KỴ SĨ ĐỒNG

Thứ sáu - 13/10/2006 23:30

(NCTG) Saint Petersburg, "Venice của biển Bắc", cố đô của nước Nga, cho đến nay, đã là vùng đất thu hút du khách quốc tế nhiều nhất của Liên bang Nga.

"Kỵ sĩ đồng" trên một tấm thiệp thế kỷ 19 - Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Nga

"Kỵ sĩ đồng" trên một tấm thiệp thế kỷ 19 - Ảnh: Bảo tàng Quốc gia Nga

Được xây dựng trên những cánh rừng và vùng đầm lầy mênh mông, thành phố có hơn 300 năm lịch sử này mang vóc dáng những nàng thiên nga vươn cao mình trên dòng sông Neva cuộn sóng. Phát triển không ngừng dưới bàn tay của Peter Đệ nhất, vị Đại đế anh minh và kiêu hùng của mọi người dân Nga, không phải ngẫu nhiên mà đến thăm Saint Peterburg, du khách có thể nhận ra rằng mọi di tích lịch sử, mọi công trình kiến trúc, nghệ thuật đáng kể - như Cung điện Mùa đông, Vườn mùa hạ, Làng Nga hoàng... - đều bàng bạc dấu ấn của vị hoàng đế lớn này.

Và, hình ảnh vị vua bách chiến bách thắng có tầm nhìn xa trông rộng ấy đã được khắc họa rất đầy đủ và thành công trong một pho tượng đồng kỳ vĩ, mô tả Peter Đại đế trên mình ngựa, đặt trên Quảng trường Nghị viện (Senate) bên bờ sông Neva. Được đặt trên một bệ đá cẩm thạch cao 6 mét, rộng và dày 3 mét, ngày nay, người Nga vẫn gọi nó bằng cái tên "Kỵ sĩ đồng", như thi hào Pushkin đã gọi trong bản trường ca nổi tiếng của ông thuở ấy. Đó là tác phẩm điêu khắc hoành tráng và ấn tượng nhất về vị hoàng đế đầu tiên của dòng họ Romanov (Nga), tại cố đô Saint Petersburg.

*

Lịch sử pho tượng "Kỳ sĩ đồng" xuất phát từ ý tưởng của nữ hoàng Catherine Đại đế, sau khi lên ngôi trong một cuộc đảo chính, muốn làm những "việc thiện", trong đó có việc để lại một kỷ niệm xứng đáng cho vị hoàng đế khai quốc của dòng họ Romanov. Bà đã bỏ rất nhiều thời gian để tìm cho ra một nhà điêu khắc thỏa mãn mọi đòi hỏi và cuối cùng, Etienne Maurice Falconet, nhà tư tưởng, nhà thần học, đồng thời cũng là một bậc thày kiệt xuất người Ý trong điêu khắc đã được lựa chọn.

Cảm kích trước nhiệm vụ lớn này, Falconet đã lập tức đến nước Nga cùng người nữ học trò tài năng của mình, cô Marie-Anne Collot. Ông bắt đầu bỏ công nghiên cứu lịch sử Nga, đặc biệt là lịch sử thế kỷ XVII thời Peter Đại đế. Nhà điêu khắc tỏ ra tâm đắc trước thiên tài đa dạng của vị hoàng đế, bởi lẽ, không chỉ là một nhà quân sự, Peter còn có tài kinh bang tế thế, cũng như có tầm nhìn bao quát về pháp luật. Trong lá thu trao đổi với nhà văn, triết gia Didorot, một gương mặt lừng danh thời Khai sáng, Falconet thổ lộ: "Tôi cần phải tạc một pho tượng. Nếu tôi chỉ khắc họa hình ảnh một nhà quân sự, thì tôi không thể nêu được những tài năng kiệt xuất của Peter Đại đế. Khó nhất là làm sao để người ta cảm nhận được tầm vĩ đại của vị vua lập quốc, nhà lập pháp và người chấn hưng đất nước... Vị Nga hoàng của tôi sẽ không có cây gậy trong tay, ông chỉ đưòng dẫn lối cho đất nước bằng nghi lực và lòng nhân ái... Nói cách khác, trong pho tượng, cả nước Nga và người thành lập ra nó đều phải hiển hiện...".

Sang trời Nga lập nghiệp, Falconet mở một xưởng điêu khắc tại đại lộ chính của Saint Petersburg. Tại đó, ông bỏ ra nhiều tháng trời để quan sát mọi cử động của ngựa. Ông quan niệm ngoại hình của ngựa sẽ có vai trò vô cùng lớn trong tác phẩm sau này của mình, quyết định sự thành bại của hình tượng người kỵ sĩ. Ngoài ra, ông cho rằng không thể mô tả Peter Đại đế theo kiểu một anh hùng La Mã, cũng như, "không thể bắt hoàng đế Caesar ăn vận theo lối Nga" (lời ông). Cuối cùng, bộ trang phục được chọn cho người kỵ sĩ là áo của người kéo thuyến trên sông Volga, cách ăn mặc bình dân và thông dụng nhất của dân Nga.

Một điểm nan giải là sự thể họa gương mặt người kỵ sĩ, vì nó phản ánh tính cách và sự vĩ đại của một vị đế vương. Falconet khổ công làm ba thử nghiệm, nhưng đều bị nữ hoàng Nga bác bỏ. Khi ấy, cô học trò nhỏ Collot, chưa đầy 20 tuổi, đã xin thày cho phép cô được khắc họa một gương mặt theo tưởng tượng của cô, chứ không cần người làm mẫu, vốn là một vị tướng có nhiều nét giống Peter Đại đế. Vị thày bằng lòng và trong một đêm, Collot đã tạo dựng được những đường nét thuyết phục khiến nữ hoàng Catherine Đại đế phải sửng sốt vì nó quá hợp ý bà! Lập tức, nữ hoàng tặng thưởng cho Collot 10 ngàn Lire; cô còn được bầu làm thành viên Hàn lâm viện Nghệ thuật Nga, nơi mà cho đến lúc bấy giờ, phụ nữ chưa từng được đặt chân!

Biểu tượng của Saint Petersburg

Để đúc pho tượng, hơn 16 vạn tấn đồng và 4 tấn sắt đã được các nghệ nhân nổi tiếng của nước Nga sử dụng. Bệ đá nặng hơn 1.600 tấn được chở từ Phần Lan về Saint Peterburg bằng cần cẩu và ròng rọc. Pho tượng được chính thức ra mắt vào tháng 8-1782, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Peter Đại đế đăng quang. Tượng khắc họa hình ảnh một kỵ sĩ khổng lồ, dũng mãnh trên mình ngựa, đang hướng tới một đỉnh núi, chân ngựa dẫm lên con rắn cản đường. Ánh mắt của người kỵ sĩ hướng về biển Bắc xa xăm, nơi diễn ra những trận thủy chiến lớn giữa Nga và Thụy Điển, kết thúc với chiến thắng thuộc về Peter Đại đế. Ý tưởng của nhà điêu khắc ở đây rất rõ ràng: trong đời, Peter Đại đế đã phải trải qua rất nhiều cản trở trên con đường phát triển và Âu hóa đất nưóc, đưa nước Nga từ một xứ sở lạc hậu, trì trệ lên vị trí cường quốc Châu Âu. Đáng chú ý là trên bệ đá, chỉ vỏn vẹn một dòng chữ đơn giản: "Catherine Đệ nhị tặng Peter Đại đế".

Điêu khắc gia Falconet đã bỏ ra hơn 15 năm của đời mình để hoàn thành tác phẩm lớn của mình. Năm tháng trôi qua, pho tượng "Kỵ sĩ đồng" có trên 200 năm tuổi ấy đã trở thành biểu tượng của Saint Petersburg mà khách du lịch đến viếng thăm thành phố không thể bỏ qua!

 

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Saint Petersburg
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn