CHUYỆN “CON CU LÀM LÀNH” VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ XÃ HỘI

Thứ tư - 14/11/2018 16:56

(NCTG) “Mọi sự mâu thuẫn giữa cha mẹ, con cái, anh chị em trong nhà cho đến các mối quan hệ ngoài xã hội đều không được giải quyết một cách rốt ráo, văn minh thông qua đối thoại. Tất tần tật được xử lý theo kiểu kẻ mạnh thường thắng hoặc làm lớn thì có quyền áp đặt hoặc sử dụng bạo lực. Nói lý lẽ, bình tâm lắng nghe nhau để hiểu nhau là một điều rất hiếm, hiếm đến mức xa xỉ”.

Người Việt hiếm khi có được sự đối thoại, trao đổi một cách bình tâm và cởi mở - Minh họa: Internet

Người Việt hiếm khi có được sự đối thoại, trao đổi một cách bình tâm và cởi mở - Minh họa: Internet

Hồi nhỏ mình thường nghe các bà các ông nói câu “vợ chồng cãi lộn con cu làm lành” với một vẻ mặt cười cười đầy ý nhị. Sau này lớn, mình biết câu nói đó không đơn thuần chỉ là nói cho vui, nó phản ánh cuộc sống vợ chồng Việt một cách sinh động, giàu hình ảnh và trung thực nhất. Có điều, mình thấy nó sai sai.

Tôi hay được bạn bè tâm sự, trò chuyện về gia đình họ, vấn đề lớn nhất mà các cặp vợ chồng thường gặp là: không thể nói chuyện được với nhau. Tôi cũng đã từng gặp tình trạng không thể nói chuyện được với nhau với một vài anh bạn từng quen biết tìm hiểu, thậm chí với một vài thành viên trong gia đình lớn.

Trong tất cả các mối quan hệ, cho dù có tâm lý, có thấu hiểu và sống cùng, chơi cùng nhau nhiều, lâu, yêu thương nhau rất nhiều thì không ai có thể hiểu về người khác như chính họ hiểu về họ. Để có thể hiểu nhau, con người nhất thiết phải trao đổi với nhau về những nhu cầu, tâm tư của mình để làm cho người đối diện hiểu một cách chính xác nhất mình đang có nhu cầu, tâm tư gì. Đó là cách khoa học, đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay.

Thế nhưng, để làm được điều trên, con người cần phải có khái niệm về các kiến thức nền tảng, có sự hiểu biết về chính mình, biết mình muốn gì, cần gì, nghĩa là phải nhất quán, chân thật trong sự hiểu biết.

Nhìn lại Việt Nam, ta có thể dễ dàng nhìn thấy xã hội chúng ta là một xã hội đầy rẫy những con người nói rất nhiều nhưng thường nói linh tinh, ít khi chia sẻ với nhau một cách nghiêm túc về những điều tốt lành, chân thật. Điều này không chỉ ở ngoài đường, ở cơ quan mà ngay cả ở trong nhà với nhau.

Cha mẹ không muốn đối thoại với con cái mà thường luôn muốn ra lệnh. Anh em khó nói chuyện với nhau vì ngay từ bé đã hiếm có gia đình tạo được sự bình đẳng giữa những đứa con với nhau, vẫn cái kiểu đứa lớn luôn bị chèn ép, la mắng để cưng chiều đứa nhỏ hơn, vẫn quát vẫn đánh và bọn trẻ không thể chơi, coi nhau là bạn thì khi lớn chúng chỉ là anh em có liên hệ máu mủ, không thể hơn nếu chúng chưa có một lần thực sự nói chuyện cởi mở hiểu biết với nhau.

Bởi vậy, cha mẹ cũng vẫn chỉ là cha mẹ, không thể trở thành nơi bình an cho con cái tìm về nói chuyện, tìm lời khuyên, chia sẻ mọi sự, không thể có cái gọi là tổ ấm - thứ mà nhiều người Việt tưởng mình có. Mọi sự mâu thuẫn giữa cha mẹ, con cái, anh chị em trong nhà cho đến các mối quan hệ ngoài xã hội đều không được giải quyết một cách rốt ráo, văn minh thông qua đối thoại. Tất tần tật được xử lý theo kiểu kẻ mạnh thường thắng hoặc làm lớn thì có quyền áp đặt hoặc sử dụng bạo lực. Nói lý lẽ, bình tâm lắng nghe nhau để hiểu nhau là một điều rất hiếm, hiếm đến mức xa xỉ.

Do đó, chúng ta thường thấy chỉ khi đã xảy ra chuyện: ăn cắp, cướp, hút chích, cờ bạc, rượu chè, làm bậy, giết người... thì lúc đó ba mẹ, anh chị, xóm làng mới ngả ngửa ra: “Ôi cái đứa ấy nó hiền lắm mà sao lại vậy?!”. Một sự ngạc nhiên có vẻ như vô tội, nhưng cũng tàn nhẫn đắng đót đến thắt ruột. Bởi có lẽ những điều đó đã có thể không xảy ra nếu con người có thể nói được với nhau.

Vợ chồng cho dù sống chung nhau nhưng vẫn là hai thực thể hoàn toàn khác biệt, ta không thể đòi hỏi đối phương phải hiểu ta đang nghĩ gì và không bao giờ được phép tự cho rằng ta đã hiểu đúng và đủ về đối phương rồi tự ý áp đặt, thậm chí còn nhân danh tình yêu để áp đặt. Ấy thế mà phần đa vợ chồng Việt luôn bắt đối phương phải hiểu, đoán ý mình mà không chịu nói thẳng và thậm chí họ còn coi đó là “ý nhị”.

Những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống vợ chồng, những bất đồng không được giải quyết một cách triệt để nhằm giải tỏa cho nhau, họ cứ leo lên bụng nhau để làm lành, kích thích nhau để não sinh ra endorphin làm hưng phấn đem lại sự thỏa mãn theo nhiều cấp độ khác nhau, mục đích là né tránh việc nói chuyện thẳng thắn để giải quyết vấn đề.

Con cu làm lành” là không cần nói chuyện nữa và họ đương nhiên coi việc đó là hiệu quả, đúng đắn. Có thể endorphin và sự thỏa mãn làm cho vấn đề bị chìm lắng nhưng về bản chất nó vẫn đang tồn tại, chưa được giải quyết, nó sẽ trở lại lần sau và gây hại nhiều hơn cho đến lúc tích tụ đủ nhiều những mâu thuẫn nhỏ sẽ thành lớn chuyện. Lúc đó, người ta không thể nói với nhau được mà cũng chẳng thể tiếp tục làm lành bằng “con cu”.

Các thế hệ tiếp nối nhau sống theo “truyền thống”, kinh nghiệm mà ít khi thắc mắc, băn khoăn, tự nhận ra, đặt vấn đề để tìm cách thay đổi cách thức đối xử với nhau. Sự thẳng thắn trong giao tiếp không được coi trọng, sự lịch sự nhã nhặn bị hiểu sai và hiếp đáp, sự hiểu biết, thấu hiểu, chia sẻ bị lợi dụng, tri thức bị chà đạp khinh thường nên người Việt thường đối xử với nhau bằng mặt không bằng lòng từ gia đình cho đến xã hội.

Chính thế mà con người Việt Nam ít tin nhau, hay hằn học và thậm chí trở nên sống giả tạo ngay cả với chính mình. Mâu thuẫn nội tại không được nhìn nhận và không ai quan tâm. Hệ lụy của nó là xã hội không thể gắn kết, chẳng có cái gì có thể định hình một cách rõ nét bởi tất cả đều chỉ được nói đến và giải quyết một cách nửa vời.

Có lần, tôi vừa đùa vừa thật trêu chị bạn: “Chị nói sai rồi, chị xin lỗi em đi”. Chị cười cười, tìm cách đổ lỗi cho điều kiện, hoàn cảnh, tại bị nọ kia. Tôi vẫn khẳng định: “Chị sai rồi, chị xin lỗi em đi. Không có tại bị gì cả. Em không phải là chồng chị nên chị không thể nói sai xong tối leo lên bụng em để làm lành được đâu, chị phải xin lỗi em, nói chuyện cho hiểu nhau thì mới xong chuyện được”.

Chừng nào trong gia đình có thể nói chuyện thằng thắn cởi mở với nhau để giải quyết mâu thuẫn, trong hôn nhân không lợi dụng tình dục để né tránh, thì lúc đó, đối với các vấn đề của xã hội, trong mọi mối quan hệ, họ mới có thể trao đổi thằng thắn trung thực. Chỉ có vậy mới tạo dựng được các mối quan hệ tốt, tin cậy, mới có thể hình thành các hội, nhóm, tổ chức mạnh, mới có sự đoàn kết, liên kết để làm việc to tát phục vụ cho lợi ích chung.

Nguyễn Thị Bích Ngà, từ Sài Gòn


 
 Từ khóa: đối thoại
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 3.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn