TÔI SẼ MANG CON ĐI TUẦN HÀNH HAY KHÔNG?

Thứ hai - 09/05/2016 19:57

(NCTG) “Tôi sẽ có thêm lý do để xuống đường, để hy vọng ngày mai, trên mảnh đất quê hương, con cái tôi sẽ cùng con cháu chúng, không phải sợ bị đánh đập, tù đày, chỉ vì trót nói lên TÌNH YÊU của mình!”.

Hình ảnh đau đớn trong Ngày của Mẹ - Ảnh: Facebook

Hình ảnh đau đớn trong Ngày của Mẹ - Ảnh: Facebook

Ngày của Mẹ (Mother's day) 8-5, tỉnh dậy với hình ảnh của chị Bee (Hoàng Mỹ Uyên) đang bầm dập ôm con giữa những đánh đập, bắt bớ của “những anh áo xanh đeo băng đô trên tay áo”. Một video khác có hình ảnh một cháu nhỏ bị giằng ra khỏi tay mẹ khóc thét, để người ta bắt bà mẹ trẻ.

Nếu đủ quan tâm, bạn có thể xem video này từ phút 8.40, để biết chị Uyên khẳng định quan điểm xuống đường ôn hòa của mình, để khẳng định các con chị đã tự nhận thức, lo lắng trước vấn đề môi trường và xin được đi cùng mẹ (vì đang có rất nhiều người đang chửi rủa chị “ngu”, “ác” khi mang con đi tuần hành để “làm công cụ”, v.v...).

Tôi còn để ý trân trọng chị Uyên ở chỗ, trong lúc sụt sịt khóc, còn chưa hết xúc động, lời kể của chị vẫn nhã nhặn “các anh áo xanh ấy đạp vào đầu” hay “mình xin mấy anh ấy đừng đánh” chứ tuyệt nhiên không chửi rủa, hay chí ít dùng những ngôi xưng “bọn nó”, “bọn họ”… Được biết, chị là một phụ nữ hoạt động thiện nguyện năng nổ được biết đến với thùng bánh mì “miễn phí - mỗi người một ổ” cho dân nghèo Sài Gòn.

Cuối video cũng có một chuyện mập mờ khi có kẻ bỏ thẻ nhớ vào túi áo người tuần hành. Để đề phòng vô tình bị lợi dụng, đặt điều, vu khống, chị Uyên cũng khuyên “đừng cầm cái gì, đưa cho ai, mà phải vứt nó xuống đất”, và một mực nhắc lại “mình không thuộc tổ chức đoàn hội nào hết”.

Với quan điểm cá nhân, tôi nghĩ cho trẻ nhỏ đi tuần hành vì môi trường là điều có ý nghĩa, cha mẹ lên tiếng vì môi trường là vì tương lai của chúng. Nếu con từ 3-4 tuổi trở lên bắt đầu có nhận thức thì nói chuyện vơi chúng, nếu con đồng ý tham gia và hiểu ý nghĩa, thì rất nên.

Dạo trước, tôi có đưa con đi tuần hành ở Paris theo thói quen đi đâu cũng cả nhà. Nhưng đi trong đoàn người, nhiều người mang cả gia đình và con nhỏ, họ nói với nhau “đây là một dịp quan trong và ý nghĩa để dạy con về “citoyenneté” và về “démocracie” et valeur républicaine” (quyền công dân, dân chủ và giá trị nền cộng hòa) nên họ đưa con đi để chúng được tận mắt cảm nhận.
 
Người phụ nữ bị “các anh áo xanh ấy đạp vào đầu” cho dù đã “xin mấy anh ấy đừng đánh” - Ảnh: Facebook
Người phụ nữ bị “các anh áo xanh ấy đạp vào đầu” cho dù đã “xin mấy anh ấy đừng đánh” - Ảnh: Facebook

Với những nhân chứng và hình ảnh thấy được ngày 8-5 ở Việt Nam, khi hơn chục người đàn ông to khỏa vạm vỡ lao vào đấm đá, giằng trẻ nhỏ ra khỏi tay mẹ chúng, kéo lê họ trên đường, tôi càng khẳng định việc cần phải lên tiếng, vì sự đàn áp bắt bớ này, đã đến độ vô nhân tính.

Nếu sự đàn áp này làm người dân sợ hãi và rúm lại thì hóa ra cai trị bằng bạo lực đã thành công? Và một chính quyền, đến mức phải dùng vũ lực với dân lành, có phải đang tự chứng minh sự bất lực và thất bại trong quản lý?

Nhưng tôi cũng sẽ suy nghĩ lại về việc mang trẻ nhỏ đi TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM! Vì chính quyền đối xử với người dân không trong tương quan của một nhà nước PHÁP QUYỀN và coi trọng con người.

Khi người dân xuống đường với con cái họ, vì họ còn chút ít hy vọng rằng họ có một tiếng nói để có thể được nghe thấy, rằng tương lai của trẻ em phải được báo động và quan tâm. Nhưng sự đàn áp này đã cắt thêm lần nữa mối dây nối họ với chính quyền, vốn đã lỏng lẻo và ngày càng mong manh.

Làm cha mẹ, trước những hình ảnh dã man ấy, tôi sẽ chọn không mang con theo khi tuần hành nữa, vì đối diện với tôi, những kẻ đàn áp kia không phải là con người, mà là một BẦY THÚ DỮ!

Tôi thấy suy nghĩ đó có phần HÈN, vì nó đi ngược lại với lẽ sống của bản thân, tôi có thể mang con đi để việc nếu họ đánh đập, đàn áp tôi và con sẽ là một minh chứng sống nữa cho sự BẤT NHÂN của họ. Nhưng tôi ko dũng cảm đủ để đem an nguy của con ra đặt cược.

Còn bản thân tôi, một người đã trên 18 tuổi, đã có đủ quyền công dân và đã làm cha mẹ thì ngược lại, tôi lại càng phải nói lên tiếng nói của mình, dù hiệu quả của việc xuống đường có nhỏ bé và dường như là viển vông, vô ích, hay “còn đầy việc đóng góp có ích hơn”.

Nhưng ngay việc không thể mang con đi tuần hành, cũng giống như người ta không dám ăn cá, nó chứng minh môi trường sống cả về thể chất lẫn nhân quyền đã bị nhiễm độc hết mất rồi!
 
Trẻ em cùng gia đình đi biểu tình phản chiến, nhưng đó là ở nước ngoài - Ảnh tư liệu
Trẻ em cùng gia đình đi biểu tình phản chiến, nhưng đó là ở nước ngoài - Ảnh tư liệu

Hình ảnh người mẹ ôm con với ánh mắt quyết liệt này sẽ ghi nhớ mãi trong tâm trí tôi và của nhiều người, để họ chọn tiếp tục ngoảnh mặt mà sống trong bóng tối an toàn, hay bước ra giữa ánh sáng, dù hiểm nguy, để được sống thật với chính mình và đấu tranh bảo vệ những điều mình trân quý!

Tôi sẽ có thêm lý do để xuống đường, để hy vọng ngày mai, trên mảnh đất quê hương, con cái tôi sẽ cùng con cháu chúng, không phải sợ bị đánh đập, tù đày, chỉ vì trót nói lên TÌNH YÊU của mình!

Bùi Uyên, từ Paris


 
 Từ khóa: Hoàng Mỹ Uyên, Bee
Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá
Xếp hạng: 4.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn