(NCTG) “Hôi của, thì mình thành khẩn khai báo, đầu thập niên 70 có chạy vào trong một cửa hàng quần áo ở Xóm Học vừa bị biểu tình đập vỡ cửa kính. Thay vì lấy quần lấy áo mô đen, thậm chí lấy được đôi tất hay cái khăn quàng cổ, mình chậm tay chỉ lấy được một cái đầu người mẫu nam bằng nhựa”.
Khi xem thời sự TV, chẳng ai phát hình ảnh an bình - “Áo gi-lê vàng” tại Đại lộ Champs-Élysées, ngày 24-11-2018 - Ảnh: Gonzalo Fuentes (Reuters)
Trước hết, khi xem thời sự TV, chẳng ai phát hình cảnh an bình, dù là ở đâu.
10 xe bị đốt là cảnh khói lên ngùn ngụt đen cả 65 phân anh của màn hình. Nước Pháp (67 triệu dân cư) có 32 triệu xe đăng ký, nội thành Paris là 2,2 triệu dân cư, cỡ 1 triệu xe con. Như vậy còn lại, chỉ bị xây xước va quẹt khi tìm chỗ đỗ, là 999.990 xe. Nói thêm, các xe bị đốt là các xe đã tìm được chỗ đỗ! Đây là điều kỳ diệu mà ai từng cầm lái ở thành phố này đều biết: ta chạy vòng vòng nhưng ta không có chỗ ngừng lại.
Thứ nhì, về an ninh, nếu đây loạn thì kia an bình, cách cỡ 500m.
Beirut là một thành phố rất nhỏ về diện tích. Thời nội chiến có bận mình ăn tối với một giáo sư tiến sĩ rất chảnh ở một nhà hàng khách sạn cao cấp. Ông bảo phục vụ đổi rượu vang vì không đúng độ! Phục vụ ra vẻ đăm chiêu vì cái rềnh ràng này. Thì ra, anh lo đang đì độp đánh chốt trên đường về nhà anh, anh sợ không về nhà kịp, còn nó có đánh trên đường về nhà quý vị đâu, quý vị cứ việc nhâm nhi rượu đúng độ lạnh mà ngồi đây nghe đì độp và tên lửa lùng bùng.
Giữa hai đợt tổng công kích Tết Mậu Thân, Sài Gòn có những đêm hỏa tiễn 122 ly rơi vào thành phố. Nếu rơi vào khu bình dân chui rúc nhà tôn thì gây ra đám cháy. Nếu rơi vào phố nhà gạch như ở cạnh nhà mình tại Quận 3 thì trổ mái sập tường, mình có đi xem và chẳng mấy gì ấn tượng. Trong thời gian này, trường nào thì không biết nhưng trường mình theo học (Jean Jacques Rousseau, sau là Lê Quý Đôn) thì vẫn mở cửa bình thường. Nó chiếm một diện tích lớn trong thành phố, lại nằm bên hông Dinh Độc Lập là mục tiêu chiến lược. Đêm nghe pháo vì vèo, sáng ra mình thầm ước là có quả rơi vào đúng ngay trường, gây đám cháy tại chỗ lưu trữ hồ sơ của phòng đốc học nhưng bận nào cũng thất vọng, nó đều rơi những tận đâu và mình vẫn phải vào lớp như thường. Giờ, trong giai đoạn này, nếu xem thời sự ở Mỹ thì phát khiếp, ngày nay nhắc lại vẫn rung rinh rung mình. Sài Gòn dưới pháo, mình vẫn phải đi học và vẫn phải nộp bài đúng hạn. Nếu ngày đó có mạng xã hội thì hẳn đã phải trấn an thêm các bạn FB ở xa là mình vẫn chẳng sao, đang ngồi chép bài phạt trong giờ cấm túc đây này!
Thứ ba, mình đã từng đi biểu tình ở Pháp rất nhiều lần.
Ở các cuộc tuần hành lớn, mỗi tổ chức tham gia đều có ban trật tự. Hữu hiệu nhất là ban trật tự của Tổng Công đoàn CGT (Đảng Cộng sản Pháp). Các bạn nam này cơ bắp áo da đen, đảm bảo an ninh và trật tự hoàn toàn trong đoàn, thường là đoàn diễn hành đầu. Các bạn bao 3 mặt, đi 2 bên ngoài và đoạn hậu, ngăn chặn các phần tử lạ trên lề đường xâm nhập đàn để gây rối, cũng như các phần tử trong đoàn xông ra đập phá hay vấy loạn.
Phía sau đoàn này, là các đoàn cực tả, Đệ Tứ (FO, LCR). Có đến nửa ban trật tự thành phần này là các thiếu nữ mảnh khảnh nhưng họ hữu hiệu không kém. Các bạn này cũng không cho phép có đập phá từ phía trong đoàn nhưng thường thì vô can với đạp phá bên ngoài. Phải thấy họ xếp hàng cầm cán cờ giữ tuyến trước cảnh sát cơ động để bảo vệ đoàn, trong khi khinh binh tay không ào ra nhặt lựu đạn cay bằng bao ny lông đã thủ trên mình. Những chuyện này đều có sắp đặt sẵn, người nào việc nấy rất nhuyễn.
Ngay sau là đoàn vô chính phủ (cờ đen), các bạn này thì không có an ninh gì hết và lộn xộn là từ đoàn của các bạn. Hàng ngũ của các bạn không nghiêm chỉnh, phía đuôi là thành phần phá rối, vô tổ chức và ăn theo. Khi tuần hành sắp dứt thì thành phần này đập kính các cửa hàng cho vui, trong đó có các phần tử công an cảnh sát chìm. Đây là chuyện mình chính mắt có bận trông thấy (không có nghĩa là bận nào cũng vậy), mấy anh mới gây rối lấy băng cảnh sát ra đeo và đuổi bắt mọi người! Vừa đập phá, là các đại đội cơ động cầm khiên xung kích rầm rập như bộ binh La Mã, các cung thủ cảnh sát phía sau bắn lựu đạn yểm trợ lốp bốp qua đầu.
“Áo gi-lê vàng” là phong trào tự phát, không có trật tự, không có đầu, nhưng có đuôi gây rối như trong mọi cuộc biểu tình và chuyện của họ mình hoàn toàn không rõ. Phong trào này không có hoặc hơi bị nhiều lãnh đạo, thuộc thành phần cả tả lẫn hữu và lấy tên từ áo phản quang mà xe con nào tại Pháp cũng phải có phòng khi xe phải dừng lại giữa lộ giao thông.
Mây năm trước, truyền thông tại Mỹ, đặc biệt là đài Fox News, từng rêu rao là Paris có một số khu vực “cấm vào” (No-Go Zone) do Hồi giáo quá khích quản lý bằng luật Hồi giáo Sharia. “Chuyên gia chống khủng bố” Sebastian Gorka và cố vấn của ông Trump là một người hăng say trong chuyện này và đưa cả bản đồ lên báo làm bằng. Khu vực No-Go này (theo Gorka) ở phía Tây Bắc nghĩa trang Père Lachaise, thật ra là nơi ngụ cư của thành phần Bobo nghệ sĩ, chiều chiều ngồi uống bia cạnh con kênh Saint Martin, có Marcel Carne từng quay bộ phim “Hotel du Nord” (1938). Chuyện “Áo gi-lê vàng” mới đây cũng tương tự, thổ phỉ hôi của đã lan ra đến tận Khải Hoàn Môn!
Hôi của, thì mình thành khẩn khai báo, đầu thập niên 70 có chạy vào trong một cửa hàng quần áo ở Xóm Học (“Hỡi em người xóm học, sương thấm hè phố đêm”, Quartier Latin) vừa bị biểu tình đập vỡ cửa kính. Thay vì lấy quần lấy áo mô đen, thậm chí lấy được đôi tất hay cái khăn quàng cổ, mình chậm tay chỉ lấy được một cái đầu người mẫu nam bằng nhựa.
Cái đầu này, mình để đầu giường và mắc kính trên đó khi đi ngủ.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...