GIẢI THỂ KHU CHỢ TỨ HỔ

Thứ ba - 17/06/2014 15:48

(NCTG) Sau hai mươi hai năm tồn tại và mười mấy năm bị loan tin sẽ đóng cửa, ngày 16-6 qua, chợ Tứ Hổ - nơi làm việc của nhiều hộ gia đình và cá nhân Việt Nam tại Hungary - đã bị giải thể và khu đất rộng bốn mươi ngàn m2 đó đã được trao trả cho chủ sở hữu, Đường sắt Hungary (MÁV Zrt.).


Ảnh: Német Tamás (index.hu)

Sáng thứ Hai 16-6, quá trình giải phóng mặt bằng - do Tòa án Trung tâm cấp Quận Khu vực Pest (PKKB) chỉ thị từ nhiều tuần nay, và được xem như chưa từng có tiền lệ vì quy mô lớn của nó - đã được khởi đầu với sự có mặt của chừng 60-70 cảnh sát và nhân viên phụ trách thủ tục thi hành (végrehajtó), ông Schmidt Zoltán.

Trong cảnh ngổn ngang của khu chợ như thể sau một cuộc chiến, báo chí Hungary ghi nhận lại một cuộc đấu khẩu giữa ông Schmidt Zoltán, và Giám đốc điều hành Công ty TNHH Komondor Kft. Bálint György, doanh nghiệp thuê khu đất để làm chợ:

- Đây không phải là điều chúng ta thỏa thuận!

- Chúng tôi cần hai tuần nữa để có thể giải phóng hoàn toàn mặt bằng khu chợ...

Các phóng viên báo chí ghi nhận rằng những người bán hàng ngoài chợ đều đã dọn đi hết, các quầy hàng, cửa hiệu đã bị phá một phần, một lượng rác rưởi đáng kể bị bỏ lại cho thấy nơi đây từng là nơi bán buôn náo nhiệt. Những thứ thức ăn thừa cũng bị bỏ lại quanh một căng-tin của Việt Nam.

Nhóm cảnh sát có mặt tại hiện trường ngó vào mọi quầy hàng và dùng kìm cộng lực mở tất cả những nơi còn bị khóa. Giám đốc điều hành Komondor Kft. Bálint György nói với báo giới rằng nếu giới ký giả không xuống hiện trường thì tốt hơn, và một lần nữa ông ta đặt câu hỏi: sao lại không cho chợ tiếp tục hoạt động?

Về phía doanh nghiệp thuê địa bàn mở chợ, Komondor Kft. cho rằng chợ Tứ Hồ vẫn hoàn toàn có thể hoạt động, người dân (đặc biệt là dân nghèo) vẫn có nhu cầu, và trước mắt họ chưa thấy có dự án gì sẽ được thực hiện tại đó, và chắc chắn là nếu có gì đó thì việc thiết kế và xây dựng cũng còn tốn khối thời gian!


Ảnh: Német Tamás (index.hu)

Trả lời chất vấn của nhân viên phụ trách thủ tục thi hành, ông Schmidt Zoltán, theo đó Komondor Kft. đã có hai tháng để thu dọn và giải phóng mặt bằng mà sao họ không làm, để dồn tới phút cuối vẫn ngổn ngang, ông Bálint cho hay điều này không đơn giản, nhất là do khu chợ có quá nhiều dân tộc kinh doanh ở đó, mỗi người một thứ ngôn ngữ.

Đồng thời với các diễn biến trên, Đường sắt Hungary MÁV cũng tổ chức họp báo. Đại diện của MÁV, bà Korsós Boglárka cho hay, từ tháng 11 năm ngoái, Komondor Kft. không trả tiền thuê mặt bằng cho MÁV (khoản tiền tồn đọng này lên tới chừng 215triệu Ft), trong khi họ vẫn thu tiền thuê chỗ từ người bán hàng, thuê quầy.

Khi báo giới đặt câu hỏi tại sao lại phải đòi lại đất, bà Korsós Boglárka chỉ bảo, vì chủ sở hữu quyết định như vậy. Sự hiện diện của một nhóm đông đảo cảnh sát tại hiện trường được lý giải là vì “đây là một diện tích rộng lớn”, cho dù MÁV không nhất thiết tính đến chuyện họ sẽ gặp phải sự kháng cự khi tiếp nhận mảnh đất từng là nơi khu chợ Tứ Hổ hoạt động.

Như NCTG đã nhiều lần đưa tin, hợp đồng thuê mặt bằng để làm chợ giữa chủ sở hữu là MÁV Zrt. và bên thuê đất là Komondor Kft. đã được nhiều lần gia hạn và sửa đổi, lần cuối là vào năm 2007. Tháng 6-2013, MÁV Zrt. đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng: tuyên bố này được đưa vào văn bản với sự chứng thực của công chứng viên, và có thời hạn 150 ngày.

Điều đó có nghĩa là vào tháng 11 năm ngoái, lẽ ra Công ty TNHH Komondor Kft. phải tiến hành xong việc giải phóng mặt bằng và trao trả lại cho Đường sắt Hungary. Tuy nhiên, tranh chấp lớn đã xảy ra, vì Komondor Kft. cho rằng việc chấm dứt hợp đồng như vậy là không có giá trị, và đã khiếu nại lên tòa.


Ảnh: Német Tamás (index.hu)

Khi đó, MÁV Zrt. đã cho cắt điện (một phần) và cắt nước một thời gian tại khu vực chợ, nhưng biện pháp này cũng không đem lại kết quả: chợ Tứ Hổ vẫn tiếp tục hoạt động. Rốt cục, vào cuối tháng 4-2014, tòa án Hungary đã ra quyết định cưỡng chế giải phóng mặt bằng chợ Tứ Hổ với sự hỗ trợ của chính quyền.

Đồng thời với quyết định đó, cách đây tròn một tháng, giấy phép hoạt động của chợ Tứ Hổ cũng đã bị thu hồi, chợ bị “xóa sổ” khỏi danh sách. Khu chợ từng là nơi khởi nghiệp của đa số các doanh nhân Việt Nam thành đạt sau này, trong thời gian cuối đã bị lãnh đạo Quận VIII cho là “ổ tội phạm”, và là nơi hàng năm gây thiệt hại chừng 15 tỉ Ft do lậu thuế...

(*) Có thể xem thêm phóng sự của mạng tin index.hu về quá trình giải tỏa chợ Tứ Hổ ngày 16-6-2014 tại đây.

Trần Lê tổng hợp, theo index.hu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn