Sổ tay NCTG: ANH BA SÀM

Chủ nhật - 20/07/2014 22:47

(NCTG) “Thông tin khiến bạn trở thành người tự tin” từng là slogan một thời của nhật báo lớn nhất Hungary “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), và điều đó cũng đúng với ước mong của Anh Ba Sàm, nghĩ rằng cần phổ biến info nhằm giảm thiểu và dần dần xóa bỏ khái niệm “nhạy cảm”, “cấm kỵ”... trên bình diện thông tin để khiến người dân “thoát vòng nô lệ”.


Nhà dân báo Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh trình bày tham luận tại hội thảo “Tác động của truyền thông xã hội lên tác nghiệp báo chí” (Hà Nội, tháng 12/2012)

Nhà báo Đoan Trang vừa có bài trả lời phỏng vấn khá hay trên RFI về Anh Ba Sàm (ABS) (*), khiến mình chợt nhớ lại nhà “dân báo” (blogger) bị tạm giam từ ba tháng nay, người đã làm một công việc mà mình cho là rất trí tuệ, rất có lý tưởng và hết sức hữu ích cho cộng đồng.

Thời ấy, NCTG còn ra báo giấy, tuần một lần, 36 trang. Thế nên nhu cầu đọc thượng vàng hạ cám và đa chiều (báo Việt ngữ, trong và ngoài nước) của mình là rất... bức bách và cấp thiết. Và việc phải thường xuyên xem các trang tổng hợp thông tin, tham khảo để tìm kiếm ý tưởng, chủ kiến... là chuyện thường ngày và cơm bữa.

Khoảng 2006-2007, đã có một vài kênh như thế, điển hình nhất là Viet-Studies và có lẽ muộn hơn chút nữa là Nhật báo Ba Sàm. Điểm hấp dẫn nhất của hai trang này là không chỉ đưa tin (kèm nguồn rất rõ ràng), mà các tác giả còn kèm thêm những bình luận ngắn gọn và dí dỏm, nhiều khi cực sắc bén và thường là “trúng”.

Được một thời gian thì mình bằng lòng với việc hàng ngày chỉ cần liếc TTX Ba Sàm thôi là thấy đủ (thậm chí hết sức đủ) những gì mình cần tìm kiếm. Đảm bảo được sự đa chiều, dân chủ cần thiết, nhưng vẫn tỏ rõ chính kiến, quan điểm ngay thẳng trong không ít trường hợp, là điều mình nghĩ ABS đã làm được, và làm rất tốt!

Đối với ABS, nói một cách thậm xưng, mình cũng có chút “giao tình” hiểu theo nghĩa rộng. Kỳ thực mình chả biết anh là ai, ở đâu, làm việc này do ai “chỉ đạo”, phe phái thế nào, v.v... (chưa bao giờ mình để tâm tới những điều đó). Cái mình thích là với những gì theo đuổi, ABS đã giúp rất nhiều độc giả thực thi “quyền tiếp cận thông tin” đã được hiến định.

Thế nên, mình đã rất vui là trong thời gian trực tiếp chủ trương và thực hiện tờ Nhật báo trực tuyến, một số bận ABS đã để mắt tới NCTG, đánh giá một số bài vở, tin tức của nó đáng được giới thiệu cho độc giả gần xa. Trong số ấy, mảng bài mình tâm đắc nhất - về lịch sử, chính trị và xã hội các xứ cộng sản (cũ) ở Nga và Đông Âu - đã nhiều lần xuất hiện trên trang của ABS.

Tờ báo, nhờ đó, đã có thêm nhiều độc giả mới ở trong nước, những người có dịp vô tình đọc một tin, bài nào đấy của NCTG qua hệ thống Nhật báo Ba Sàm. Đây là điều mà tới giờ, dù rất muộn màng, mình vẫn cảm thấy cần nói lời tri ân tới anh, người đang bị giam cầm và gặp hiểm nguy trong cuộc chiến không cân sức với chính quyền.

Thông tin khiến bạn trở thành người tự tin” từng là slogan một thời của nhật báo lớn nhất Hungary “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), và điều đó cũng đúng với ước mong của ABS, nghĩ rằng cần phổ biến info nhằm giảm thiểu và dần dần xóa bỏ khái niệm “nhạy cảm”, “cấm kỵ”... trên bình diện thông tin để khiến người dân “thoát vòng nô lệ”.

Mình nghĩ rằng, cùng thời ấy với mình, đã có rất nhiều người - trong đó có không ít các đồng nghiệp làm báo chí - đã hàng ngày chờ đón những “màn” điểm tin kèm lời bình thường là rất đạt, rất ngoạn mục của ABS, để đáp ứng nhu cầu “được biết”, được quan tâm đến thế sự hoặc sử dụng trong công việc của mình.

Hàng triệu người, nếu không muốn nói là nhiều hơn thế, cần phải nói lời cám ơn chân thành tới ABS, người đã âm thầm, bền bỉ và kiên trì mang thông tin đến cho họ hàng ngày. Nên chăng, tất cả những ai từng yêu mến và sử dụng “dịch vụ” (miễn phí) của anh, giờ góp một lời để khích lệ, cổ vũ và bênh vực anh?

Cá nhân mình tin rằng, với hoạt động thiện nguyện và quên mình vì lợi ích cộng đồng như thế (tuy có thể đụng chạm tới lợi ích của những kẻ nào đó tuy không nói ra mà ai cũng biết), ABS đáng được tặng thưởng bội tinh, chứ không phải bị giam cầm và có thể phải đối mặt với bản án tù nặng như Đoan Trang nhận định.

Trần Lê


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn