NGÔ QUÝ DŨNG VÀ SỰ SÂU SẮC SAU NHỮNG CON CHỮ HÓM HỈNH

Chủ nhật - 26/06/2005 23:13

(NCTG) Nhắc đến Ngô Quý Dũng (NQD), có lẽ cảm tưởng đầu tiên của đông đảo bạn đọc là những vần thơ mà chúng ta thường gọi là "con cóc", hay Bút Tre, đem lại nụ cười sảng khoái cho cả những ai khó tính nhất. Có lẽ đó là lý do khiến chúng tôi muốn xếp một phần những sáng tác của anh vào dòng văn học dân gian hiện đại.

Tác giả Ngô Quý Dũng

Tác giả Ngô Quý Dũng

 

Đó là dòng văn học đã xuất hiện âm thầm, nhưng lại có sức sống hết sức mạnh mẽ, trong mấy chục năm qua. Thử hỏi có ai trong số chúng ta không biết dăm ba câu thơ thuộc trường phái Bút Tre, một thể loại có thể gọi là phi chính thống kể cả về nội dung và hình thức thể hiện. Ấy thế mà, nếu bây giờ tôi nhắc đến một câu thuộc dòng "kinh điển", như "Anh đi công tác Pờ Lây...", thì tôi chắc là trong số độc giả ngồi dưới đây, có đến 99% có thể tiếp tục được vế tiếp theo của nó!

NQD đã có những vần thơ hóm hỉnh như vậy, ngay từ thuở còn đi học. Dạo ấy, mấy chục năm trước, những dịp đi trại hè do ĐSQ tổ chức, hoặc các dịp gặp mặt sinh viên cùng năm, là "đất dụng võ" của anh. Tôi còn nhớ như in hè đầu tiên, mới chân ướt chân ráo sang đến Hung, được đi trại hè và xem các anh năm trên trổ tài. NQD học trên tôi 4 năm, dạo đó, anh là một showman thứ thiệt, với tài tấu nói và làm thơ hài được truyền tụng trong giới sinh viên.

Tối hôm ấy, trước một cử tọa có lẽ đến mấy trăm người, anh thản nhiên đặt một chiếc ghế ngồi giữa phòng, mặt tỉnh bơ, mở đầu một bài tấu hài mà đến giờ tôi không còn nhớ nội dung, nhưng không hiểu sao, cái câu đầu thì rất ấn tượng đến nỗi, bây giờ, có dịp trò chuyện với NQD, anh đã quên còn tôi thì không sao bỏ ra được khỏi "bộ nhớ": "Thơ là sản phẩm của bọn dốt văn!" Khiến ai nấy lăn ra cười như nắc nẻ, chắc một phần cũng vì diễn xuất rất tài tình của NQD, mà tôi tin rằng các danh hài Việt Nam hiện nay chưa chắc đã bằng!

Nhắc lại một kỷ niệm cũ, với câu nói bâng quơ có thể rất nhạy cảm với các thi sĩ có mặt trong buổi tối hôm nay, tôi chỉ muốn nói rằng "máu hài" trong NQD đã có từ hai mấy năm trước và đến giờ, đối với anh, sáng tác những vần thơ hài hước chỉ là một rutin munka, nói theo tiếng Hung, nghĩa là... dễ như lấy một vật từ trong túi ra!

Điểm khác của thơ hài NQD hiện giờ, là anh đã bám sát những đề tài của cộng đồng Việt Nam tại Hungary. Anh là người, "hài" hơn ai hết trong những chân dung anh em viết lách, làm báo tại Hung. Anh là người, với con mắt quan sát sắc sảo, đã điểm chiếu hết những vấn đề của người Việt xa xứ qua những vần thơ tức cười nhưng có chiều sâu, như vấn đề thế hệ, tuổi tác và từ đó, những dị biệt trong lối sống và suy nghĩ của "trẻ" và "già" tại Hung (bài "Già và trẻ"); lối sống và sinh hoạt của các giai tầng tại Hungary (bài "Thay vì tặng hoa mùng Tám tháng Ba", "Bút Tre đi hát karaoke")...

Điểm đặc biệt của những bài viết dạng này của NQD là những lời bình đi kèm, tưng tửng, rất thản nhiên, có lúc đôn hậu trước những cảnh đời bươn chải của bà con mình nơi xứ lạ, có lúc cay nghiệt, đanh đá, như nhận xét của ai đó. Thơ hài NQD rất "phóng túng", nhiều lúc không thèm để ý đến vần điệu, có lúc rất đúng "vận" thì lại... ngang đến mức ai đọc cũng phải bật cười.

Hãy xem NQD "đố tục giảng thanh" với thơ tặng chị em phụ nữ nhân ngày 8-3:

Hôm nay mùng Tám tháng Ba
Chị em phấn khởi muốn ra muốn vào
Anh em đi chợ mệt nhoài
Tuy có phấn khởi, chưa vào đã ra

Ý nói là anh em rất muốn thăm hỏi tặng quà chị em nhưng vì lao động mệt nhọc quá, vừa tới thăm tí đã về ngay.

Thử hỏi làm sao nhịn được cười?

Mô tả tâm trạng của người phụ nữ, ngơ ngác, buồn bã và tủi hổ nơi xứ lạ, thi sĩ Việt kiều Trần Mông Tú đã viết những dòng thơ nổi tiếng:

Hãy tưởng tượng ra em
Ở một căn nhà lạ
Mình em một ngôn ngữ
Mình em một màu da
Mình em một màu mắt
Mình em một lệ nhòa

Hãy tưởng tượng ra em
Ở nơi không định tới
Em tủi như chim khuyên
Khóc trong lồng son mới

Hãy tưởng tượng ra em
Ở một thành phố khác
Em buồn như nước sông
Khóc chia giòng tan tác

Hãy tưởng tượng ra em
Ở một vùng đất mới
Em như hoa sầu đông
Khóc mùa xuân không tới

Hãy tưởng tượng ra em
Một đời sông cát lở
Một cuộc tình hư hao
Em không còn là em
Xin chàng đừng yêu nữa

("Hãy tưởng tượng ra em")

Nhưng trong thơ hài của NQD, người phụ nữ Việt Nam nơi xứ ngưòi không còn cái rụt rè, âu sầu và thụ động với những tâm tư có phần "siêu hình" như thế. Phụ nữ Việt Nam ở Đông Âu, trong một thập niên rưỡi nay, giữa những biến đổi của thời cuộc, đã trở thành những người nắm vai trò rất chủ đạo trong cuộc sống, mưu sinh, vì gia đình, con cái và sụ tồn tại của bản thân. NQD viết về điều đó, với nụ cười mỉm thường trực trên môi:

Kể tới các chị một tay đánh Đông dẹp Bắc, điều khiển, quản lý cả cửa hàng, cả hàng hóa, cả ông chồng và cả đàn con, vậy mà cái nào, người nào cũng đâu vào đấy:

Sáng bu-pét (Budapest), chiều tăm-bua (Istambul)
Vài ngàn cây số ăn thua tí gì
Cục đô đút ở trong xi*
Sang Thổ Nhĩ Kỳ, đánh ít áo quân (áo quần)
Quay về chỉ đạo phu quân
Chở đây, bốc đấy, giao hàng, tịnh kho,
Cuối tuần con cái chăm lo
Ăn no, học tốt, công to xứng anh hùng

(*) Xi: nhiều khi các chị phải bỏ cả mấy chục nghìn đô vào... quần lót mang đi để mua hàng.

Hay có những chị lớn tuổi không đi đâu xa, cứ quanh quẩn ở quầy với những nét sống rất giản dị quê nhà, nhưng nhấc một cú phôn là chị mua hai, ba "công" (container) hàng, gật đầu môt cái là dăm trăm thùng hàng chị bán đi:

Thướt tha bộ áo bà ba
Lết đôi guốc mộc quê ta năm nào
"Công" đến, chị "múc" đánh ào
Bán vèo cái hết, mua đô vào đóng gạch chôn
Thế là thư thả tâm hồn
Lo con học tốt, lo chồng ăn ngon

Hay có những em gái người nhỏ nhắn xinh xinh, giọng nói thỏ thẻ, nhất là khi nói với các anh, khi em lái xe buýt đi chở hàng, nhìn bên ngoài chỉ thấy mỗi cái đầu nhấp nhô vì thấp nhỏ quá. Vậy mà khi bốc hàng, bán hàng hay phân hàng, em như môt bà Trưng, bà Triệu năm nào, giọng vang vang em chỉ đạo một đội Tây lực lưỡng, lờ ngờ:

Mảnh mai thân gái xứ người
Vừa nói, vừa cười, vừa quát mấy thằng Hung,
Buýt em lái loại to đùng,
Kho to đại tướng, trăm thùng chất cao
Với anh nhỏ nhẹ ngọt ngào
Tình cảm dạt dào, không vấn chút tiền nong

Ngòi bút của NQD cũng tinh tế khi nhắc đến sự biến đổi trong lối sống của người Việt nơi xứ người, khi "hương đồng gió nội" đã bay đi... khá nhiều:

Nhớ ngày nào còn hẹn hò em, bỏ mất nửa ngày đi tìm cỏ tốt và ngồi bện thành nhẫn tặng em, đeo lên tay mà cả hai trái tim đập cùng một nhịp.

Anh nghèo đâu có nhẫn kim cương
Tặng em theo sính lễ quê nhà
Giờ đây anh trao nhẫn cỏ...
Nhẫn cỏ năm xưa giờ vàng úa
Vứt trong hộp giấy, trên tủ cao
Giờ anh mua tặng đề-mao (gyémánt)
Dưới một cà-rá em nào được vui

Thì ra sang đây, các em "nghiện" đeo nhẫn kim cương, mà kim cương thì phải tính theo carat trở lên mới vừa ngón tay. Mà nghĩ cũng đúng, đi xe xịn, mặc áo sang mà lại đeo cái nhẫn cỏ cũng vô lý!

Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng còn xuồng bé nhỏ năm xưa

Đến hồi mới sang đây, khi xuống sân bay em cũng vẫn bận cái áo bà ba, nhiều người khen em quá trong sáng, quá giản dị, quá dễ thương

Nhưng mà:

Năm xưa chiếc áo bà ba
Chống xuồng đánh Mỹ em là bài ca
Em giờ buôn bán làm ra
Áo Ý, áo Pháp Plaza mua về
Ai nhắc áo cũ em chê
Không phải márkás em thề không mang
Nón lá đi nghiêng trong nắng gắt
Chèo thuyền tải đạn trên sông sâu
Bây giờ em ở châu Âu
Nắng lên đeo kính Ray-bâu mạ vàng
Quên đi cái nón cà tàng...

Thì rõ ràng ai đi xe hơi mà lại đi nón, nắng ở đây lại không gắt như nắng nhà mình, lái xe nắng chiếu chói mắt phải mua tạm kính Rayban gọng vàng mà đeo. Em cũng mua tiết kiệm đấy, còn loại kính Cartier đắt hơn nữa cơ.

Canh tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
Sang Bu (*) làm việc sòn sòn
Vịt tàu, tôm hấp chẳng ngon bao giờ (**)
Ngày ngày lo kiếm vài tờ
Có chan, có húp bao giờ mà thấy ngon?!

(*) Budapest
(**) Vịt Bắc Kinh, tôm hấp là những món hiếm hoi ngày xưa.

Thôi cái này là hoàn cảnh, Bút Tre không dám bình.

Hoa cau rụng trắng sân nhà em, mà hương cau thơm ngát... Anh Nguyễn Văn B. cao giọng hát, tuy bài này hơi khó, lâu lâu lúc nghỉ lấy hơi lại liếc liếc mắt nhìn vợ, như thể nhớ lại những kỷ niệm ngày ấy:

Thấy hoa cau rụng trắng sân nhà em
Hương cau xen kẽ tóc em
Anh ngửi, anh hít, anh khen: thơm lừng
Bây giờ hương cũ dửng dưng
Cha-nen Pa-rí tưng bừng Ca-vin (*)
Nhắc hương xưa em liếc nhìn
Anh già theo bước... Lenin được rồi...

(*) Chanel, Paris, Kalvin Klein là tên một vài loại nước hoa các em ta vẫn dùng thay cho các loại xưa.

Thì bên này lấy đâu ra hoa cau, hoa nhài, bồ kết mà làm thơm!

Ai đứng như bóng dừa
Tóc dài bay trong gió...
Tóc dài thủa ấy giờ cắt cụt
Phi-dê xoăn tít nhum nâu nâu
Gió mạnh thổi có bay đâu
Ai hỏi tóc cũ gãi đầu cười tươi.

Khoảng cách và những dị biệt thế hệ, vốn đã là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu ngay tại quê hương, giờ càng trở nên gay gắt hơn nơi xứ người, cũng được ngòi bút tinh tế của NDQ đả động tới. Kể từ cách ăn mặc, lối sống, cho đến suy nghĩ và cung cách làm việc, thanh niên Việt Nam trên đất Hung đều có những điểm khác cha anh và NQD đã nhìn nhận điều đó dưới con mắt hóm hỉnh, nhưng độ lượng và thông hiểu, như chính anh đã viết trong phần dạo đầu: "Ở đâu mà chả có sự chênh lệch về ngoại hình, về suy nghĩ, về thói quen, phong cách giữa các thế hệ, đó là chuyện ngẫu nhiên. Môi trường sống và làm việc ở Âu châu ảnh hưởng ít nhiều tới các anh chị, cô bác lớn tuổi và chi phối nhiều tới các thanh niên trai gái Việt Nam ta".

Hãy xem một vài khác biệt đó, qua cách thể hiện của NQD:

Nói như trong việc công tác:

Các bạn trẻ
Nay ở Đông Âu, mai Tây Âu
Thịt cơm bơ sữa ăn như nhau
Văn phòng sạch sẽ trang bị mới
Ít nghĩ cách mạng, nghĩ làm ăn

Các cụ lớn tuổi
Sáng ra chợ sớm tối vào hang (*)
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn chông chênh bán ít quần áo
Tinh thần cách mạng thật là sang.

(* hang, tức là nhà)

Đi đây đi đó gặp các chú bác đang trên đường lao động mệt nhọc, tóc tai ngang ngửa râu ria chĩa tứ tung, bên cạnh đó các bạn thanh niên trẻ thì "mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao", mốt mới nhất là bôi hoe tóc và vuốt tùng chùm nhọn hoát trên đỉnh đầu:

Trẻ: Gọn gàng tóc ngắn bảnh bao
Vuốt keo từng múi chỉ cao lên trời
Mày râu nhẵn nhụi sáng ngời
Đúng kiểu, hợp thời hơn hẳn tụi Tây.

Già: Tóc chú bên bết ít dầu
Mồ hôi làm việc đã lâu không gi đầu
Sợi ngang, sợi dọc, sợi sâu.
Tuổi cao, vợ có, hơi đâu trang điểm nhiều?

Đây là nói tới các bạn nam, chứ thanh nữ ta còn ăn diện và kiểu cách gấp vạn lần: gì chứ áo hở rốn, quần trẻ hông, giày cao gót 20 phân là tối thiểu. Ngược với các cô, các mẹ trời mùa hè vẫn thường thong dong với bộ áo quần ở nhà gọi là đồ bộ, với đôi guốc lê vô cùng nhẹ nhàng và thoải mái, chỉ có mấy anh Tây không hiểu gì về mốt cứ tưởng nhà mình mặc nguyên xi pijama ra chợ:

Trẻ: Nhìn xa em giống mô-đen
Rốn phơi ra trước tòng teng pi-xình (*)
Ngực chèn lên thấy to uỳnh
Đi giày cao gót chân duỳnh (dài) hơn Tây

(* pircing, loại nữ trang dùng để trang điểm những chỗ lộ, và kín, trên thân thể)

Già: Dịu dàng duyên dáng chị cô
Thường mặc bộ đồ, Tây nhầm pijama
Dép lê đi như ở nhà
Giữ truyền thống cũ của ta bên này.

Nói chuyện cá biệt, giới thành niên thanh nữ ta bên này có vài ba cô cậu hư hỏng, chứ đại đa số học hành giỏi giang, tiếp thu những cái tốt, cái mới của Âu châu rất nhanh nhẹn, nhất là lĩnh vực tiếng tăm hay công nghệ hiện đại thì vượt hẳn cha ông, thực hiện đúng câu "con hơn cha, nhà có phúc".

Trẻ: Tiếng Hung trôi chảy, tiếng Anh
Đọc giỏi, nói sõi, thêm rành Pháp văn
E-mail, chát, web chuyện vằn (vặt)
Thông tin thế giới gọn nằm trong tay

Già: Tiếng Nga, tiếng Ru, tiếng Hung
Yugo, Tiệp, Thổ, đủ dùng làm ăn
Pu-tơ (*) biết tí nhì nhằng
Nếu cần bật máy nhờ thằng cu con

(* computer, máy vi tính)

Thế còn điểm lại những thói quen hàng ngày, thì rõ ràng có nhiều khác biệt, chênh lệch giữa hai thế hệ. Nhớ hè năm ngoái gặp bác A. mặc bộ quần áo bộ đi chiến khu, đi cái mũ cối hơi bẹp góc, đi đẩy hàng ra bãi đậu xe, thấy ấm cúng như mình đang ở bến xe buýt Kim Mã. Còn các bạn thanh niên thì thích đi dạo trong các siêu thị lớn hơn. Áo quần phải ít nhất có dấu phẩy ngược loại original thì mới dùng được:

Trẻ: Áo quần có mác mới mang
Đồng hồ, mắt kính (đúng) thời trang Parì (Paris)
Mô-bai (mobile) xịn bé tí ti
Xe phân khối lớn, tên gì xin đọc biển xe (*)
Trưa pizza, chiều mặc-đồ (McDonald's)
Vui với bạn bè đi quán Trung Hoa
Hi họp thì hát ABBA
Phim nhạc rất thạo nói ra biết liền
Khô cổ cô-la uống liền
Tết ngồi nghĩ cách kiếm tiền nhiều hơn

(* Đa số là các bạn có gắn biển số tên riêng của mình)

Già: B quần áo lính chiến khu
Mũ cối bẹp góc, cao su đôi giày
Điện thoại tổ bố cầm tay
Xe tải lọc xọc (thường) chết ngay giữa đường
Đi nhậu (thì) uống bia với xương
Ăn cơm rau muống, chấm tương với cà
Vui lên hát "Tiến quân ca"
Thường xem vô tuyến phim nhà về chiến tranh
Khát nước thì uống chè xanh
Tết ngồi nhớ lũy tre xanh đường làng.

Qua những dòng viết trên, hẳn độc giả cũng có thể nhận ra nội dung xã hội tiềm ẩn rất mạnh mẽ sau những con chữ thoạt đầu tưởng chỉ đơn thuần có ý nghĩa khôi hài, gây cười. Và, nội dung ấy, đã được phản ánh một cách khá đầy đủ và toàn diện qua những đoản văn về cảnh đời thường nơi xứ người, mà người viết những dòng này mạo muội cho rằng đã vượt quá khuôn khổ dòng văn học dân gian bình dân.

Một số bài viết của NDQ - mà bạn đọc có thể đọc lại một cách hệ thống trong Tuyển tập (1) lần này -, với văn phong dung dị nhưng sắc sảo, với cái nhìn trào lộng rất đặc thù "style NQD", đã gợi nhớ đến dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời đầu thế kỷ, dĩ nhiên, với những nét "tân kỳ" của đầu thiên kỷ thứ ba. Muốn hay không, qua những mẩu chuyện thường nhật thường là rất ngắn, NQD đã gợi nhớ một Nguyễn Công Hoan, một Vũ Trọng Phụng thời hiện đại.

Bởi lẽ, NQD và một người kể chuyện giỏi và anh nhìn thấy được những nghịch lý tưởng chừng rất hiển nhiên trong đời sống cực nhọc của người xa xứ, những nghịch lý tưởng dường như ai cũng phải nhận ra, mà không phải vậy. Tôi muốn nói nụ cười sảng khoái mà văn xuôi NQD mang lại, kỳ thực, là nụ cười rất trí tuệ, trước sự phi lý của cái-thường-nhật-mỏi-mòn, đầy kịch tính và bi hài, những đây là thứ cười ra nước mắt. Và, có lẽ không nhiều người biết rằng mỗi dòng NQD viết ra đều mang chút tự trào của tác giả, vì chính anh đã trải, đã sống và chiêm nghiệm qua những cảnh đó, không phải như một kẻ "cưỡi ngựa xem hoa", mà thực sự như một người trong cuộc.

Có thể nhận ra anh trong dòng người ngơ ngác và lạ lẫm trước cảnh "nền kinh tế chợ" của Hungary đang trên đường cáo chung và trước mắt, do chưa có sự chuẩn bị cần thiết cả về tâm lý lẫn kinh nghiệm "làm ơn lớn", chưa gì có thể thay thế hữu hiệu được nó đối với đông đảo bà con trong cộng đồng Việt Nam, kể cả những TTTM lớn, hiện đại, lịch sự và nhiều tiện ích (các bài "Tôi bán hàng ở TTCÁ", "Asia Center, tầm cỡ và những đặc thù "quốc tế"...).

Có thể nhận ra anh, giữa bao nhiêu đồng hương bươn chải nơi chợ trời Budapest, chứng kiến bao cảnh bi hài của kiếp người xa xứ, với những ước mơ và cả những nụ cười tự trào để tự trấn an, để vưọt qua những nhọc nhằn nhân thế (các bài "Tứ Hổ Plaza, kiêu hãnh dân ta tại xứ người", "Chuyện đời thường", "Lại chuyện đời thường"...) Và cũng là anh, người thương gia có dịp đi đây đó, có dịp đặt câu hỏi so sánh giữa "Ta" và "Người", trăn trở trước những gì chưa được của "Ta", với con mắt sắc quan sát sắc, nhọn, nhưng trái tim nhân hậu (các bài "Trên những nẻo đường", "Đi một ngày đàng"...)

NQD viết dễ dàng, nhưng mỗi trang viết của anh đều chứng tỏ một sự trải nghiệm cuộc đời, một khả năng nắm bắt và phân tích tâm lý vững vàng (cũng là chuyên ngành của anh, mà anh chưa có dịp sử dụng một cách "bài bản" trong công việc). Đọc NQD, chúng ta như thấy những thước phim cuộc đời chầm chậm quay mà thiết nghĩ, nói bất cứ lời mào đầu nào cũng là thừa vì tự bản thân nó đã nói lên tất cả.

Vậy, xin độc giả hãy coi những dòng "phi lộ" này như lời mời vào một bàn tiệc phong phú và muôn màu, mà NQD là người chủ trì. Mọi ý kiến và phán xét cuối cùng, cố nhiên, thuộc về các bạn đọc đã lâu nay, theo dõi những bài viết, vần thơ hài đượm tính trí tuệ của anh! (*)

(1) Tuyển tập sáng tác của một số tác giả NCTG.

(*) Bài viết giới thiệu Ngô Quý Dũng trong Đêm giao lưu của một số tác giả NCTG, nhân dịp ra mắt tập thơ "Tình yêu không đáy" của Phan Bích Thiện (Budapest 26-6-2005).

Hoàng Linh, Budapest 26-6-2005


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn