GIẢI PHƯƠNG TRÌNH KERREY

Thứ tư - 08/06/2016 19:19

(NCTG) “Bob Kerrey không thể là người đứng đầu hữu hiệu cho một đại học độc lập của Mỹ tại Việt Nam, nếu mục đích của FUV là làm ngọn đèn soi đường, đào tạo sinh viên để cải thiện nền giáo dục Việt Nam đang mờ mịt...”.

Câu chuyện hơn bốn chục năm trước của một cựu binh Mỹ đang khiến công luận Việt Nam bị chia rẽ nặng nề

Câu chuyện hơn bốn chục năm trước của một cựu binh Mỹ đang khiến công luận Việt Nam bị chia rẽ nặng nề

Bob Kerrey, cựu Thượng nghị sĩ Tiểu bang Nebraska (1989-2001), từng chỉ huy một trung đội đặc công (Navy SEAL) trong chiến tranh Việt Nam. Năm 2001, tạp chí “The New York Time” và chương trình truyền hình “60 Minutes II” của CBS công bố phóng sự điều tra của họ về cuộc thảm sát ở làng Thạnh Phong. Hơn hai mươi phụ nữ và trẻ em vô tội bị sát hại. Họ bị bắn lầm hay bị cố sát là một vấn đề không có câu trả lời chính thức. Hơn ba mươi năm đã trôi qua, có nhiều lý do khiến Bộ Quốc phòng Mỹ không mở hồ sơ điều tra. Nhiều người Mỹ kết tội truyền thông đã bôi nhọ một người anh hùng; nhiều người Mỹ khác đả kích Kerrey là một tội phạm chiến tranh. Bob Kerrey tự nhận trách nhiệm cho cuộc thảm sát và nói rằng đây là điều làm ông đau khổ suốt đời.

Từ nhiều năm nay, Kerrey luôn hỗ trợ tái lập bang giao và nổ lực tìm cách đóng góp cho Việt Nam. Ông đã đóng vai trò lớn trong việc gây quỹ thành lập Đại học Fulbright (FUV), một đại học Mỹ độc lập tại Việt Nam. Bob Kerrey được giao chức Chủ tịch Hội đồng Tín thác (Chairman of Board of Trustees). Đây là một quyết định gặp sự chống đối mạnh của nhiều người Việt. Bên cạnh đó, nhiều người Việt khác cũng lên tiếng, không kém phần mạnh mẽ để phản đối những người chống đối.

Vấn đề không đơn giản là lòng hận thù hay sự tha thứ như những bài viết trên mạng vẫn bàn đến. Một người Mỹ quan tâm nhiều đến Việt Nam là PGS. Jonathon London có viết bài trên blog của ông phản đối Kerrey đảm nhiệm chức vụ này. Không ai có thể buộc tội London là người mang lòng thù hận. Đồng thời cũng không ai có cơ sở gì để nghi ngờ hảo tâm của những người Mỹ đã đề cử Kerrey vào chức vụ này.

Những người biết về vụ việc này đều có sự chọn lựa: ủng hộ hay chống đối Kerrey nhận chức vụ Chủ tịch FUV. Quan điểm của tôi, cũng như phần đông những người khác, không có ảnh hưởng gì với FUV. Nhưng tỏ rõ thái độ, quan tâm đến những vấn đề không trực tiếp liên hệ đến mình cũng là nhu cầu, nếu không là trách nhiệm, của người công dân. Phải chọn thế nào là một bài toán không có đáp số đúng sai nhất định. Nhưng đúng sai trong những vấn đề nặng phần chủ quan như thế này không quan trọng bằng cách nhìn và suy luận để có thể nói chuyện với những người không cùng quan điểm.

Bài viết này là cách giải phương trình Kerrey của cá nhân tôi.

Nếu cố sát, theo như lời một vài nhân chứng Việt và Mỹ, thì Thạnh Phong là một tội ác chiến tranh. Cho rằng “chiến tranh là thế” và khuyên “không dùng đạo đức thời bình để phán xét” là một cái nhìn lệch lạc và tai hại nhân danh lòng vị tha. Thế giới văn minh đã đòi hỏi rằng chìến tranh phải có nguyên tắc để giữ nhân cách và đạo đức con người. Nhờ thế mà những người lính đã từng chĩa súng bắn giết đồng đội của nhau trong thời chiến vẫn có thể ngồi lại hòa giải cùng nhau với lòng tự trọng và danh dự trong thời bình. 

Chém giết người vô tội hay xuống tay khi không cần thiết là một tội ác không thể biện hộ. Nhưng vấn đề thường không đơn giản. Người lính tay đẫm máu trên chiến trường và chính khách phòng lạnh, ai có tội hơn ai? Một người tướng xuất quân giết hàng ngàn kẻ địch và vô tình sát hại hàng trăm thường dân được trọng vọng là một anh hùng. Nhưng nếu ông ra lệnh tra tấn hay giết vài tù binh thì sẽ trở thành tội phạm chiến tranh dưới mắt xã hội văn minh. Không mấy ai có vấn đề hòa giải với các ông McCain, Kerry, Peterson... Nhưng với một người như Bob Kerrey thì quả là không đơn giản. Theo tôi, ta cũng không nên đơn giản hóa vấn đề thành câu hỏi có “tha thứ”, “bỏ qua quá khứ” hay không.

Bob Kerrey đã bị chính lương tâm của ông dằn vặt, bất kể sự thật thế nào. Là một chính trị gia có khả năng, Kerrey thừa biết cách tránh dư luận bất lợi và đánh bóng cho mình như Henry Kissinger. Nhưng ông đã chấp nhận miệng lưỡi tiểu nhân cũng như sự phán xét của người quân tử mà không biện bạch. Cá nhân tôi khâm phục dũng khí và kính trọng nhân cách của Kerrey. Tôi không có tư cách gì để nói chuyện “tha thứ” với ông ngày hôm nay. Đối với riêng tôi, những người như Bob Kerrey không chỉ là đồ tể đã buông dao mà còn như người phải vác thánh giá, chịu tội thế mình dưới một góc nhìn trừu tượng về con người.

Nhưng hành động của Kerrey và đồng đội ở Thạnh Phong là điều tôi không thể chấp nhận hay biện hộ. (Bob Kerrey cũng không muốn ai biện hộ cho ông.) Vì thế mà tôi thông cảm với những người nghĩ đến cuộc thảm sát năm xưa mà đem lòng thù hận ông. Thông cảm nhưng không đồng tình. Tôi cố gắng phân biệt hành động, ý thức, và con người. Tôi tin rằng ý thích trả thù, rửa hận, dù chỉ bằng lời nói hay thái độ, là do cảm tính còn có phần man rợ hơn là lý trí văn minh.

Nhiều người đang gay gắt kết tội Kerrey xem chừng không hề quan tâm đến những tội ác, những cuộc thảm sát mà chính họ, đồng đội, hay cha anh của họ đã gây ra nhân danh lý tưởng cao đẹp. Nhiều người khác đang gay gắt “vạch mặt đạo đức giả” của những người này cũng thiếu sự nhất quán trong tư duy. Thái độ cao đẹp họ dành cho Kerrey xem chừng không giúp họ có cái nhìn vị tha về lỗi lầm quá khứ của người cùng huyết thống. Thảm sát Mậu Thân và Thảm sát Thạnh Phong, lòng vị tha, cởi bỏ hận thù của họ vẫn còn tùy thuộc vào phe phái. Một điều khá bi hài là họ thành thật hỏi: Tại sao người Việt luôn chia rẽ sâu đậm?

Những trí thức Việt đang lên án Kerrey suy nghĩ thế nào về sự im lặng của họ trước cảnh chính quyền hành hạ người biểu tình vì môi trường và đời sống dân nghèo? Những trí thức Việt ủng hộ Kerrey chưa bao giờ tự hỏi trong số các “con thú vật” họ đang “kinh tởm” vì đã ra tay đánh đập người biểu tình có thể có những Bob Kerrey của Việt Nam?

Xem chừng những người đang cùng gay gắt với nhau không hề nghi ngờ rằng cái nhìn phiến diện, cách suy luận theo cảm tính, và khuynh hướng thích mắng chửi hơn đối thoại chính là nguyên nhân không có cảm thông giữa những người không có cùng quan điểm. Chính họ đang đào sâu cái hố chia rẽ.

Tôi không ủng hộ Bob Kerrey là Chủ tịch Hội đồng Tín thác của FUV vì một suy luận thực tiễn. Ông không thể là người đứng đầu hữu hiệu cho một đại học độc lập của Mỹ tại Việt Nam. Nếu mục đích của FUV là làm ngọn đèn soi đường, đào tạo sinh viên để cải thiện nền giáo dục Việt Nam đang mờ mịt thì vấn đề then chốt nhất, quan trọng nhất, duy nhất không thể thiếu là tinh thần và quyền tự do học thuật. Khuyến khích và bảo vệ tự do học thuật, trong đó có quyền nói lên sự thật về lịch sử, xã hội và chính trị, quyền giảng dạy về chân - thiện - mỹ theo lương tâm của người thầy, là một trách nhiệm không đại học có uy tín nào ở Mỹ chịu nhượng bộ.

Một trường đại học như thế tất nhiên sẽ đứng vào thế đối nghịch về tư tưởng với chính quyền độc tài hiện nay ở Việt Nam.

Trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Tín thác, Bob Kerrey có thể được xem là người đại diện cho Hội đồng Giáo sư, là tiếng nói của trí thức FUV. Ông sẽ không thực thi đúng mức chức năng của một trường đại học nếu không lên tiếng bảo vệ tự do học thuật, không tỏ thái độ dứt khoát về sự chà đạp nhân quyền. Đối diện với đội ngũ bằng cấp mậu dịch, quan liêu hình thức không có thực chất, đại diện đại học Mỹ không thể im lặng. Nhưng bất kể khả năng và nhân cách của Kerrey cao đến đâu, ông vẫn là một người dễ bị nghi ngờ và xuyên tạc. Lời nói của ông sẽ không có sức thuyết phục cần thiết.

Một giải pháp hợp tình hợp lý là bên cạnh chức vụ chủ tịch của Kerrey, những người sáng lập FUV nhanh chóng đề cử một hiệu trưởng đại học (university president or chancellor) để chính thức gánh trách nhiệm đại diện cho tinh thần và nguyên tắc của một đại học Mỹ độc lập tại Việt Nam.

Hình như nhiều người quan tâm đến chức vụ Chủ tịch Đại học vì danh giá, như một phần thưởng cho người có công xứng đáng. Tôi nghĩ đến trách nhiệm và sự hữu hiệu của người nắm chức vụ này. Nhiều người nói đến sự hợp tác giáo dục Việt Mỹ như một giấc mơ đẹp, mơ hồ. Tôi muốn thấy cụ thể giáo dục đại học ở Việt Nam có sự độc lập tư duy và tự do học thuật như ở Mỹ. Thiếu hai điều này thì hầu hết chuyên gia các ngành cũng như một số du học sinh về nước cũng chỉ được đào tạo như thợ giỏi, cúi đầu làm theo và phục vụ quyền lực hay tài lực.

Hợp tác như thế thì cũng chỉ là hình thức tầm thường, không xứng mang tên của William Fulbright. 

Nguyễn Chánh, từ Hoa Kỳ


 
 Từ khóa: Bob Kerrey
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn