Thiệp mừng ngày Thánh Valentine (khoảng năm 1910)
Có nguồn gốc từ gần hai ngàn năm nay và rất được ưa chuộng ở phương Tây từ cách đây dăm trăm năm, nhưng đến giờ, nếu hỏi một bạn trẻ về ý nghĩa của xuất xứ của Ngày Tình Nhân, thì có thể cầm chắc là ít người có thể nói lại một cách rành mạch. Những huyền thoại - nhiều khi rất trái ngược và mâu thuẫn nhau - về ngày lễ hội này, đã lùi dần vào bóng hoàng hôn của năm tháng và giờ đây, có chăng, chỉ xuất hiện trên các trang viết, thì nhiều hơn là trong tâm trí các cặp nhân tình!
Thực sự, chúng ta không biết gì nhiều về Thánh Valentine, thậm chí, các nhà nghiên cứu còn cho rằng đã tồn tại 2-3 nhân vật cùng tên là Valentine, và hành trạng của họ được kết hợp trong một huyền thoại duy nhất về tình yêu.
Theo một truyền thuyết cổ xưa, dưới thời trị vì của Hoàng đế Claudius Đệ nhị, có một cha cố La Mã đã bị xử tử vì can tội đã giúp đỡ cho những người Thiên Chúa giáo đang bị truy nã lúc bấy giờ. Các tín đồ Thiên Chúa giáo đã tưởng nhớ đến ông và sau đó lấy ngày 14-2 làm ngày Thánh Valentine. Sử sách cũng ghi lại câu chuyện có một cô gái trẻ bị mù, con của một người gác ngục. Thánh Valentine thương xót cho số phận của cô gái nên đã cầu kinh để chữa cho cô thoát khỏi mù lòa. Ngày bị xử trảm, ông đã viết thư trăng trối gửi cô gái với câu kết là “Cha Valentine của con“. Thông điệp ấy của tình yêu thương, được lan truyền kể từ ngày này.
Một nguồn sử sách khác thì lại cho rằng vào thời La Mã cổ đại, hoàng đế Claudius Đệ nhị cấm nam nữ kết hôn để có thể huy động được toàn bộ lực lượng nam giới thanh niên vào quân đội, bởi lẽ vị hoàng đế này cho rằng một trong những nguyên nhân làm giảm quân số là do nhiều chiến binh không muốn rời xa vợ mình - vì vậy, theo ông, hay nhất là… cấm tiệt hôn nhân?! Bất chấp lệnh cấm của hoàng đế, một linh mục Thiên Chúa giáo tên là Valentine đã đứng ra làm lễ xe duyên cho những đôi lứa yêu nhau. Nhà tu hành dũng cảm này bị bắt giữ và mất trong tù vào ngày 14-2 năm 270 sau Công nguyên. Hành động xả thân này của Thánh Valentine khiến người đời sau luôn nhớ tới ông như một biểu tượng vĩnh cửu cho lòng nhân ái và tình yêu đôi lứa.
Thánh Valentine thành Terni và các tông đồ - Tranh của Richard de Montbaston (Pháp, thế kỷ XIV)
Ngày Valentine còn dính dáng đến một lễ hội cổ sơ của người La Mã, diễn ra sau đó một ngày. Đó là lễ hội chào đón mùa Xuân, được tổ chức để mừng vị thần của chăn nuôi, gia súc và mùa màng. Trong ngày lễ đó, các thần dân La Mã nhảy múa và ca hát, cầu nguyện vị thần khả kính của họ hãy bảo vệ đàn gia súc, khiến chúng sinh sôi nảy nở, cho người nông dân những mùa gặt hái thành công và con đàn cháu đống. Vào đêm 15-2, các thiếu nữ trẻ ghi tên họ vào giấy và cho vào một bình gốm, còn đàn ông thì được rút mỗi người một tên từ chiếc bình gốm đó. Những cặp nam nữ được “gán ghép” như thế sẽ cùng nhau trong thời kỳ lễ hội và khiêu vũ, thậm chí, nhiều khi họ còn thành một cặp trong suốt năm đó.
Từ giã thời cổ đại, chúng ta hãy nhảy một bước… hơn một ngàn năm, đến thế kỷ thứ XV. Từ năm 1446, người Anh đã chính thức kỷ niệm ngày 14-2 như lễ hội của tình yêu: trong ngày này, các đôi lứa yêu nhau trao nhau những món quà nho nhỏ tượng trưng cho tình cảm của họ. Đầu thế kỷ XVII, những tập thơ tình được biên soạn và rất thịnh hành trong các dịp Valentine. Thế kỷ XIX, bắt đầu tập quán kín đáo gửi thư tình, thiệp mừng cho nhau nhân ngày Valentine, giữa những người quen và chưa quen, hoặc giữa những ai có “tình ý” với nhau. Xuất phát từ một lễ hội để tưởng nhớ Thánh Valentine, một nhà tu hành biết tôn trọng tình yêu và sự lãng mạn, nhưng về sau, có lẽ nhiều người nhầm lẫn cái tên này với từ “galantin” (tiếng Pháp, nghĩa là nhân tình), nên nghiễm nhiên Thánh Valentine lại trở thành vị thánh bảo hộ của tình yêu.
Các nước trên thế giới có những phong tục khác nhau trong ngày Valentine. Tựu trung, trong ngày này, chúng ta có thể tự do nhắc đến những người tình, những mối tình đã qua, trong dĩ vãng, mà không sợ bị ghen tuông, giận dữ. Vào ngày 14-2, những mối tình thầm kín nhất cũng có thể được bộc lộ, mà không sợ bị cười cợt. Bởi lẽ, bản chất của tình yêu là nỗi vui mừng khi có nhau, là sự quan tâm, để ý đến nhau. Không chỉ có thanh niên mà rất nhiều người lớn tuổi cũng tổ chức kỷ niệm Ngày Tình Nhân, với những món quà nho nhỏ bất ngờ dành cho nhau, với hi vọng cuộc sống mãi bên nhau. Một thanh sô-cô-la đặt trên gối người tình, một bông hồng nhỏ, một tấm bưu thiếp thân thương, một lá điện thư hay một dòng tin nhắn qua điện thoại di động đều có thể mang lại niềm vui trong ngày Valentine như một bữa cơm thân mật hoặc những ngày nghỉ cuối tuần ấm áp.
Tại các nước Đông Âu và Việt Nam, lễ hội Valentine chỉ mới thịnh hành từ một thập niên rưỡi nay. Ở Hungary, 14-2 từ lâu nay được gắn liền với tên vị Thánh Bálint và những mê tín rất dễ thương. Nhiều vùng quê ở Hung, người ta dựa vào thời tiết ngày này để dự đoán mùa màng của nãm. Nếu ngày này trời lạnh và khô thì sẽ cho vụ mùa bội thu, còn nếu có nhiều chim gáy bay về là báo hiệu mùa xuân đang đến gần. Tại các xứ sở Đông Âu, trong dịp 14-2, các thương gia thường để hình trái tim và màu đỏ ra ngoài quầy kính của các cửa hiệu, vì “người tiêu dùng” đặc biệt thích sắc màu và hình thể này. Ra đường vào ngày Valentine, đâu đâu ta cũng thấy những quả bóng bay, những chiếc bánh hạnh nhân màu đỏ, hình trái tim. Những bông hồng, phong lan được bán với giá gấp nhiều lần ngày thường mà nhiều khi vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu người mua, bởi lẽ trong ngày của tình thương yêu này, không ai tiếc đến tiền!
Trang trí cây nhân ngày Thánh Valentine
Ở Việt Nam, việc tặng quà nhân ngày Valentine cũng đã thành phổ biến trong khoảng dăm năm trở lại đây, cho thấy đời sống tinh thần và vật chất của người dân trong nước cũng theo chiều hướng đi lên. Chắc hẳn dân ngoại quốc có khi cũng phải giật mình khi được biết về sự hào phóng của người Việt trong ngày lễ Valentine: mặc dầu mới được “du nhập” vào Việt Nam ít năm nay, nhưng theo các nguồn tin trong nước, giới thanh niên “chịu chơi” sẵn sàng bỏ ra 3-4 đô-la để mua 1 nhành hoa hồng tặng “ý trung nhân” của mình. Khoản tiền này, so với mức thu nhập trung bình (chính thức) của người dân Việt, hoàn toàn không nhỏ… Mới biết: tình yêu có ma lực đến mức nào!
Valentine còn là ngày của những trò vui nhộn và bất ngờ liên quan đến tình yêu. Theo cuốn “Sách kỷ lục Guinness”, nụ hôn dài nhất hiện thuộc về một đôi người Mỹ, kéo dài trong 30 giờ 59 phút 27 giây, thực hiện vào ngày 5-12-2001, nằm trong chương trình truyền hình đặc biệt nhân ngày lễ Valentine. Đúng vào ngày Valentine năm 2003, 1.596 cặp nam nữ đã tham gia một “ngày hội hôn” tại Budapest và lập kỷ lục thế giới mới về hôn. Cũng trong dịp Valentine năm đó, một chàng thanh niên ở Sao Paolo (Brasil) bị người yêu cho “ra rìa” sau 6 năm mặn nồng, đã tung tiền tìm cách thuyết phục người tình cho anh một cơ hội nữa. Đứng gần nhà nàng, anh ta phân phát tiền giấy cho khách qua đường. Trên mỗi tờ giấy bạc, anh viết hàng chữ: “Nếu đi ngang cửa và thấy nàng thiếu nữ trong ấy, xin nói với nàng rằng tôi đang chết dần mòn vì phải xa nàng. Sống như thế này chẳng khác gì đang chờ ngày lên đoạn đầu đài“. Báo chí không biết kết quả ra sao, chỉ biết nội trong ngày hôm ấy, anh chàng si tình đã tiêu gần dăm trăm đô-la!
Đồ ngọt đặc thù của ngày 14-2
Năm 2006, báo chí quốc tế đã loan tin Hãng kim hoàn Uchihara của Nhật vừa giới thiệu một loại sô-cô-la đặc biệt dành cho Ngày Tình Nhân: thanh kẹo này có hình dáng của lục địa châu Phi, trên đó có gắn 2.006 hạt kim cương và được bán với giá 500 triệu Yen (tức là tương đương 4,7 triệu đô-la).
Trông người lại nhớ đến ta, bạn đã chuẩn bị món quà gì để gây bất ngờ cho người tình của mình trong Ngày Lễ Tình Nhân năm nay? Có lẽ không cần đến những thứ thật đắt đỏ: với người Việt xa xứ, chỉ một cành hoa, hoặc một món quà nho nhỏ, bất ngờ trong ngày Valentine, xuất phát tự tấm lòng, sẽ là ánh nắng sưởi ấm người yêu, người bạn đời, phải không bạn?
Diệp Khanh tổng hợp theo báo chí quốc tế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn