắt, lời nhiều, không phải ăn no vác nặng như Tầu nhà tao… Tâng bốc một hồi rồi họ cũng bỏ mình chưng hửng, quay sang đồng hương của họ lấy hàng, vì mặt hàng của bên ấy dồi dào, lại ủng hộ nhau việc ghi sổ, chưa phải thanh toán vội. Tàu mua của Tàu. Đành chịu.
Chủ nhật là ngày của khách Việt Nam ta, thường là bên Czech, Slovakia sang. Thấy nhiều bạn cùng quê vào cửa hàng xem, mình vui như Tết. Hết mời hàng, mời trà, mời cà phê, chuyện trò rôm rả, hết chuyện làm ăn ở Tây đến chuyện kinh tế, chính trị đất nước nhà… Nhưng rồi các anh chị xem xong, hỏi han ít điều rồi cũng bỏ mình lại bơ vơ. Thường họ hỏi thăm hàng làm ở đâu, chủ hàng là ai, giá cả thế nào… Tôi cứ thật thà kể hết mọi lẽ, anh em gật gù biết vậy, uống cốc cà phê rồi chào, đi, tôi tần ngần đứng đó mà không hiểu chuyện gì.
Cho tới một hôm khi tiễn một gia đình ra khỏi cửa, chưa kịp đóng cửa lại tôi vô tình nghe được lời anh chồng: “
Thằng này chắc chỉ cò lại hay làm thuê cho chủ Tàu, sĩ diện nói hàng của mình. Thôi, mình đi tìm đúng chủ hàng, mua giá cho chuẩn”. Thế là Ta cũng lại sang kho Tàu mua. Đành chịu.
Buồn lòng tôi đem chuyện kể lại cho anh bạn vốn có thâm niên và kinh nghiệm trong làng buôn. Nó cười tôi bạc mặt, chê hết lời luôn: “
Mày học cho lắm thành ra ngu. Khách Việt hỏi, phải nói đây là hàng của chủ Tầu lớn, bán cực chạy, họ mới tin, mới mua. Người mình là vậy mà”. Rồi các “chiêu” bán hàng được nó giảng giải cho tôi gần một tiếng đồng hồ.
Hai hôm sau, có ba bạn Việt (xù) vào cửa hàng. Sau một hồi xem hàng, khi nghe tôi “khai thật” là làm thuê cho một “soái” Tầu, hàng này bán ào ào, nhất là khách Việt ta ôm nhiều lắm, họ quyết định mua. Tôi làm theo đúng lời thằng bạn dậy, nói giá cả hơi cao lên một chút, họ “lệnh” cho tôi gọi điện cho chủ Tầu đòi hạ giá. Tôi nhấc điện thoại lên, xì xồ mấy câu tiếng Hung và đồng ý bớt giá một chút. Việc mua bán diễn ra vô cùng trôi chảy, các anh vui như hội vì hàng tốt, giá OK, vỗ vai tôi khen giỏi: “
Chú mày nhanh nhẹn, chắc thế nào chủ cũng sẽ lại quả một ít cho chú đấy. Bọn anh cũng sẽ quay lại múc nữa”.
Số hàng bán được hôm đó cũng kha khá, giá lại hơi cao, lẽ ra như người ta, tôi phải vui sướng nhảy như chim, cười như nghé mới phải, vậy mà cái thằng ngân ngất như tôi lại cứ nghĩ ngợi quanh quẩn, vởn vơ, đượm buồn, trầm cảm mất ba ngày trời…