Trong tiếng Anh có một số cụm từ thường được dùng để nói về việc dứt bỏ ảnh hưởng của quá khứ và mở ra tương lai, trong đó có lẽ phổ biến nhất là ba cụm từ:
-
Clear the Past (
Xóa bỏ Quá khứ)
-
Close the Past (
Khép lại Quá khứ)
-
Release the Past (
Tháo bỏ Quá khứ)
Trong ba cụm từ này thì
Close the Past (
Khép lại Quá khứ) được xem là đúng đắn nhất về mặt ngôn ngữ!
Tâm trí con người, nhất là quá khứ, thường có nhiều phần nằm trong miền vô thức thụ động hơn là miền ý thức chủ động. Quên lãng cũng như ghi nhớ! Rất ít khi con người ta có thể hoàn toàn chủ động để ghi nhớ hay quên lãng một điều gì đó, tựa như lời một bài hát “
khi cố quên là khi lòng nhớ thêm!”. Con người không phải là một cỗ máy để có thể hoàn toàn chủ động ra lệnh cho nó nhớ hay quên, vì những việc này có nhiều phần phụ thuộc vào quy luật vận hành của ký ức và thời gian: có lẽ chỉ có thời gian mới là thứ đảm bảo cho quên lãng!
Đó là mới chỉ nói về mặt cá nhân, còn trong một cộng đồng thì vấn đề lại càng trở nên phức tạp gấp bội! Vì trong cộng đồng sẽ có người quên người nhớ, có những người mong cố quên mà vẫn bị người nhớ nhắc cho phải nhớ lại!
Vì thế mà các cụm từ
Clear the Past (
Xóa bỏ Quá khứ) và
Release the Past (
Tháo bỏ Quá khứ) mang nét gì đó chủ động can thiệp tới quá khứ, thường được xem là không thật chính xác về mặt ngôn ngữ! Dù có muốn “tháo bỏ” thì quá khứ đôi khi vẫn quay về buộc lại, dù có muốn “xóa bỏ” thì đôi khi quá khứ vẫn cứ hiện về nằm ngoài sự chủ động của con người, như người Anh vẫn thường nói “
You cant hide the Past!” (Bạn không thể ẩn đi Quá khứ!).
Tuy nhiên, con người ta lại có thể
Close the Past (
Khép lại Quá khứ), có nghĩa là
Quá khứ vẫn còn đó, không mất đi đâu, nhưng ta chủ động “khép lại!”.
Khép lại Quá khứ không có nghĩa là cố phải quên lãng, mà là cứ để đó, chờ đến một thời điểm tỉnh táo và thích hợp, có thêm nhiều dữ kiện có cơ sở hơn để lục lại luận bàn và đưa ra nhìn nhận thấu đáo!
Vậy sao ta không giải quyết dứt điểm quá khứ ngay trong hiện tại trước khi bước tiếp tương lai?! Câu trả lời là không thể! Con người ta chẳng bao giờ có thể hết có những lúc điên rồ, mà chiến tranh là một trong những lúc điên rồ như thế! Ở đó con người từ tất cả mọi phía đều có thể hành động điên cuồng và phi lý! Khiến tất cả trở nên một mớ bòng bong rối rắm, mà giờ có tỉnh táo nhìn lại thì cũng khó có thể kiên nhẫn dành thời gian quý giá của hiện tại để gỡ hết mớ bòng bong, vì dù muốn hay không thì con người ta vẫn phải tập trung bước tiếp tới tương lai!
Người ta chỉ nói đến
Khép lại Quá khứ khi các bên nhìn thấy một
Tương lai Tốt đẹp Cùng nhau nhưng chẳng may số phận đã đùn đẩy cho họ có một
Quá khứ không thật dễ dàng! Bởi vì
Quá khứ đó có thể tàn phá
Tương lai Tốt đẹp mà các bên đang mong muốn gây dựng. Hãy “đóng gói”
Quá khứ đó lại và để đó lưu trữ, và cùng nhau gây dựng một quan hệ tốt đẹp “làm lại từ đầu!” như lời một bài hát nào đó. Vậy nên
Khép lại Quá khứ là một cuộc chơi mà các bên đều phải có ý thức tự nguyện nhập vai và chủ động “dằn lại quá khứ” chứ không thể cố tình “
bới móc lại quá khứ” để cho
Quá khứ tác động tới
Tương lai (bất luận theo chiều xấu hay tốt!).
Khép lại Quá khứ cũng không hề liên quan đến việc
Tha thứ! Chiến tranh là một việc điên rồ, mà bản chất con người đôi lúc không thể tránh khỏi: ở đó mỗi con người bị ném vào một cuộc ganh đua man rợ để giành quyền sống sót bằng tất cả các tiềm năng dù xấu xa nhất! Vậy nên khi nhìn lại chẳng có phía nào chắc được là mình đã làm đúng hoàn toàn, đâu đó vẫn còn những khoảng tối mà con người ta không thể phân định được trắng đen.
Tha thứ là tha thứ cho những gì đã xảy ra, là một công việc nghiêng về phía
Hàn gắn Quá khứ; còn
Khép lại Quá khứ là công việc của hiện tại mà qua đó mở ra tương lai.
Nhìn lại cuộc Chiến tranh Việt Nam, trước hết con người ta cần phải sòng phẳng và trung thực với chính mình! Suốt cuộc chiến, giới lãnh đạo cách mạng luôn thúc đẩy và tự hào với chiến lược “
chiến tranh nhân dân”, họ luôn coi đó là một cuộc chiến toàn diện, toàn dân “
mỗi nhà là một pháo đài” và “
mỗi người dân là một chiến sĩ!”. Họ không ngừng tuyên truyền cho mọi người dân, từ phụ nữ cho đến trẻ em, phải “căm thù” giặc Mỹ, bất kể người già, phụ nữ và trẻ em đều có thể trở thành “
dũng sĩ diệt Mỹ” nhiều khi đến mức bất phân biệt! Bom đã được đặt để tàn sát cả những người Mỹ đến Việt Nam làm công tác dân sự hay thậm chí hỗ trợ nhân đạo, miễn là tạo được tiếng vang! Hay cả các ký giả tới Việt Nam để đưa tin về cuộc chiến có thể cũng bị ám sát, cho dù các thông tin trung thực từ họ thường đem lại lợi thế cho Việt Cộng trong mắt công chúng Mỹ!
Làng Thạnh Phong nơi vụ thảm sát xảy ra, vào thời điểm năm 1969 được coi là nằm trong vùng “
oanh tạc tự do” mà theo tiêu chuẩn chiến tranh thì bất cứ ai trong vùng này đều bị coi là “quân địch” và có thể bị bắn bỏ! Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thường kêu gọi người dân rời bỏ các khu vực “oanh tạc tự do” để về sống trong các “ấp chiến lược” được bảo vệ an toàn hơn. Nhưng thông thường, người dân sống ở các vùng “oanh tạc tự do” cũng là cơ sở hoạt động của các “
chiến sĩ du kích Việt Cộng” - cũng chính là người nhà của họ! - nên họ không thể rời bỏ để về sống trong các ấp chiến lược.
Như người Mỹ đã phải thừa nhận, và chúng ta cũng “tự hào” là “
không cách gì có thể phân biệt được chiến binh hay dân thường!” hay như chính
Bob Kerrey từng bào chữa: “
Hãy nhìn những tên họ khắc trên Bức tường Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Thủ đô Washington, nhiều người có tên trên đó vì đã không nhận ra rằng một phụ nữ hay đứa trẻ cũng có thể giấu khẩu súng trong người!”. Giờ đây, nhìn lại, khó có thể phủ nhận việc làm của Bob Kerrey và nhóm Biệt kích SEAL là “tội ác” nhưng có thể hiểu được nguyên nhân dẫn tới “tội ác” này trong hoàn cảnh thời chiến!
Thật như ai đó đã nói: “
Chiến tranh là cuộc bắn giết vô cớ của những người không quen biết và không hận thù nhau, để phục vụ cho những kẻ thù ghét và quen biết nhau nhưng lại yên ổn ngồi bên nhau bàn định việc bắn giết!”. Một mặt họ tuyên truyền khuyến khích mọi người dân thi đua tiêu diệt giặc Mỹ, qua đó đẩy dân thường vào một cuộc chơi đầy rủi ro và tàn khốc! Một mặt họ ung dung ngồi giữa Paris hoa lệ để nói chuyện với “
những tên giặc Mỹ đầu sỏ” và nếu cần có thể nhấn nhá thêm cả loạt mạng sống nơi chiến trường để cho cuộc nói chuyện của họ được thêm phần rôm rả!
Để rồi giờ đây khi cuộc chiến tranh đã qua đi hơn bốn mươi năm, một khoảng thời gian bằng nửa đời người, và nếu tính bằng thế hệ là đã qua gần hai thế hệ. “Kẻ thù” giờ cũng đã “buông dao” từ lâu và quay lại Việt Nam trong bộ đồ dân sự để hy vọng có thể làm được điều gì đó bù đắp lại được phần nào những mất mát đau thương mà họ đã góp phần gây ra trên mảnh đất này. Vết thương dù vẫn còn âm ỉ đau đớn, nhưng thời gian cũng đã đủ dài để hầu hết những người trực tiếp can dự vào cuộc chiến đều mong muốn Khép lại Quá khứ và hướng đến tương lai.
Nhưng một số kẻ “
yên ổn ngồi bên nhau bàn định việc bắn giết” ngày ấy vẫn chưa ra khỏi cơn mê “
bắn giết - hận thù!”. Họ bới móc quá khứ để khắc sâu thêm hận thù nhân danh những điều vẻ như tốt đẹp nhằm cản trở tương lai mà trong đó họ bị bớt đi cổ phần lèo lái xã hội. Họ không ngại ngần lập lờ đánh tráo và bịa đặt thông tin để phục vụ cho ý đồ sắp đặt: một việc làm của những kẻ nếu không điên cuồng bất trí thì cũng lưu manh!
Và như Nguyễn Huy Thiệp có viết trong truyện ngắn “Những bài học nông thôn”: “...
tôi hiểu sâu sắc sự ngu dốt của bọn có học tai hại thế nào, vừa phản động, nó vừa nguy hiểm, lại vừa mất dạy. Sự ngu dốt của bọn có học tởm gấp vạn lần so với ở người bình dân”. Vậy nên có lẽ những kẻ đó trước tiên cần phải học lại để hiểu được bản chất của cụm từ
Close the Past (
Khép lại Quá khứ). Và có lẽ họ cũng nên dè chừng vì
Close the Past về phía họ có khi lại phải gọi là
Đậy lại Quá khứ!
Nhưng e rằng đó là đòi hỏi hơi nhiều ở họ: dù họ không bất trí! Nên họ là “
trí thức lưu manh!”.