Những năm đầu tiên của NCTG - Ảnh tư liệu của Nguyễn Thái Tuyết Hoa
Hôm qua dự lễ sinh nhật báo NCTG, lại còn được thổi nến nữa. Nhìn con số 14 mà thấy khiếp, vèo một cái hơn chục năm, nhanh quá.
Nhớ lại hôm nào, một buổi lễ gì đó ở Budapest. Túm năm tụm ba chém gió với mấy anh em, trong đó có TBT Hoàng Linh. Linh đề nghị tôi tham gia vài bài cho báo. Tôi cũng tâm sự thật tình, thằng tôi nhiều khi chỉ giỏi “
bốc phét”, viết lại lơ mơ, thơ thì chả có vần, lọc xọc như con cóc. Linh động viên, và tôi có viết.
Từ cái lúc nhận lời với TBT, cho tới cả mấy năm sau này, mỗi khi Hoàng Linh gọi điện, nhẹ nhàng hỏi “
anh có bài gì không?” thì tôi lại có dăm đêm lo lắng, mất ngủ để hoàn thành bài viết, cho dù ý tưởng đã hình thành trong đầu.
Từ hồi tập tẹ viết bài, vợ con đâm sinh nghi và lo lo, con bé lớn có hỏi mẹ, ba làm sao dạo này lâu lâu cứ ngồi viết cái gì rồi tủm tỉm cười một mình. Có những buổi cửa hàng đông nghẹt, công việc ngộn đầu, nhân viên đi tìm mãi mới ra mình, mặt đăm đăm, mắt ngơ ngơ, ngồi một góc kín, miệng ngậm cái bút chì, tay cầm tờ giấy nhăn nheo với mấy dòng viết loằng ngoằng.
Nói chuyện giấy mới nhớ: khổ thân tôi trình độ IT có hạn. Đầu tiên viết nháp bút chì, sau đó bật máy tính, mở Word gõ cọc cọc, in ra bản không dấu. Lại ngồi nắn nót đánh dấu lên từng từ cho thành tiếng Việt. Cho vào máy scan lên, vào email gửi cho TBT. Riêng công đoạn này mất toi hai tiếng.
Không biết anh TBT ta còn vất vả bao nhiêu động tác nữa để cho cái bài của mình hoàn chỉnh, có thể in được. Tôi cứ loạng quạng, không biết đánh máy tiếng Việt có dấu cho đến một hôm đó, Hoàng Linh nhẹ nhàng nhắc khéo tôi: “
Anh ạ, bác Chung hơn anh cả chục tuổi mà bác còn học gõ tiếng Việt có dấu được, chả nhẽ anh…”.
Tác giả Ngô Quý Dũng (trái) tại cuộc gặp gỡ và giao lưu với nhà thơ Vũ Quần Phương (Budapest, tháng 6-2014) - Ảnh: Trần Minh Tâm
Nhớ cái thuở ban đầu, không biết anh TBT này gạ gẫm thế nào, đút lót ra sao mà nhiều CTV thế. Ngoài một chị tổng hợp văn và anh họa sĩ tên tuổi, các anh chị khác cả đời có lẽ chưa bao giờ viết báo, chả dính dáng gì đến nghiệp báo, tính về chuyên môn thì lại càng xa lắc lơ.
Nào thì tiến sĩ khoa học tự nhiên, thạc sĩ toán, phó giáo sư khoa học giao thông, chuyên gia kinh tế/chứng khoán, kỹ sư điện, bác sĩ, cử nhân kinh tế, kỹ sư IT... Bét như tôi thì là cử nhân tâm lý (tôi thi vào Tổng hợp Lý, Bộ Đại học cử đi học Tâm lý vì cả hai ngành đều có chữ “
lý”, đạt nguyện vọng). Mà hơn 90% của đội ngũ trí thức nguyên khí quốc gia này còn một nhiệm vụ chính rất quan trọng lúc lang thang xứ người này: buôn bán.
Vâng, ai ở đây cũng tìm đường cứu thân, giúp nước, hỗ trợ gia đình bằng con đường buôn bán. Buôn bán bận bịu, gian khó, vất vả, mệt phờ. Vậy mà ai cũng viết rất hăng hái , nhiệt tình, phấn khởi, lai láng. Còn TBT thì viết chắc gấp đôi, gấp ba các CTV. Số lượng bài viết, số lượng báo trong những năm còn là báo in, nếu chỉ tính ra ký lô thôi, chắc cũng kinh khủng.
Khác với hình ảnh có thể tưởng tượng về anh TBT ở trong nước, có thư ký cắp cặp theo sau, có xe hơi cõng đít đi đó đây đàm phán, anh TBT báo NCTG, vừa viết bài, vừa biên tập, mang đi in, rồi còng lưng xách báo nặng chịch đi phân phát và làm thêm trăm việc của hành chính, văn thư, lao công, bảo vệ… nữa.
Một điều lạ tôi phải nói thêm, dù vẫn biết là anh cao to hơn cả Tây, nhưng tôi rất thắc mắc là sao anh có nhiều CTV nữ xinh thế, đẹp thế, nhiệt tình thế. Đôi khi thấy các cô xinh vui vẻ trò chuyện quanh anh, nhờ gì giúp nấy, tôi lại mơ một ngày mình thành TBT, hão thật.
Vâng, thấm thoát vậy mà đã mười mấy năm, thấm thoắt vậy mà tờ báo nho nhỏ của cộng đồng dễ thương người Việt tại Hung ngày nay đã thành tờ báo điện tử có CTV và người đọc ở khắp năm châu.