NỖI NIỀM TRONG TỪNG CÂU CHỮ

Thứ sáu - 09/02/2007 21:12

(NCTG) “Thư tình là sự đảm bảo, là phương tiện của một mối tình, giúp chúng ta vượt qua không gian, thời gian và khoảng cách.”

Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu,
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
Hỡi ơi! Người đó ta đây,
Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân?
Dẫu ta đi trọn đường trần,
Chuyện riêng dễ dám một lần hé môi?
Người dù ngọc nói hoa cười,
Nhìn ta như thể nhìn người không quen.
Ðường đời lặng lẽ bước tiên,
Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.
Một niềm tiết liệt đoan trinh,
Xem thơ nào biết có mình ở trong.
Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng,
"Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây?"

Bài sonnet duy nhất của Félix Arvers (Pháp), được nhà văn Khái Hưng dịch rất thành công thành "Tình tuyệt vọng", có lẽ đã gói trọn rất nhiều những yếu tố của một mối tình - nhiều khi câm lặng và tuyệt vọng - để chuyển tải dưới dạng thư tình hoặc nhật ký.

Không còn nghi ngờ gì nữa, tình yêu là thứ có thể khiến con người mê đắm hơn cả.

Chúng ta có thể thể hiện tình cảm theo nhiều cách, nhưng có một cách cho dù "xưa như trái đất", mà đến nay vẫn được coi là hình thức thể hiện tình yêu đẹp nhất, mặn mà nhất.

Ấy là khi chúng ta viết thư tình và trên những trang giấy đó, "tình trong giây phút mà thành thiên thu".
 
Khi yêu, chúng ta làm tất cả để chia sẻ những tình cảm trong lòng, nhưng chúng ta luôn có sự ngần ngại, bối rối và không biết làm sao để mở lòng một cách "hữu hiệu" nhất. Khi đó, một lá thư tình có thể giúp chúng ta rất nhiều: nó không đơn thuần là khởi điểm một mối tình, mà còn có thể làm gắn bó hơn những sợi dây tình cảm đã bị lơi lỏng vì thời gian. Thư tình cho phép chúng ta có thể cởi mở hơn khi giao tiếp trực tiếp, và cho chúng ta có thời gian để tìm dược cách thể hiện phù hợp nhất.

Đã có cả một ngành khoa học thống kê nghiên cứu về thư tình, cho thấy dầu có đôi điểm dị biệt, nhưng nam và nữ đều thích viết thư tình. Không mấy ai trong đời lại không thổ lộ tình cảm của mình qua câu chữ: tỉ lệ này ở nam là 4% và nữ là 8,7%. Có điều, đàn ông thường viết nhiều hơn, kiên trì hơn, phải chăng cũng vì họ luôn phải ở vị trí người chinh phục? Thư tình không giới hạn tuổi tác, ở quãng nào của cuộc đời cũng có nhiều người viết thư tình, và đặc biệt ở tuổi thanh niên và hoa niên, người ta hay viết cho nhau.

Thư tình và nhật ký thường đi song hành cùng nhau và có những đặc điểm chung. Nhật ký có thể coi như một lá thư dài không có người nhận, là một cuộc độc thoại và ở đó, chúng ta thổ lộ và chia sẻ những tình cảm thầm kín nhất với một ai đó. Thống kê cho thấy phụ nữ ưa "kể lể tình cảm" trong nhật ký hơn, 59% phái đẹp làm như vậy, trong khi tỉ lệ này ở nam giới chỉ 24%. Một hiện tượng tương tự là những lá thư đã viết mà không gửi, khá thịnh hành trong nữ giới, thời nào cũng vậy.

Điều kiện căn bản nhất của thư tình là sự thiếu vắng: cảm giác đơn côi, trống rỗng và cồn cào khi nhớ đến ai đó khiến chúng ta cần phải thổ lộ trong từng câu chữ.

Phong cách viết thư tình của đàn ông ít thay đổi theo thời gian, còn của phụ nữ thì lại phụ thuộc vào vị trí, dịa vị xã hội mà họ đạt dược trong đời.

Trong những lá thư tình của đàn ông, bóng dáng cơ thể người phụ nữ hiện lên rất mạnh mẽ, chi tiết như là sự truyền tải niềm mong mỏi. Hình bóng ấy là khởi nguồn trực tiếp của cảm xúc trào dâng trong người đàn ông, vì phái mạnh thường gìn giữ tình cảm thông qua những kỷ niệm tiếp xúc thể xác.

Ngược lại, phụ nữ không hay viết về hình thể người đàn ông trong thư tình, vì ở họ những cảm xúc, những đam mê, những câu hỏi và suy tưởng liên quan đến bản chất của mối quan hệ nam nữ được đặt lên hàng đầu, chứ không phải vấn đề thể xác. Hiểu được điều này mới có thể tránh những lầm lẫn đáng tiếc, chẳng hạn, khi người phụ nữ im lặng tức là họ muốn được nói, còn ở đàn ông, điều này chỉ có nghĩa sự thiếu vắng.

Như thế, về căn bản, thư tình là một thông điệp đối với người đàn ông và một vật chứng đối với người phụ nữ. Không phải ngẫu nhiên mà phái đẹp, khi viết thư tình, thông qua việc chọn loại giấy viết, màu mực, những tặng phẩm kèm theo..., đã cho thấy họ muốn vượt qua nỗi cô đơn bằng cách nào.

Lá thư là biểu tượng của sự sống trong một mối quan hệ: ngừng thư là dấu hiệu của sự chia tay. Thư tình là sự đảm bảo, là phương tiện của một mối tình, giúp chúng ta vưọt qua không gian, thời gian và khoảng cách. Theo nghĩa bóng của từ này, nhịp điệu của gửi và nhận thư chính là nhịp điệu của một mối tình. Cạnh đó, thư tình còn khiến những mối quan hệ nhất thời trở nên vĩnh cửu.

Thời nay, có người nghĩ rằng việc viết và nhận thư đã trở thành quá khứ. Nhưng sự thật không phải như vậy! Điện thư, đúng như nghĩa của từ này, đã giảm thiểu khoảng thời gian chờ đợi, chiến thắng khoảng cách và khiến con người gần lại với nhau ở mức cao nhất, trong khi về căn bản, bản chất của lá thư không thay đổi. Cũng như thế với tin nhắn qua điện thoại di động (SMS), hình tức giao tiếp cô đọng và nhanh chóng trong phạm vi có thể.

Phong cách của những dòng thư tình có thể thay đổi, ngắn gọn hơn, nhiều thông tin hơn và đời thường hơn, nhưng bản chất của chúng vẫn như vậy. Đó là sự thể hiện những cảm xúc, ấn tượng, những nỗi lòng, kỷ niệm, những khao khát cần chia sẻ, về nhau và về một mối tình - những gì không thể thiếu được khi yêu...

Trần Lê


 
 Từ khóa: thư tình
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn