Ghi chép của Nguyễn Hiếu Thảo: CẢM PHỤC

Thứ tư - 17/09/2014 03:53

(NCTG) “Rất xúc động khi nghe cháu đọc rõ ràng những dòng chữ, mà nếu lướt qua người sáng chỉ thấy nó là những chấm tròn, trên trang giấy trắng nguyên. Ơ thế mà cháu đọc ra chữ, thế mới tài!”.


Phó giám đốc NXB Kim Đồng Nguyễn Huy Thắng (phải) nghe bé Thảo Xuân đọc một trích đoạn trong tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của thân phụ ông

Bão về hồi đêm và bão tan. Gió lặng, thời tiết tạnh ráo. Trời đẹp như mơ. Sáng nhận được những hai lời mời cho cùng một sự kiện. Mình được theo chân bé Thảo Xuân và Bích Ngọc đến dự buổi trao bản in chữ nổi hai tập truyện của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng. Có giám đốc, phó giám đốc, hai họa sĩ, TBT tạp chí “Tuổi thơ”, cùng hai biên tập viên của NXB.

Bé Thảo Xuân mới học đến lớp Bảy, năm nay bé mười bốn tuổi. Ở trường Nguyễn Đình Chiểu trẻ em khuyết tật học muộn so với tuổi là chuyện bình thường. Cháu rất lễ phép, hay cười. Ánh mắt không nhìn thấy nhưng hai mí và mỗi khi cười trông rất long lanh. Hiền thục, chưa kể là ăn nói rất chi là người lớn, chỉn chu, rõ ràng.

Màn đọc những cuốn sách chữ nổi dĩ nhiên chỉ duy nhất có cháu biết. Nhưng quan trọng là phó giám đốc NXB đồng thời là con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng rất xúc động khi nghe cháu đọc rõ ràng những dòng chữ, mà nếu lướt qua người sáng chỉ thấy nó là những chấm tròn, trên trang giấy trắng nguyên. Ơ thế mà cháu đọc ra chữ, thế mới tài! Mọi người đều ngồi chăm chú nghe, lặng người hoặc ồ lên thán phục mỗi khi đặt câu hỏi với cháu.

Tủ sách do Bích Ngọc chủ trương và trực tiếp điều hành đã có được 21 cuốn chữ nổi, cả sách văn học, sách lịch sử, sách cho tuổi nhi đồng lẫn thiếu niên. Bích Ngọc kể: “Bọn trẻ xếp hàng để được đọc. Các cháu thích đọc sách lịch sử hơn, nên mình sẽ ưu tiên những cuốn lịch sử trong thời gian tới”. “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” được in thành ba cuốn đánh số từ một đến ba, vì số lượng có hạn, nên có những cháu không được đọc ngay từ đầu, mà được mượn đọc từ cuốn số ba, thật may là cuốn đó là truyện khác, rồi mới quay trở lại mượn cuốn số một và hai.

Thảo Xuân kể về những áng văn cháu viết: “Cháu chỉ viết về tự sự và biểu cảm là nhiều. Vì cháu không nhìn thấy nên không dám tả”. Tuy nhiên cháu vẫn học Địa lý, Hình học, và nhiều môn học khác giống như các bạn mắt sáng. Cháu còn tự hào đánh đàn tranh bài “Quảng Bình quê ta ơi”. Hết bài, mọi người vỗ tay cổ vũ, cháu ghé tai cô Bích Ngọc nói nhỏ. Cô phiên dịch lại là: “Cháu hơi xúc động nên có đánh sai”. Mọi người cười ồ và dường như càng thích thú hơn với tính thật thà của cháu.

Cả tiếng đồng hồ cùng bé Thảo Xuân và Bích Ngọc đã đem lại một không khí ấm tình. Được thấy bé Thảo Xuân thân thiện vui vẻ, đôi lúc vẫn còn e ấp bên những người lớn (mắt sáng). Và nhất là mình được thấy một Bích Ngọc ân cần mỗi lúc nhắc cháu bước lên cầu thang, chu đáo nhắc cháu sửa đàn tranh, chi li hỏi và tả cho cháu nghe những người cùng có mặt.

Quả là cảm phục cả cô lẫn cháu. Nhất là mọi người đều thắc thỏm hỏi mình (một nhân vật phụ) trong cuộc gặp gỡ thân ái này: “Đó là cô giáo của Thảo Xuân à?!”.

Bài và ảnh: Nguyễn Hiếu Thảo, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn