LÀM TỪ THIỆN VÌ AI?

Thứ sáu - 10/06/2016 04:29

(NCTG) “Làm từ thiện vì ai?” có thể là một suy ngẫm có ý nghĩa, nhưng rất tiếc, câu hỏi cụ thể mà MC Tạ Bích Loan dùng trong chương trình “60 phút mở” của VTV thì thật vô nghĩa. Khi ta bắt đầu từ một câu hỏi sai, thì mọi câu trả lời đều không có ý nghĩa.

MC Tạ Bích Loan liên tục gây bão vì cách đặt câu hỏi và dẫn chương trình trong “60 phút mở” - Ảnh chụp màn hình

MC Tạ Bích Loan liên tục gây bão vì cách đặt câu hỏi và dẫn chương trình trong “60 phút mở” - Ảnh chụp màn hình

Trong chương trình, MC Tạ Bích Loan hỏi đi hỏi lại những người làm từ thiệncác bạn làm thế (từ thiện) là vì các bạn hay vì các em?”, một câu hỏi mang nặng tính áp đặt. Bản thân cách MC Tạ Bích Loan đặt câu hỏi mang nặng tư tưởng “thuyết âm mưu” mà rất nhiều người tin tưởng: “Đời không ai cho không ai cái gì cả”. Nếu chúng ta bắt đầu từ một mệnh đề nhân đạo hơn “lòng trắc ẩn luôn có trong mỗi người” thì câu chuyện có lẽ sẽ rẽ sang một hướng khác hơn, và nhân văn hơn.

Câu hỏi có lẽ nên là “chúng ta nên làm từ thiện như thế nào là tốt?”. Và mệnh đề mặc định của chúng ta ở đây là “chúng ta làm từ thiện vì lòng tốt”.

Chúng ta sẽ thấy TS. Đặng Hoàng Giang đã phân tích vấn đề theo chiều hướng “làm từ thiện như thế nào cho tốt?”. Đấy là một câu hỏi khó, mình tin những người làm từ thiện sẽ đều bắt đầu từ một điều rất đơn giản: “Thấy người khác khổ quá, muốn giúp đỡ họ”. Mình cũng tin rằng nếu những người làm từ thiện đủ kiên nhẫn để theo đuổi công việc này, thì câu hỏi “làm sao để từ thiện thực sự là cho một cái cần câu chứ không phải là cho con cá?” sẽ nảy sinh trong hành trình thiện nguyện.

Ví dụ tiêu biểu cho “từ thiện kiểu cần câu” là những dự án xây trường học; dự án xây tủ sách mới; những quỹ học bổng cho trẻ em nghèo; quỹ học bổng cho các nước đang phát triển; trường học phi lợi nhuận... Bởi cuối cùng, giáo dục sẽ là tài sản sinh lời nhiều nhất cho cộng đồng.

Tuy nhiên, dễ thấy rằng những dự án như vậy là những dự án lớn, dài hơi, mà những cá nhân riêng lẻ, hối hả tất bật với lo toan hàng ngày khó lòng có thể làm được. Đấy cũng là những dự án cần được các cơ quan chức năng ủng hộ (và việc này thực ra không hề dễ dàng). Như vậy, từng cá nhân, hoặc các nhóm nhỏ, muốn làm từ thiện thì họ phải làm thế nào? Chúng ta nên khuyến khích họ, hay là chúng ta yêu cầu họ đợi một dự án đủ “ý nghĩa lâu dài” mới được tham gia?
 
Trong khi chưa tạo dựng được “cần câu”, vẫn rất cần “con cá” và đây là hai hoạt động không mâu thuẫn và loại trừ nhau - Ảnh: Chương trình “Cơm có thịt” đã mang lại miếng cơm, manh áo cho rất nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa
Trong khi chưa tạo dựng được “cần câu”, vẫn rất cần “con cá” và đây là hai hoạt động không mâu thuẫn và loại trừ nhau - Ảnh: Chương trình “Cơm có thịt” đã mang lại miếng cơm, manh áo cho rất nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa

Câu trả lời mình dành cho bản thân là: mình làm được gì mình cứ làm. Có tiền góp tiền, có sức góp sức. Nấu ăn cho bệnh nhân nghèo, góp tiền vào các quỹ từ thiện, gom quần áo ấm cho trẻ em vùng cao... tất cả đều đáng quý.

Mình còn tin rằng, tất cả các dự án từ thiện dài hơn đều bắt nguồn từ những hành động từ thiện bột phát.

Chúng ta không nên sợ “cho nhầm”. Nếu chúng ta có lỡ “cho nhầm” một lần, thì lần tới chúng ta sẽ suy nghĩ cẩn thận hơn về “cách cho”, xin đừng sửa sai bằng cách “ngừng cho”.

Hãy tin rằng, đối với đa số những người làm từ thiện, họ “cho” không nhất thiết là vì cần “nhận” lại. Và kể cả khi người ta “cho” là vì người ta muốn cảm thấy thỏa mãn cái “tôi” (không làm như vậy thì tôi thấy áy náy, bứt rứt không yên cũng là một cách thỏa mãn cái “tôi” vậy?), thì rốt cục, hành động “cho” đi mới là quan trọng, phải không nào?

Hà Linh, từ Toulouse (Pháp)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn