TỪ CHUYỆN Ổ BÁNH MỲ ĐẾN CHUYẾN DU LỊCH VIỆT NAM

Thứ năm - 22/11/2018 05:19

(NCTG) “Đa số sẽ chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, làm sao moi tiền thiên hạ, bất chấp ngày mai ra sao. Đạo đức chỉ còn là món hàng xa xỉ trong một môi trường như thế!”.

Làm sao “trồng người”? - Minh họa: Internet

Làm sao “trồng người”? - Minh họa: Internet

Tại Lausanne, trong một chu vi nhỏ, trung tâm thành phố, có ít nhất đến 6 tiệm bán bánh mỳ kẹp thịt của người Việt. Mỗi tiệm mỗi vẻ, tiệm nào cũng có cái hay, tùy khẩu vị và sở thích, ai cũng tìm được cho mình một ổ bánh mỳ vừa ý.

Hôm qua, bước chân vào một tiệm, có quen sơ với chị chủ quán. Sau giờ cao điểm, vắng khách, ngó trước ngó sau, không ai, chỉ có một cô gái đứng tính tiền. Gọi là cô, chứ có lẽ đáng tuổi con mình. Đứng im một hồi, cô ta không ngước mặt lên nhìn, cứ mải mê tính tiền. Đành lên tiếng:

- Chào chị.

Im lặng một hồi, vẫn cúi mặt,

- Chào anh.

Cảm thấy hơi bực, nhưng thôi.

- Chị cho tôi một ổ bánh mỳ heo quay nha.

Vẫn cúi mặt...

- Hết bánh mỳ heo quay rồi!

- Vậy còn chả cá không?

- Còn.

- Cho tôi một ổ vậy.

Cô ta vẫn cúi mặt và hét lớn (xuống bếp):

- Cho một phần chả cá!

Cô ta tỏ vẻ không vui và khi làm bánh mỳ, giao bánh mỳ và lấy tiền, vẫn không vui, không cười. Đằng sau cái cặp kiếng là nét mặt lạnh lùng. Tự hỏi, hay mình đã làm phiền cô ấy khi vào mua sau giờ cao điểm?

Qua cách nói chuyện, biết chắc cô ấy chỉ mới sang Thụy Sĩ, và có lẽ lại theo diện du sinh của các trường học tư quản lý khách sạn. Cứ bỏ vài chục ngàn đô là sang học vài tháng, đi thực tập tại các nhà hàng Việt hay Tàu, rồi tìm đường ở lại hay về nước là đã có công việc tốt chờ đợi.

Cô ta lại không phải là người miền Bắc, cứ kiểu dân ngoài ấy là dễ bị qui chụp vô giáo dục hay ăn nói bất lịch sự.

Cô có giọng ngọt ngào của người miền Nam, thậm chí Sài Gòn. Suy cho cùng, thái độ bất lịch sự, chẳng là vùng miền gì cả, chỉ là vấn đề giáo dục, trong gia đình và ngoài xã hội.

Mà giáo dục thì lại là một thảm trạng. Tất cả đều xuống dốc, đều bị tha hóa tại quê nhà!

Có lẽ cô ta là con nhà giàu, nên mới có tiền sang đi học. Chắc chán nản cái cảnh phải đứng quầy cả ngày, phục vụ khách, tính tiền... nên mới có thái độ như thế!

Mà đi thực tập thì lại là chuyện bắt buộc của nhà trường, chứ không đã đi du lịch cho sướng.

Từ độ chục năm nay, du sinh học quản lý khách sạn đến từ Việt Nam ngày càng đông. Họ rất giàu và cũng cóc cần biết cách cư xử trong giao tiếp với nhau trong xã hội bản xứ. Họ đi làm thì cũng tìm nơi của đồng hương cho đỡ mệt, đỡ vất vả. Họ chẳng cần cố gắng vì thảm đỏ đã được trải sẵn ở quê nhà.

Cho nên, đôi khi phải đón tiếp khách đồng hương, dưới mắt họ, có thể chẳng là gì, lại là chuyện chẳng đặng đừng, vì thế mới biểu lộ sự không vui, không niềm nở.

Mà một thế hệ như thế thì sao gánh vác nổi vận mệnh của đất nước này!

Chỉ chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt, chào hỏi đón tiếp khách, nhưng nó phản ánh cả một bộ mặt thật của xã hội và của con người.

Lại nhớ đến anh đồng nghiệp người Thụy Sĩ, xin nghỉ phép, đưa gia đình và con cái đi du lịch 6 tháng ở Đông Nam Á. Anh ta mê Việt Nam, Lào, Campuchia. Tham khảo ý kiến của mình, anh ta dự tính sẽ ở Việt Nam hơn hai tháng, sau đó sẽ di chuyển đến các quốc gia khác trong vùng.

Gặp lại nhau, hỏi anh ta chuyến đi như thế nào. Anh bảo tốt. Hỏi kỹ hơn nữa, anh buộc miệng “thất vọng” về Việt Nam. Hỏi nữa, anh buồn bảo: “Tốt đẹp thì nhiều, nhưng những điều phiền muộn tuy ít, nhưng nó lại khiến chúng tôi thật chán khi nhắc đến Việt Nam! Và nếu có sự chọn lựa giữa Việt Nam và Indonesia, chúng tôi dứt khoát sẽ quay trở lại Indonesia vì đây quả là một nơi thân thiện và con người nơi ấy chân thật hơn”.

Anh ta không hiểu tại sao ở Việt Nam, gia đình anh lại dễ bị chửi đến thế. Mua đồ, trả giá, không đồng ý, không mua thì tức thời bị chửi, thậm chí đòi đánh. Đi taxi, thắc mắc vì sao phải trả giá quá đắt cho một chuyến đi ngắn thì cũng bị chửi.

Chửi khi biết rằng khách không hề hiểu, nhưng vẫn ra sức phùng mang, trợn má mà chửi. Đó là điều không hay!

Cả gia đình bị chửi. Điều đáng buồn là trước mặt hai cô con gái chỉ độ chừng 9-10 tuổi!

Tôi thử giải thích cho anh ta hiểu vì sao? Ở một xã hội mà nhân quyền bị vi phạm trầm trọng, người dân bị giam cầm bởi một bộ máy chính trị độc tài, thì con người chỉ còn biết bám víu vào sự dối trá, mánh mung để tồn tại, để làm giàu như giai tầng lãnh đạo. Đa số sẽ chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, làm sao moi tiền thiên hạ, bất chấp ngày mai ra sao. Đạo đức chỉ còn là món hàng xa xỉ trong một môi trường như thế!

Trồng cây, trồng người” có lẽ xa vời trong cảnh mạnh ai nấy sống, kẻ có điều kiện thì đã “cao chạy xa bay”, để lại người dân khốn cùng, bươn chải, đối đầu với bao thảm trạng, không lối thoát!

Lâm Bình Duy Nhiên, từ Lausanne (Thụy Sĩ)


 
 Từ khóa: đạo đức
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn