(NCTG) “Thay vì khóc thương và âu lo cho nước Pháp, hãy mặc áo vàng, áo đỏ hay màu gì anh chị muốn rồi xuống đường đóng chốt, đòi thay đổi cho đất nước của mình khi cần thì hơn...”.
Những thành viên phong trào “Gilet vàng” đốt lửa sưởi ấm những ngày giá lạnh - Ảnh: Olivier Lejeune (LP)
Chủ nhật đi chợ với con trai, lần đầu tiên nhìn thấy những kệ hàng trống không, mắt tròn mắt dẹt, cậu dừng lại đọc mấy tờ thông báo: “Vì lý do các hoạt động phản kháng xã hội, hệ thống vận chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng. Cửa hàng không có đầy đủ các mặt hàng để phục vụ quý vị. Chúng tôi xin cáo lỗi cho sự bất tiện tạm thời này”. Mình hỏi con trai con không thất vọng chứ, không hề do dự cậu bảo: không, “c’est normal”, bình thường mà mẹ.
Giả vờ ngơ ngác, mình hỏi sao lại bình thường, cậu bảo ngay, không phải mình thấy không có khó khăn trong cuộc sống thì những người khác cũng vậy, không phải mình không nhìn thấy có vấn đề tức là không có vấn đề. Nhiều người bất bình như thế, họ có quyền thể hiện sự bất bình của họ chứ. Nghe câu trả lời, tim mình đập loạn xạ, trong đầu nhủ thầm, bọn “tư bản giãy chết” dạy trẻ con kiểu gì không biết, mới 10 tuổi mà ăn nói thế này?!
Nhìn lại, thấy nhận thức thật sự là cả một quá trình. Nếu 10 tuổi, một đứa bé đã nhận thức được sự khác biệt của từng con người và tôn trọng nó thì khi trưởng thành, họ sẽ hành động khác với những người “trưởng thành” khác không có nhận thức căn bản từ nhỏ. Cứ nhìn cái cách người Pháp đang làm qua phong trào “Gilet vàng” từ ba tuần nay và cách phản ứng của người “lớn” gốc Việt (dù đang ở Việt Nam hay nước ngoài) trước sự kiện này để thấy.
Gần ba tháng trước, được người thân và bạn bè giới thiệu vào các nhóm kín trên Facebook, thoạt đầu thú thật mình chẳng hiểu gì khi thấy mọi người chia sẻ rất nhiều phát biểu của giới chính khách, những nhận xét, lời kể về chính bản thân - tất cả chỉ xoay quanh quyết định tăng thuế xăng, giá điện, về điều kiện vật chất của người dân ngày càng đi xuống. Những chia sẻ như thế bắt đầu xuất hiện public và dần được lan tỏa rộng rãi trên Facebook.
Như một trái bóng tuyết ngày càng lớn dần lên, số người tham gia bày tỏ chính kiến cũng ngày một đông đảo, gồm đủ mọi thành phần: luật sư, bác sĩ, giáo viên, cảnh sát đến công nhân, nông dân, người thất nghiệp, người về hưu, sinh viên và cuối cùng là những “người của công chúng”, nghệ sĩ, chính trị gia... Tất cả đều khẳng định quyền tự do biểu đạt của mình và coi việc làm sao để chính phủ phải nghiêm túc lắng nghe họ là một trách nhiệm.
Những lời kêu gọi xuống đường tự phát bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng được nhân rộng. Không muốn trở thành phương tiện của bất kỳ đảng phái nào, cũng như không muốn bị bất cứ tổ chức công đoàn nào lãnh đạo vì nhận thấy biểu tình có tổ chức cũng không đem lại kết quả mong muốn, nhóm “Gilet vàng” quyết định hành động với mục đích buộc chính phủ phải ngồi vào bàn đàm phán và một từ được triệt để thống nhất: không bạo lực.
Đương nhiên, bất kỳ ai khi tham gia phong trào cũng ý thức được việc xuống đường không có tổ chức tiềm ẩn những nguy hiểm cho công cuộc chung, như bị các nhóm cực đoan hai phía tả, hữu và casseur (côn đồ) chuyên nghiệp trà trộn, bản thân có thể bị xô xát, bắt bớ khi bị nhầm với các thành phần cực đoan, mất thu nhập… Nhưng tất cả vẫn quyết tâm hành động với phương châm “không thể vừa làm cách mạng vừa ăn bánh ngọt”!
Và như vậy, cứ cuối tuần những công dân nổi dậy đã thực hiện quyền tự do biểu đạt và tự do tụ tập ở các bốt trên đường cao tốc, ở cửa ngõ thành phố, trung tâm Paris, khu hành chính đầu não của chính phủ. Nhận được sự ủng hộ của 80% dân Pháp, các nhóm “Gilet vàng” đang hình thành có tổ chức hơn, có sự phối hợp nhịp nhàng hơn và với sự hậu thuẫn của dân chúng, họ có thể trụ vững cho đến khi đạt được mục đích của mình.
Để hiểu được dân Pháp tự hào thế nào về những việc họ đang làm, phải chứng kiến đoàn người rủ nhau đi cùng xe để tiết kiệm phí từ tỉnh lên Paris biểu tình cuối tuần, và người Paris thì sẵn sàng mở cửa đón “Gilets vàng” từ các tỉnh tá túc qua đêm ngày càng đông. Phải nhìn tận mắt “Gilet vàng” tụ tập quanh đống lửa đốt bên đường trong cái rét 0°C và những cái vẫy tay thân thiện, những lời chúc dũng cảm và cám ơn của người qua đường.
Phải thấy những ly cà phê và bánh mỳ nóng hổi từ tay các cụ già đem đến cho những người giữ chốt qua đêm trên đường cao tốc, những cái ôm, những lời chia sẻ thăm hỏi từ các đồng nghiệp khi họ biết bạn mình đã đứng trong gió lạnh ngoài trời mùa đông hai ngày cuối tuần để đấu tranh cho một sự đổi thay đổi chung. Quả thực, trong mắt mình, những công dân “Gilet vàng” thật sự có lý do để tự hào. Điều này chỉ những người Pháp mới hiểu!
Tất nhiên, những hình ảnh hỗn loạn, người biểu tình bịt mặt đốt phá cửa hàng cửa hiệu, hôi của, cảnh sát xịt hơi cay, đánh người biểu tình, Khải Hoàn Môn bị sơn bẩn, v.v... thật kinh khủng, ít nhất là trong mắt những người ở xa. Có nhiều người Việt quan tâm đến đất nước một thời là Kinh đô Ánh sáng, cái nôi của dân chủ và nhân quyền đã có phần lo lắng và tìm hiểu những gì đang xảy ra ở đây cùng nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc nổi dậy này.
Nhưng cũng có nhiều người Việt hả hê, bỉ bôi và tranh thủ “dạy bảo” rằng dân chủ quá là chết, nước Pháp đi xuống như thế là phải, ai bảo không lựa chọn kiểm soát người nhập cư, ai bảo không kỷ luật bắt bỏ tù cái “bọn mọi”, “bọn rệp” lười nhác lại hay thích đi đập phá… và không quên thêm vào vài tiểu tiết kiểu nước Pháp bẩn thỉu, đày rác với cứt chó, trộm cắp như rươi, rồi người dân thì lười nhác chỉ khôn vặt thích ngồi ăn trợ cấp, v.v...
Những tưởng chỉ có “báo chí cách mạng” mới viết được những bài có tựa đề “Bạo loạn ở Pháp: Cơ hội của những kẻ vô lại”, ai dè ngay cả một số người được đánh giá là cấp tiến, “trí thức” trong và ngoài nước cũng có những phát ngôn kỳ thị, định hướng nguy hiểm như vậy. Vì sao? Phải chăng với cái thâm căn của một sắc dân “hiền hòa”, không có tinh thần phản kháng nên người Việt khó có thể chấp nhận quyền tự do biểu đạt của người khác?
Hình như, dù được lĩnh hội những giá trị dân chủ hay nhân quyền đi nữa thì người Việt đang ở một xứ cộng sản độc tài, hay ở những quốc gia văn minh cũng vẫn cần một cái khung mới cảm thấy “đúng”, thấy an toàn? Từ khi nào những người chưa hề biết tới nhân quyền, dân chủ, hay đang thụ hưởng giá trị của dân chủ từ vài chục năm trở lại đây lại cho mình cái quyền khinh khi người dân của một đất nước đã làm nên giá trị này từ mấy thế kỷ nay?
Bề dày lịch sử đã tạo nên một tính cách văn hóa chính trị rất rõ rệt trong mỗi người dân Pháp, và đó là điều không phải ai cũng cảm nhận và nắm bắt được. Nếu cuộc Cách mạng Pháp là cái nôi của những khái niệm về dân chủ, nhân quyền, tự do, thì người dân Pháp từ đó đến nay vẫn kiên tâm đi theo con đường đó, dù nó có những khúc ngoặt, những gập ghềnh, mâu thuẫn, những đoạn trường không mấy vẻ vang. Và họ tự hào về điều này.
Thay vì khóc thương và âu lo cho nước Pháp, hãy mặc áo vàng, áo đỏ hay màu gì anh chị muốn rồi xuống đường đóng chốt, đòi thay đổi cho đất nước của mình khi cần thì hơn - dân Hà Lan, Bỉ, Đức, Bulgaria và cả Iraq đã và đang khoác áo vàng xuống đường rồi đấy. Chính phủ Pháp ngày hôm qua đã quyết định lùi hạn tăng giá điện như một sự hoãn binh, và hôm nay đã quyết định bỏ tăng thuế xăng dầu dưới áp lực không giảm của người dân.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...