RẼ TRÁI TRÊN MÁY BAY

Thứ bảy - 01/12/2018 03:28

(NCTG) “Túm lại người lịch sự đi xe đạp cũng sang…”.

Đẳng cấp của bạn không nhất thiết thể hiện ở ở hạng bay của bạn - Minh họa: Internet

Đẳng cấp của bạn không nhất thiết thể hiện ở ở hạng bay của bạn - Minh họa: Internet

Trong bộ phim “The Best Exotic Marigold Hotel” (rất hay, các bạn nên xem), có cảnh một người đàn bà hãnh tiến thất thế đã gào lên với chồng: “Tôi không muốn cứ mãi rẽ phải khi lên máy bay. Tôi muốn được rẽ trái”.

Rẽ trái trên máy bay, là rẽ vào khoang business (thương gia) hoặc first class (hạng nhất).

Tại sao nhiều người không thích khoe ăn vỉa hè, uống bia hơi, nhưng dù chỉ vài lần được bay business class thì lại rất muốn thiên hạ biết? Mình đoán là vì không ở đâu “đẳng cấp” lại được mặc định công khai và rõ ràng như khi bay: bạn đi cửa riêng, thẻ của bạn màu khác, lên tàu bạn rẽ trái, đồ ăn đồ uống của bạn ngon hơn, chỗ ngồi sướng hơn, phim nhiều hơn, toilet đẹp hơn... và tất cả đều trưng ra trong cái nhìn “ganh tỵ” của kẻ khác. Gọi thẳng là CLASS mà lị!

Cũng trong một bộ phim Hollywood “Jerry Maguire”, nhân vật nữ ngồi hạng thường sau khi nghe lỏm được câu chuyện của hai khách hàng hạng C và bị kéo rèm chắn lại, đã thốt lên: “Business class từng chỉ là một bữa ăn ngon hơn, bây giờ là cả một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Cho đến năm mình 40 tuổi, chỉ khi nào đi công việc công ty trả tiền mới đi hạng C theo quy định (hơn 4 tiếng bay). Còn thì mỗi lần đem con về Mỹ vẫn đi hạng thường, bay 30 tiếng bế con trên tay rã rời, con khóc, ghế bên cạnh lườm nguýt, bản thân mệt đứ đừ lưng đau như dần về tới nơi mất 2-3 ngày để hồi sức. Hồi đó cũng đã có tí tiền có thể bay C được nhưng cứ nghĩ phí hoài, chịu khổ một tý có một ngày, mà đỡ tốn thêm 3 ngàn đô thì điên à mà không?

Một chị bạn Anh quốc của mình làm giám đốc tiếp thị toàn cầu của một công ty đa quốc gia, khi đi chơi tiền túi cũng chỉ đi hạng thường vì “hai ba ngàn tiết kiệm được, tới nơi tao ở khách sạn thật sang, mát-xa thật sướng, ăn thật ngon mấy ngày liền thì tao sẵn sàng ngồi chật một tí”. Nhưng mấy năm gần đây mình già, lưng đau chân mỏi, lại ghét đi xa dù đi công việc hay đi chơi, nên nếu đi thì đều đi hạng C cả.

Lý do là nếu đi công việc thì theo nguyên tắc của ông đại sứ Pháp thế kỷ trước mà mình quên mất tên: “Tôi có thể ngồi ăn dưới gầm bàn với tư cách cá nhân nhưng với tư cách đại diện của nước Pháp tôi đòi hỏi phải được ngồi ở đầu bàn”. Hơn nữa, đi công việc nhiều khi đến nơi phải vào họp, thuyết trình liền, nếu người già đau mệt thiếu ngủ thì mặt mũi bơ phờ đầu óc lờ đờ, hỏng cả việc.

Hạng C còn được ưu tiên đổi vé đổi giờ linh hoạt, máy bay trễ thì được chuyển sang chuyến khác sớm hơn... nên tránh được lỡ công việc. Đi chơi tiền túi mà đi xa cũng nghiến răng đi C, thà đến nơi ở khách sạn boutique nhỏ, ăn thì vốn ăn ít và không thích ăn sang, còn hơn 12 tiếng ngồi co ro cạnh anh Tây to đen hôi ngáy pho pho hay cậu bé 11 tuổi la hét cọ quậy ầm ĩ thì khi đến nơi cổ vẹo mất mấy ngày, tâm trạng cáu bẳn còn đâu mà chơi với bời.

Tuy nhiên, dù bạn đi hạng gì, thì đẳng cấp của bạn thể hiện ở cách ứng xử chứ không phải ở hạng bay của bạn. Người có đẳng cấp nếu đi với cấp dưới sẽ hoặc nâng hạng cho họ đi cùng mình, hoặc tiết kiệm thì hạ hạng của mình xuống để đi cùng họ chứ đừng rẽ trái khi sếp mình rẽ phải, nhất là khi sếp trả tiền cho bạn để bạn tích điểm nâng hạng chứ không phải bạn chơi sang bỏ tiền túi tự nâng nhé.

Một lần đi Singapore (mình toàn bay thường vì chặng ngắn) thì gặp một đại gia tên tuổi người Nam (công ty tư nhân sản xuất chứ không BĐS, không BOT nhé) ở sân bay. Ảnh ngồi ngoài khu chờ chung với mình nói chuyện rôm rả, chứ không vào phòng chờ thương gia. Lúc lên máy bay ảnh cũng đi cùng xe buýt với mình, còn xách đồ hộ mình. Lên máy bay anh chào mình bảo tí gặp lại anh trả đồ mình khỏi xách, rồi rẽ trái! Đó là đẳng cấp. Nể quá! 

Bạn ngồi hạng C, thái độ với tiếp viên cũng nên vui vẻ, nhẹ nhàng, khiêm nhường. Đừng quát tháo lỗ mãng đã đành, cũng đừng có thái độ kẻ cả chọc trêu “em ơi, thịt em ngon quá” này nọ nhé. Họ có khi đi nhiều biết nhiều hơn bạn, bạn ra vẻ chê khen rượu của họ, họ cười thầm cho.

Túm lại người lịch sự đi xe đạp cũng sang, người thô lậu đi máy bay riêng cũng vẫn thô lậu, khoe ra còn quê nữa!

Hoàng Thị Mai Hương, từ Sài Gòn


 
 Từ khóa: hạng C, first class
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn